Dạy và học Lịch sử: Giáo viên làm mới mình

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Để nâng cao chất lượng dạy - học môn Lịch sử, mỗi thầy cô phải yêu lịch sử và đổi mới phương pháp để giờ học hấp dẫn, không nhàm chán.

Khi thầy cô đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử sẽ cuốn hút học sinh hơn. Ảnh: TG
Khi thầy cô đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử sẽ cuốn hút học sinh hơn. Ảnh: TG

Giúp trò hiểu bài thay vì thuộc bài

Gắn bó nhiều năm với công tác giảng dạy và luyện thi học sinh giỏi môn Lịch sử của Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc (Vĩnh Phúc), cô Nguyễn Thị Minh Hải cho rằng, môn học này không hề khô khan mà trái lại còn hấp dẫn. Lâu nay, nhiều học sinh than môn Lịch sử khó vì nhiều số liệu, sự kiện do giáo viên chưa biết cách đổi mới phương pháp để biến tiết dạy trở nên sinh động, học trò dễ tiếp thu. Vai trò của giáo viên trong dạy học môn Lịch sử vô cùng quan trọng.

Cô Minh Hải nêu quan điểm, giáo viên phải có trình độ chuyên môn vững vàng, tự làm mới mình bằng cách cập nhật nhiều tri thức khác nhau hay những thay đổi trong chương trình, sách giáo khoa mới để xem học sinh cần gì. Bài giảng cũng cần số hóa sao cho hấp dẫn, học sinh hiểu bài chứ không chỉ thuộc bài. Dạy môn Lịch sử cũng liên quan nhiều tới giáo dục kỹ năng, nhân cách sống nhưng nhiều thầy cô chưa biết khai thác yếu tố này. Bản thân giáo viên phải thực sự yêu thích, đam mê lịch sử mới trao truyền nguồn năng lượng đó tới học trò.

“Mỗi ngày giáo viên cần chuẩn bị thật kỹ cho tiết dạy cả về nội dung và hình thức. Tùy từng nhóm (học để thi học sinh giỏi hay thi tốt nghiệp THPT, học để hiểu biết) thì phương pháp dạy khác nhau. Lịch sử có mối quan hệ mật thiết với nhiều môn khác như Địa lý, Ngữ văn, An ninh quốc phòng. Ví dụ, khi phân tích câu: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, các em phải hiểu câu này Bác Hồ nói ở đâu, tại sao? Từ đó, học sinh sẽ thích tìm hiểu thông qua những nguồn chính thống”, cô Hải nhấn mạnh.

Còn theo thầy Nguyễn Khánh Vân - giáo viên Lịch sử Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội), dạy lịch sử, giáo viên phải áp dụng đa dạng hình thức. Trong đó có tổ chức câu lạc bộ nhằm phát huy năng lực, sở trường từng học sinh, khơi gợi sự tìm tòi khám phá. Học sinh cần được tham gia trải nghiệm những di tích lịch sử trên địa bàn...

Tại khu di tích Thành cổ Sơn Tây (Sơn Tây, Hà Nội), học sinh Trường THPT Sơn Tây được tìm hiểu về nguồn gốc hình thành cũng như các trận đánh của quân dân ta thời kỳ nhà Nguyễn. Về tư liệu lịch sử, nhà trường lựa chọn nhiều đầu sách phong phú để thầy trò có thể sử dụng, khai thác từ nguồn thông tin chính thống. Sau khi giao một chủ đề nào đó để lấy điểm kiểm tra thường xuyên, học sinh có thể trình bày dưới dạng sân khấu hóa, thuyết trình qua slide với sự hỗ trợ của công nghệ nên các em hứng thú tham gia.

Thầy Nguyễn Khánh Vân và học sinh Trường THPT Sơn Tây. Ảnh: TG

Thầy Nguyễn Khánh Vân và học sinh Trường THPT Sơn Tây. Ảnh: TG

Định hướng cho học trò

Theo cô Doãn Thị Dung - giáo viên môn Lịch sử - Địa lý, Trường THCS Trần Đăng Ninh (Hà Đông, Hà Nội), Lịch sử là môn học có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Điều này giúp học sinh hiểu biết quá khứ, cội nguồn dân tộc, từ đó có ý thức bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, trách nhiệm bản thân với quê hương, đất nước. Từ những bài học quá khứ nhận biết giá trị ngày hôm nay, hướng tới mai sau.

Để các em yêu thích môn Lịch sử, giáo viên phải biết truyền cảm hứng. Làm được điều này, thầy cô cần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh. Giáo viên phải biết ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm thiết kế bài giảng, có hệ thống tư liệu phong phú, đồ dùng trực quan sinh động, phim tư liệu, những câu chuyện lịch sử để giờ học thêm hấp dẫn.

Học tập lịch sử không chỉ trên lớp, mà còn gắn liền với hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm như tham quan khu di tích lịch sử, thực tế tại bảo tàng… Đồng thời, giáo viên cần chú ý tới công tác kiểm tra đánh giá theo hướng toàn diện, tạo điều kiện cho các em được tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau. Ngoài ra, thầy cô cần thường xuyên tham gia tập huấn để trau dồi chuyên môn.

Dưới góc độ quản lý, cô Trần Thị Thanh Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thiện Tân (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) cho hay, ngoài thư viện, nhà trường đã đầu tư thêm Ngôi nhà Trí Tuệ được kết nối nhiều máy tính, đa dạng nguồn sách về lịch sử xưa và nay giúp học sinh có thêm phương tiện tiếp cận tri thức mới. Các em có thể chủ động thiết kế nội dung bài học, tự chủ trong việc trình bày kiến thức môn Lịch sử theo chương trình mới đạt hiệu quả.

Môn Lịch sử được giáo viên nhà trường áp dụng đa dạng phương pháp dạy học. Giáo viên tiến hành các hoạt động giáo dục lịch sử gắn với thực địa, tham quan di tích lịch sử văn hóa, viện bảo tàng, xem phim tài liệu lịch sử; tổ chức các câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, tổ chức hái hoa dân chủ, cuộc thi tìm hiểu lịch sử kết hợp song ngữ tiếng Anh giới thiệu các vị anh hùng dân tộc. Các trò chơi lịch sử thông qua hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, ngày hội trại 26/3 hằng năm.

Một trong những lợi thế của môn học Lịch sử là có nhiều tư liệu hình ảnh như: Bức họa, ảnh chụp, phim tài liệu. Học lịch sử là tìm về quá khứ nên học sinh thích được xem những hình ảnh thực tế, cho cảm giác như đang sống thời kỳ lịch sử đó. Trong quá trình giảng dạy, bên cạnh các tư liệu, hình ảnh trong sách giáo khoa, giáo viên chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin cho các em quan sát hình ảnh, xem video để hiểu rõ hơn nội dung bài học.

Cô Trần Thị Thanh Thảo cho rằng, giáo viên thông qua tổ chức hoạt động dạy học đa dạng, giúp học sinh phát huy năng lực sáng tạo trong học tập lịch sử, trở thành “người đóng vai lịch sử” hay “người làm lịch sử” để khám phá, vận dụng sáng tạo kiến thức vào học tập, thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, giáo viên phải không ngừng học tập để định hướng, giúp các em yêu thích và tự tìm tòi để bài học trở nên hấp dẫn hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