Chất huyền ảo trong truyền thuyết Thánh Gióng

Chất huyền ảo trong truyền thuyết Thánh Gióng

Đó cũng là một cách làm nên sự bất tử của người anh hùng cũng như bày tỏ suy nghĩ, tình cảm của quần chúng nhân dân đối với các sự kiện, các nhân vật lịch sử.

Nguồn gốc kỳ ảo

Mang cốt lõi lịch sử, truyền thuyết Thánh Gióng là một trong năm truyện đứng đầu của kho tàng truyện dân gian Việt Nam và đậm màu sắc thần thoại bởi các chi tiết kì lạ, hoang đường được sử dụng khá nhiều với một trí tưởng tượng cực kì phong phú của người xưa. Hào quang thần thoại đã tô điểm cho nhân vật thêm lung linh rực rỡ khiến Thánh Gióng trở thành một hình tượng kì vĩ, chói lòa, không truyện cổ nào sánh kịp.

Các chi tiết kì lạ, hoang đường trong truyền thuyết Thánh Gióng phải chăng là các tư tưởng trong tam giáo: Nho, Phật, Đạo và các tín ngưỡng nguyên thủy khác. Những chi tiết mang tính hoang đường, kì diệu đều là sự hình tượng hóa và thần thánh hóa mối quan hệ và sự phát triển nhanh chóng về mặt tinh thần, vật chất của lực lượng kháng chiến mỗi khi đất nước lâm nguy. Đồng thời phản ánh tâm thức nguyên thủy của người Việt trong buổi đầu dựng nước và Thánh Gióng được thể hiện như một vị thần tự nhiên thời dựng nước.

Từ khi ra đời cho đến khi phá tan giặc bay về trời, mọi chi tiết hành động của nhân vật đều kì lạ, khác thường, không thể có trong con người trần thế. Và, sự ra đời của Thánh Gióng là hình thức giao tiếp kì lạ giữa thần linh và con người, phản ánh nguồn gốc kì ảo của nhân vật. Ở đây, mô tuýp sự ra đời thần kì của người anh hùng thường xuất hiện trong truyện cổ dân gian các dân tộc, được tác giả dân gian sử dụng rất đúng chỗ đã góp phần cắt nghĩa, dự báo các hành động phi thường, sức mạnh vũ bão của Thánh Gióng sau này.

Những chi tiết huyền ảo, kì lạ ấy là sự thần thánh hóa để đề cao người anh hùng, làm cho người anh hùng có nguồn gốc siêu nhiên, thần thánh khác thường. Nhưng nhìn chung, những yếu tố kì diệu, khác thường trong nhân vật Gióng tuy khá nổi bật nhưng cũng không thể lấn át và thay thế được cái bình thường của con người trần thế, bởi, dù có siêu nhiên kì ảo đến đâu, Gióng vẫn phải “nằm trong bụng mẹ”, dù là mấy tháng; vẫn phải “uống nước, ăn cơm với cà”, dù là mấy nong; vẫn phải mặc quần vải của dân làng Phù Đổng, dù là cỡ rộng đến đâu; và ngay cả ngựa sắt, gươm sắt, áo giáp sắt, nón sắt của Gióng cũng là do vua Hùng tập hợp những người thợ rèn tài giỏi ở trong nước đúc nên.

Sự trưởng thành thần kỳ

Những chi tiết hoang đường không chỉ làm cho câu chuyện thêm li kì, hấp dẫn, mà bản thân nó chứa đựng những ý nghĩa thật lớn lao, sâu sắc. Tại sao đứa bé “sinh ra không nói, không cười,…đặt đâu nằm đấy” nhưng khi sứ giả đến thì lại nói được ngay và xin đi cứu nước? Ở đây, có thể hiểu rằng, lúc bình thường, lực lượng chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc của dân tộc còn tiềm ẩn trong nhân dân, chưa bộc lộ ra bên ngoài, cũng giống như Thánh Gióng nằm im không nói không cười, đặt đâu nằm đấy, nhưng khi có giặc ngoại xâm thì lực lượng chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc của dân tộc trỗi dậy, tập hợp lại để làm nên một Thánh Gióng thần kì. 

