Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy: Cốt lõi lịch sử và hư cấu kì ảo

GD&TĐ - Truyền thuyết là nghệ thuật phản ánh lịch sử. Sự tham gia của yếu tố tưởng tượng, hư cấu sẽ khiến cho tác phẩm truyền thuyết sinh động, hấp dẫn, góp phần lí giải và tô đậm lịch sử theo mong muốn của nhân dân.

Hành động tuốt kiếm chém Mị Châu của An Dương Vương chứng tỏ sự tỉnh ngộ muộn màng của nhà vua trước bi kịch mất nước. Ảnh minh họa: IT
Hành động tuốt kiếm chém Mị Châu của An Dương Vương chứng tỏ sự tỉnh ngộ muộn màng của nhà vua trước bi kịch mất nước. Ảnh minh họa: IT

Truyện “An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy” là một trong những truyện tiêu biểu trong hệ thống truyền thuyết về nước Âu lạc và An Dương Vương, đồng thời tiêu biểu cho hệ thống truyền thuyết Việt Nam. Truyện hấp dẫn người nghe, người đọc không chỉ ở những bài học lịch sử mà cha ông truyền lại mà còn là ở những chi tiết nhuốm màu sắc thần kì. 

1.

Theo sử sách lưu truyền, Âu Lạc là nhà nước được thành lập bởi Thục Phán, năm 257 trước công nguyên. Nhà nước này đã thống nhất hai bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt lại với nhau. Để tăng cường phòng thủ và bảo vệ kinh đô, An Dương Vương đã cho xây thành Cổ Loa kiên cố, xây dựng quân đội mạnh, trang bị vũ khí nhiều loại.

Theo sử cũ, Cổ Loa rộng hơn nghìn trượng, xoáy hình trôn ốc, thành có ba vòng khép kín, tổng chiều dài chu vi là 16.000 m, chiều cao 5 - 10m, chân thành rộng từ 10 - 20m, các thành đều có hào nước bao quanh, các hào thông nhau vừa nối với Đầm Cả vừa nối với sông Hoàng, có thể chảy ra sông Hồng. Đây là một công trình kiến trúc to lớn, độc đáo, sáng tạo, một căn cứ quân sự lợi hại thể hiện trình độ phát triển cao của nước Âu Lạc.

Năm 207 trước công nguyên, Triệu Đà đem quân xâm lược Âu Lạc. Quân dân Âu Lạc với vũ khí tốt, tinh thần chiến đấu dũng cảm, có thành Cổ Loa kiên cố, có quân đội mạnh, có tướng giỏi nên đã đánh bại quân Triệu Đà.

Năm 179 trước công nguyên, sau khi chia rẽ trong nội bộ nhà nước Âu Lạc, Triệu Đà dùng mưu tấn công và chiếm Âu Lạc.

Hiện nay, ở làng Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội còn những đoạn thành đất là di tích Loa Thành được đắp từ thời An Dương Vương. Cùng với Loa Thành là đền thờ An Dương Vương, am thờ Mị Châu và giếng Ngọc (tương truyền là nơi Trọng Thủy đã nhảy xuống tự tử). Tất cả tạo nên một cụm di tích lịch sử gắn bó sinh động với truyền thuyết về sự tồn tại của nước Âu Lạc.

Trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy,  tác giả dân gian đã lựa chọn những chi tiết, sự kiện lịch sử tiêu biểu cấu thành hai phần cốt lõi của cốt truyện. Đó là chuyện An Dương Vương xây thành, chế nỏ (chế tạo vũ khí) bảo vệ đất nước và chuyện vua chủ quan, khinh địch để mất nước trong tay Triệu Đà.

Sự có mặt những sự kiện lịch sử ấy là nền tảng cho việc phản ánh hiện thực của tác giả dân gian trong tác phẩm truyền thuyết đồng thời góp phần lưu giữ và truyền bá một cách sinh động, hấp dẫn những bài học lịch sử quí báu trong nhân dân qua các thế hệ.

2.

Trên cơ sở cốt lõi lịch sử là quá trình dựng nước của vua An Dương Vương và sự suy vong của nhà nước Âu Lạc, nhân dân ta đã sáng tạo nên nhiều chi tiết hư cấu kì ảo, để thể hiện thái độ đối với nhân vật An Dương Vương. Yếu tố kì ảo đầu tiên trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy là sự xuất hiện một con Rùa Vàng, tự xưng là sứ Thanh Giang đến giúp vua An Dương Vương xây thành, chế nỏ.

