Âm hưởng văn học dân gian trong thơ Trần Tế Xương

GD&TĐ - Tú Xương phần lớn sử dụng thứ ngôn ngữ “nôm na” thông dụng, bình dân, ít dùng từ Hán. Đặc biệt, nhà thơ đã sử dụng rất nhiều “thi liệu, văn liệu” từ văn học dân gian.

Âm hưởng văn học dân gian trong thơ Trần Tế Xương

Ca dao – dân ca, tục ngữ, thành ngữ là tinh hoa văn hóa có chiều sâu hàng ngàn năm. Thi liệu, văn liệu văn học dân gian là viên ngọc lấp lánh trí tuệ và muôn màu kinh nghiệm của nhân dân. Như một quyển sách không có trang cuối, mỗi thế hệ người Việt đều được thừa hưởng di sản tinh thần vô giá ấy để làm phong phú cho đời sống ngôn ngữ của cá nhân.

Đến lượt mình, mỗi cá nhân khi sử dụng ca dao, tục ngữ, thành ngữ là mở rộng biên độ ngữ nghĩa, sáng tạo thêm hoàn cảnh sử dụng và những nét nghĩa mới cho ngôn ngữ dân gian. Các chủ đề trong thơ Tú Xương đa dạng và phong phú đi sát vào hiện thực đời sống. Nội dung khái quát của nó thật rộng lớn, những nội dung ấy cũng cần những hình thức diễn đạt đa dạng không kém.

Ca dao, tục ngữ, thành ngữ đi vào thơ Tú Xương rất đa dạng, có khi được tác giả sử dụng gần như nguyên bản, có khi bẻ ra vài từ, chêm xen từ ngữ hoặc mượn ý của văn học dân gian mà diễn đạt. Nguyễn Đình Chú nhận định: “Trước Tú Xương, Hồ Xuân Hương cũng đã từng đưa ngôn ngữ thông dụng vào trong thơ nhưng với Hồ Xuân Hương mới chỉ là một phần hạn chế nhất định của đời sống. Cho đến Tú Xương thì gần như toàn bộ đời sống xã hội đã đột nhập vào trong thơ”.

Trong số 134 thi phẩm của Tú Xương có 34 lần tác giả sử dụng thi liệu văn học dân gian. Trong đó, tục ngữ và thành ngữ là 27, ca dao là 7 lần. Phương thức sử dụng các thi liệu dân gian của nhà thơ cũng rất đa dạng.

Sử dụng nguyên thể hoặc gần nguyên thể: Bài Than cùng: “Ai trói voi bỏ rọ” – Trói voi bỏ rọ. (Thành ngữ); bài Bực mình: “Được voi tấp tểnh lại đòi tiên” – Được voi đòi tiên. (Thành ngữ); bài Mừng ông Cử lấy vợ bé: “Chim khôn sao khéo đỗ nhà quan” – Chim khôn đậu nóc nhà quan/ Trai khôn tìm vợ, gái ngoan tìm chồng (Ca dao).

Sử dụng bộ phận: Bài Tự trào: “Lúc túng toan lên bán cả trời” – Bán trời không văn tự. (Thành ngữ); bài Không vay mà trả: “Kìa người ăn ốc đà khôn chửa” – Kẻ ăn ốc người đổ vỏ. (Tục ngữ); bài Tự vịnh: “Rượu chè trai gái đủ tam khoanh” – Tam khoanh tứ đốm. (Thành ngữ); bài Thương vợ: “Lặn lội thân cò khi quãng vắng” – Cái cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non. (Ca dao); bài Cô hầu gửi quan lớn: “Cái cóc bôi vôi khéo hại mình” – Cóc bôi vôi (Tích cổ dân gian).

Mượn ý, phỏng ý: Bài Đĩ rạc đi tu: “Nghĩ mình phận gái hạt mưa” –Thân em như hạt mưa sa/ Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày. (Ca dao); bài Đêm buồn: “Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn/ Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn” – Đêm nay chớp bể mưa nguồn/ Hỏi người tri kỉ có buồn hay chăng/ Cá buồn cá lội tung tăng/ Người buồn người biết đãi đằng cùng ai (Ca dao).

Sự phong phú trong cách diễn đạt tạo ra những hình tượng nghệ thuật gần gũi với đời sống, các thi liệu văn học dân gian được vận dụng một cách sáng tạo, uyển chuyển giúp câu thơ mềm mại, bay bổng. Nhiều bài thơ, câu thơ chẳng còn ranh giới phân biệt giữa thơ văn bình dân và bác học nữa. Như trong bài thơ Thương vợ:

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Một duyên hai nợ âu đành phận,

Năm nắng mười mưa dám quản công.

“Thân cò” là một hình ảnh biểu tượng giàu sức gợi từng xuất hiện rất nhiều trong ca dao, đi cùng với nó là những thành ngữ: “Một duyên hai nợ”, “năm nắng mười mưa”, “lặn lội thân cò”, giúp ta hình dung ra hình ảnh tảo tần của bà Tú. Với việc sử dụng chất liệu dân gian, những câu thơ của Tú Xương trở nên bình dị, ngọt ngào, sâu lắng, đi vào lòng người nhẹ nhàng như lời ru của mẹ về cánh cò.

Ông bám làm chi đứa trọc đầu,

Đầu không có tóc bám vào đâu.

(Vay sư không được)

Tú Xương mượn lối nói của câu tục ngữ “bám thằng có tóc, ai bám thằng trọc đầu”. Nếu như câu tục ngữ là sự đúc rút kinh nghiệm “bám thằng có tóc” làm gì cũng phải có cơ sở, phải chắc chắn nắm đằng chuôi thì Tú Xương cũng dựa vào ý đó mà thêm giễu cợt, đả kích.

Ở nhiều bài thơ, Tú Xương dùng các đại từ nhân xưng “anh, em, mình, ta, người, ai” ngọt ngào êm dịu như những câu ca dao:

Ước gì anh hóa ra dưa,

Để cho em tắm nước mưa chậu đồng.

Ước gì anh hóa dưa hồng,

Để cho em bế em bồng trên tay.

(Hóa ra dưa)

Ai ơi còn nhớ ai không,

Trời mưa một mảnh áo bông che đầu.

Non non, nước nước, tình tình,

Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ.

(Áo bông che đầu)

Âm hưởng thi liệu của văn học dân gian trong thơ Tú Xương rất rõ nét. Nếu ở khía cạnh trào phúng thì làm cho chất châm biếm đả kích trở nên trí tuệ, hóm hỉnh hơn và phần nhiều Tú Xương học tập từ tục ngữ, thành ngữ thì ở góc độ trữ tình, âm điệu ca dao – dân ca là chủ yếu tạo nên sự đằm thắm thiết tha trong những biểu hiện cảm xúc lãng mạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