Đứa bé nói được ngay, đó là lòng yêu nước, ý chí bảo vệ Tổ quốc, quyết tâm tiêu diệt giặc ngoại xâm của nhân dân đã được kết tinh, hun đúc lại trong hình thượng Thánh Gióng, chứng tỏ truyền thống yêu nước chống xâm lăng của nhân dân ta vĩ đại biết bao!. Khi có giặc, từ người già đến trẻ con đều sẵn sàng đánh giặc cứu nước, chứng tỏ nhân dân ta luôn có ý thức chống giặc ngoại xâm. Đó là ý thức thường trực và cao cả của người Việt Nam trong sự nghiệp cứu nước.

Hành động xin đi đánh giặc cứu nước của một đứa bé mới ba tuổi đã lạ, lại càng lạ hơn nữa sau khi gặp sứ giả, đứa bé bỗng lớn nhanh như thổi, cơm ăn mấy cũng không đủ no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ, cả làng phải góp gạo để nuôi chú bé, vì ai cũng mong chú giết giặc, cứu nước… Khi sứ giả đem ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt đến, chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt.

Nét độc đáo của trí tưởng tượng và lòng yêu nước ở đây là, mới hôm qua, trong thời bình, đứa bé còn nhỏ bé, yếu ớt, thiếu sinh khí, sức sống khiến mẹ Gióng cũng buồn đau lo lắng khi phải chứng kiến tình cảnh của con trong hoàn cảnh tuổi cao sức yếu, đất nước đang đứng trước nguy cơ rơi vào cảnh lầm than, nô lệ; vậy mà hôm nay, khi đất nước lâm nguy, nó lớn nhanh như thổi, vươn vai một cái tức thì mình cao hơn trượng. Tại sao Gióng lại mau chóng trưởng thành như vậy? Bởi vì vận nước lâm nguy khi thế giặc mạnh, vì thế cần phải mau chóng trưởng thành, lớn mạnh để có đủ khả năng đối kháng với giặc, để giữ gìn sự an bình cho nhân, nền độc lập của dân tộc.

Cái vươn vai của Thánh Gióng đã trở thành biểu tượng, thành một mẫu gốc sản sinh ra các hình tượng gần gũi để các đời sau nói về sự phát triển vượt bậc, thần kỳ hay ước mơ tốt đẹp về sức khỏe thể chất và tinh thần (vươn vai Phù Đổng, Hội khỏe Phù Đổng…). Gióng lớn nhanh như thổi là biểu tượng cho khát vọng bao đời của người dân Việt có một sức khỏe vô song để giữ nước, để làm ăn trong yên ấm, hòa bình.Vóc dáng cậu bé ba tuổi lớn nhanh trở thành chàng trai khổng lồ, sức mạnh vô song. Ở đây chúng ta thấy tác giả dân gian không sử dụng các biện pháp thần kỳ hư ảo như sự biến hóa mang tính phù thủy, siêu hình của các loại phép thuật để xây dựng hình tượng khổng lồ của Gióng. 

Tư duy duy vật phảng phất trong chi tiết “Gióng lớn nhanh như thổi”. Vóc dáng của Gióng vụt vươn vai trở thành khổng lồ không ngoài quy luật chuyển hóa của yếu tố vật chất. Công thức cơ bản: “Con người + ăn + uống = lớn lên”. Gióng ăn nhiều hơn người thường nên cũng cao lớn hơn người thường và lúc đất nước nguy cấp thì cần có những sự phi thường đột biến để làm tăng sức mạnh đấu tranh. Ở đây, yếu tố vật chất được đề cao bên cạnh yếu tố tinh thần. Có tinh thần không thôi chưa đủ làm nên sức mạnh chống ngoại xâm.

Chất huyền ảo trong truyền thuyết Thánh Gióng ảnh 1
Tranh vẽ Thánh Gióng nhổ tre đuổi giặc Ân. Minh họa: IT

Huyền thoại đánh và thắng giặc

Đoạn văn miêu tả Thánh Gióng đánh giặc và chiến thắng giặc Ân đã được người xưa kể lại bằng một cảm hứng thần thoại bay bổng tuyệt vời với trí tưởng tượng phong phú: “Tráng sĩ bước lên, vỗ vào mông ngựa. Ngựa hí dài mấy tiếng vang dội. Tráng sĩ mặc áo giáp, cầm roi nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa, tráng sĩ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, đón đầu chúng đánh giết hết lớp này đến lớp khác, giặc chết như rạ. Bỗng roi sắt gẫy. Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ. Đám tàn quân giẫm đạp nhau chạy trốn, tráng sĩ đuổi đến chân núi Sóc (Sóc Sơn). Đến đấy, một người một ngựa, tráng sĩ lên đỉnh núi cởi giáp sắt bỏ lại, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời”.

Thật là một bức tranh hoành tráng, kì vĩ có một không hai trong truyện cổ nước ta đã cực tả và ngợi ca lòng yêu nước nồng nàn, sức mạnh nhân dân chống xâm lược. Bức tranh này vừa có giá trị hiện thực lại vừa có ý nghĩa như một ước mơ của người xưa muốn chiến thắng ngoại xâm để bảo vệ địa bàn sinh tụ của mình.

Truyền thuyết kết thúc với chiến thắng oanh liệt, thần tốc và hình ảnh “Gióng lên đỉnh núi Sóc, bỏ lại chiến cụ, áo giáp sắt rồi lặng lẽ một mình một ngựa bay về trời…” không trở về đợi vua Hùng vinh danh ban thưởng đã làm cho kết cấu của truyện thêm chặt chẽ, trọn vẹn và ý nghĩa câu chuyện trở nên vô cùng sâu sắc; chuyển tải thêm bài học mới, đó là bài học về triết lý sống cao cả của nhân dân: Mỗi con người dân Việt hãy sống với tinh thần vị tha, hy sinh hết mình cho sự bình yên của dân của nước, không mưu cầu danh lợi. Chiến đấu tích cực cho hạnh phúc của cộng đồng, cho sự bình yên của đất nước trước nạn ngoại xâm là nghĩa vụ thiêng liêng, không cần đợi được tôn vinh, khen thưởng.

Nhân dân xây dựng hình ảnh Gióng lặng lẽ hóa vào cõi vĩnh hằng, Gióng trở về nơi gốc gác đã sinh ra Gióng, để muôn đời trở thành bất tử trong lòng người dân Việt. Đây chính là mô típ hóa thân mà ta bắt gặp nhiều trong truyền thuyết. Trong ngôn ngữ dân gian “về trời” và chết nhưng nhân dân không để cho Gióng chết mà biến nhân vật thành bất tử. Gióng bay về trời, trở thành một trong những vị thánh bất tử (Một trong Tứ bất tử), được muôn đời thờ phụng. Như vậy, Gióng không chết mà sống mãi trong tâm thức dân gian. Hình tượng đẹp đẽ, lí tưởng và cao cả đó có sức giáo dục lan toả to lớn, giáo dục ý thức về lịch sử, ca ngợi một biểu tượng đẹp đẽ, động viên tinh thần đấu tranh của muôn thế hệ sau.

Có thể khẳng định rằng, những chi tiết kì lạ, hoang đường trong truyện đã mang một ý nghĩa sâu sắc, hết sức quan trọng để làm nên kì tích và chiến thắng của người anh hùng làng Gióng, làm nên một trong những Tứ bất tử trong đời sống tín ngưỡng Việt Nam từ xưa đến nay, làm nên “Bách thần nguyên thủ” trong số các vị thần được thờ phụng trong đời sống tâm linh người Việt. Đó là biểu tượng đa diện, đa ý nghĩa, thể hiện những phẩm chất và hành động của người mang mưa thuận gió hòa, ấm no hạnh phúc đến các làng quê, là thần chống lụt, người hiện thân cho sự trung hiếu, là anh hùng chống ngoại xâm có công lao to lớn với dân với nước mà không màng danh lợi, đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội trong quá khứ, hiện tại và hướng tới tương lai.

Thánh Gióng là nhân vật có sự ra đời và lớn lên vô cùng kỳ lạ. Đây là những mô típ quen thuộc, có nguồn gốc từ những mô típ thần thoại. Nếu như ở thần thoại, mô típ dạng này phản ánh quan niệm của người xưa về nguồn gốc của con người, cho thấy những dấu hiệu tín ngưỡng vật tổ... thì ở thể loại truyền thuyết, mô típ này thể hiện những ý nghĩa nghệ thuật rõ rệt. Đó là việc mang tính chất dự báo về cuộc đời của nhân vật, báo hiệu những chiến công, kì tích, hành trạng khác thường của nhân vật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.