Khi vua An Dương Vương xây thành gặp khó khăn - hễ đắp tới đâu lại lở tới đấy, bỗng một cụ già từ phương đông tới trước cửa thành báo sẽ có sứ Thanh Giang tới cùng nhà vua xây dựng thành. Hôm sau, vua ra cửa đông chờ đợi. Khi thấy Rùa Vàng xuất hiện vua mừng rỡ, bèn dùng xe bằng vàng rước vào trong thành. Thành xây nửa tháng thì xong. Vua cảm tạ thần nhưng vẫn băn khoăn nay nếu  có giặc ngoài thì lấy gì mà chống? Rùa Vàng bèn tháo vuốt đưa cho nhà vua để làm lẫy nỏ. Nỏ Linh qui Kim thần cơ đã giúp nhà vua đánh bại quân xâm lược Triệu Đà.

Rùa Vàng từ phương đông tới, nói sõi tiếng người, thông tỏ việc trời đất, âm dương, quỉ thần, là nhân vật thần kì, có thể làm được những việc mà người thường không thể làm. Sự xuất hiện của cụ già bí ẩn, của Rùa Vàng đến giúp An Dương Vương xây thành, chế nỏ là những chi tiết kì ảo, không có thực, để minh chứng cho sự đồng tình của thần linh với sự nghiệp của An Dương Vương.

Còn nỏ thần hay chính là sự thần thánh hóa sức mạnh và bí mật của vũ khí, kết tinh trí thông minh và nghệ thuật giữ nước của cha ông ta. Sự có mặt của những yếu tố hư cấu kì ảo này nhằm thể hiện thái độ đồng tình của nhân dân với quyết sách vĩ đại mang tính chính nghĩa của An Dương Vương trong buổi đầu dựng nước và giữ nước đầy gian khổ. Những cố gắng lớn của vua tôi Âu Lạc đã khiến quân Đà thua lớn khi cử binh đánh chiếm phương Nam, không dám chiến, bèn xin hòa. 

Học sinh hào hứng với tiết học chuyên đề về Văn học dân gian Việt Nam với bài dạy minh họa “Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ”.
Học sinh hào hứng với tiết học chuyên đề về Văn học dân gian Việt Nam với bài dạy minh họa “Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ”.

3.

Triệu Đà hòa hoãn nhưng vẫn ngầm nuôi âm mưu xâm lược Âu Lạc. Chỉ vì mất cảnh giác nên An Dương Vương đã để cơ đồ đắm biển sâu. Trên cơ sở cốt lõi lịch sử về việc An Dương Vương để mất nước, nhân dân ta lại sáng tạo nên hệ thống yếu tố hư cấu kì ảo để bày tỏ thái độ nghiêm minh với nhân vật lịch sử này.

Lịch sử truyền rằng, nguyên nhân mất nước Âu Lạc là do nội bộ nhà nước bị chia rẽ, nhân cơ hội đó Triệu Đà dùng mưu đánh chiếm. Trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến mất nước là do vua An Dương Vương vô tình gả con gái là Mị Châu cho con trai Đà là Trọng Thủy. Là một người đứng đầu đất nước, sự vô tình ấy là dấu hiệu của việc mất cảnh giác trước kẻ thù.

Tiếp tay cho kẻ thù, trực tiếp đẩy Âu Lạc đến thảm cảnh nước mất nhà tan chính là con gái nhà vua - công chúa Mị Châu. Mị Châu đã nghe lời Trọng Thủy, cho Trọng Thủy xem trộm nỏ thần - đồng nghĩa với việc nàng đã để lộ bí mật quốc gia. Lại thêm lời ước hẹn với Trọng Thủy dấu hiệu tìm nhau nếu hai nước thất hòa, Bắc Nam cách biệt. Sự ngây thơ của Mị Châu khi đáp lại Trọng Thủy: Thiếp có áo gấm lông ngỗng thường mặc trên mình, đi đến đâu sẽ rứt lông mà rắc ở ngã ba đường để làm dấu, như vậy sẽ có thể tìm được nhau một lần nữa đẩy họa mất nước nhanh chóng và thảm hại hơn.

Khi hay tin Đà phát binh đánh Âu Lạc, An Dương Vương ỷ vào sức mạnh nỏ thần vẫn điềm nhiên đánh cờ, cười mà nói rằng: “Đà không sợ nỏ thần sao?”. Thái độ đó phản ánh sự chủ quan, khinh địch của nhà vua, là sai lầm lớn nhất dẫn An Dương Vương nhanh chóng đến thất bại không tránh khỏi. Thành cao, hào sâu, vũ khí tốt khiến nhà vua quên mất rằng mình từng dựa vào sức mạnh của dân, dựa vào sự đồng tình của thần dân để khởi nghiệp.

Mặc dù đó chỉ là cách lí giải của truyền thuyết, vì trên thực tế Âu Lạc thất bại có thể là do sức mạnh của kẻ xâm lược quá lớn, nhưng truyền thuyết không kể đến sức mạnh vật chất đó, mà chỉ nhấn mạnh đến âm mưu của kẻ thù và sự vô tình, mất cảnh giác của ta. Đó là một cách chọn lựa độc đáo các sự kiện để sáng tạo truyền thuyết, nhằm phản ánh ý thức lịch sử của nhân dân.

Bỏ chạy khi mất nỏ thần trước cảnh quân Đà tiến sát, đó là cách ứng xử của kẻ thất bại. Nhưng kết cục của vua Âu Lạc còn bi thảm hơn khi vua đặt Mị Châu ngồi đằng sau ngựa, cùng nhau chạy về phương Nam. Trọng Thủy nhận dấu lông ngỗng mà đuổi. Vua chạy tới bờ biển, đường cùng, không có thuyền qua bèn kêu sứ Thanh Giang đến cứu. Rùa Vàng hiện lên trước mặt nước, thét lớn: “Kẻ ngồi sau lưng chính là giặc đó!”, vua bèn tuốt kiếm chém Mị Châu.

Câu nói của thần Kim Qui chính là lời kết tội đanh thép của công lí, của nhân dân cho hành động vô tình phản quốc của Mị Châu. Đó cũng là bài học đắt giá khi con người ta đặt tình cảm cá nhân lên trên trách nhiệm công dân. Hành động tuốt kiếm chém Mị Châu của An Dương Vương chứng tỏ sự tỉnh ngộ muộn màng của nhà vua trước bi kịch mất nước.

An Dương Vương chém Mị Châu là hành động quyết liệt, dứt khoát của nhà vua khi xử tội bề tôi, là người đại diện cho công lí và quyền lợi dân tộc để xử án. Ở tận cùng của sự thảm bại, yếu tố kì ảo lại xuất hiện: An Dương Vương sau khi chém Mị Châu đã cầm sừng tê bảy tấc theo Rùa Vàng xuống biển. Sự có mặt của yếu tố kì ảo lúc này là cách để tô đậm lịch sử theo mong muốn của nhân dân.

An Dương Vương là vị vua có công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Âu Lạc. An Dương Vương để mất nước đã phải trả giá bằng việc bỏ cả thành mà chạy, phải tự tay chém giết con gái mình, nhưng nhân dân không muốn vị vua này phải chết nên đã mượn yếu tố kì ảo để chữa lại lịch sử. Để An Dương Vương theo Rùa Vàng về biển là cách dân gian muốn bất tử hóa nhân vật lịch sử, ghi công vị vua Âu Lạc.

Đây cũng là cách nhân dân đã kết thúc Truyện Hai Bà Trưng. Lịch sử kể rằng, Hai Bà Trưng sau khi thất bại đã nhảy xuống dòng Hát Giang tự vẫn, nhưng trong truyền thuyết hai bà lại cưỡi hạc bay về trời. Kết cục của Hai Bà Trưng và An Dương Vương trong truyền thuyết không đúng như trong lịch sử nhưng đã làm dịu bớt nỗi xót xa và phù hợp với tình cảm trân trọng của nhân dân đối với những người có công với đất nước.

Cùng sáng tạo nên những chi tiết kì ảo để bất tử hóa nhân vật lịch sử, nhưng nếu so sánh kết thúc Truyện Thánh Gióng và Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy ta lại thấy có điểm khác biệt. Thánh Gióng có công lớn dẹp giặc Ân, nhân dân để cho Thánh Gióng bay về trời, để mãi mãi được người đời mến mộ ngước nhìn; còn An Dương Vương có công xây dựng và bảo vệ Âu Lạc được bất tử hóa, nhưng vì An Dương Vương cũng là người để mất nước nên nhà vua phải xuống biển. Phải chăng nhân dân ta mong muốn, ở đáy sâu của đại dương An Dương Vương sẽ phải ngẫm nghĩ, dày vò về tội lỗi của mình. Những cách kết thúc như vậy đều chứng tỏ sự nghiêm minh, rạch ròi của nhân dân ta khi xem xét công - tội của các nhân vật lịch sử.

4.

Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy còn có những chi tiết hư cấu kì ảo liên quan đến nhân vật Mị Châu.

Mị Châu là công chúa của Âu Lạc, nàng được vua cha vô tình gả cho con trai Triệu Đà là Trọng Thủy. Nghe lời dụ dỗ của chồng, Mị Châu đã để lộ nỏ thần. Đó là việc làm đáng trách, vì công chúa đã đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia, dân tộc. Mị Châu đã không làm tròn bổn phận công dân của Âu Lạc. Tận khi giặc chiếm thành, lên ngựa bỏ trốn cùng vua cha, Mị Châu vẫn rắc lông ngỗng làm dấu để Trọng Thủy đuổi theo. Tội lớn tiếp tay cho giặc của Mị Châu đã phải trả giá. Nàng bị Rùa Vàng kết tội là giặc, bị chính vua cha tuốt kiếm chém chết. Nhưng Mị Châu cũng rất đáng thương. Vì tất cả những việc làm của nàng là do vô tình, là do âm mưu của Trọng Thủy, đứng sau là Triệu Đà.

Lời ước hẹn tìm nhau giữa nàng và Trọng Thủy cũng chỉ là tấm chân tình của phận nữ nhi trước tình chồng vợ. Rùa Vàng kết tội nàng là giặc, nàng chấp nhận cái chết, nàng không xin tha tội, nàng chỉ có một lời khấn cầu: Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành cát bụi.

Nếu một lòng trung hiếu mà bị người đời lừa dối thì chết đi sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù. Xót thương và thấu hiểu cho tấm chân tình của Mị Châu, nhân dân đã để cho lời khẩn cầu linh nghiệm: Mị Châu chết ở bờ biển, máu chảy xuống nước, trai sò ăn phải đều biến thành hạt châu. Như vậy, với Mị Châu, nhân dân vừa tỏ thái độ nghiêm khắc khi luận tội vừa tỏ lòng khoan dung, độ lượng để thấu hiểu ý tình.

Kết thúc Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy là thảm cảnh: Trọng Thủy ôm xác Mị Châu đem về táng ở Loa Thành, xác biến thành ngọc thạch. Mị Châu đã chết, Trọng Thủy thương tiếc vô cùng, khi đi tắm tưởng như thấy bóng dáng Mị Châu, bèn lao đầu xuống giếng mà chết.

Nhưng kế đó lại là một chi tiết kì ảo: Người đời sau mò được ngọc ở biển Đông, lấy nước giếng này mà rửa thì thấy ngọc trong sáng thêm. Chi tiết kì ảo ngọc trai - nước giếng là hình ảnh biểu tượng cho nỗi oan tình đã được hóa giải. Sáng hơn của ngọc là tấm lòng trung hiếu của Mị Châu, bị người đời lừa dối nay đã được hóa giải. Nước giếng rửa sáng ngọc không phải là thứ nước của tình yêu mà là nước rửa tội. Quả thực, chi tiết hư cấu kì ảo đã làm cho câu chuyện kết thúc nhân văn.

Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy là một cách giải thích nguyên nhân việc mất nước Âu Lạc. Qua đó nhân dân ta muốn nêu lên bài học lịch sử về tinh thần cảnh giác với kẻ thù và cách xử lí đúng đắn mối quan hệ giữa riêng với chung, giữa nhà với nước, giữa cá nhân với cộng đồng.

Những chi tiết hư cấu kì ảo trong truyện đã góp phần thể hiện thái độ của nhân dân với nhân vật lịch sử, đồng thời thể hiện khả năng tưởng tượng phong phú của người lao động  xưa. Vượt lên những bài học lịch sử, truyền thuyết để lại trong lòng người nghe, người đọc những bài học về đạo lí, những bài học nhân sinh sâu sắc và cả một thế giới kì ảo hấp dẫn, lạ kì. Có thể nói truyền thuyết đã phản ánh lịch sử một cách độc đáo.

Trong truyền thuyết luôn có sự kết hợp hai yếu tố: Cốt lõi lịch sử và hư cấu kì ảo. Cốt lõi lịch sử đóng vai trò trung tâm sự kiện, tạo nên sườn chính cốt truyện, còn hư cấu kì ảo là những sáng tạo nhằm thể hiện thái độ của nhân dân đối với nhân vật lịch sử. Vượt lên những sự kiện và nhân vật lịch sử, truyền thuyết để lại trong lòng người nghe, người đọc những bài học nhân sinh sâu sắc và cả một thế giới kì ảo hấp dẫn, lạ kì…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.