Hồ hởi đưa con đến trường…
Ngày 8/3, tất cả các trường mầm non trên địa bàn huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đồng loạt nấu ăn trở lại cho học sinh bán trú. Ông Quàng Văn Hưng và bà Điêu Thị Miu đưa con trai là Quàng Văn Giang đến lớp từ rất sớm. Đầu giờ sáng cả nhà đã có mặt tại cổng trường Mầm non Mường Đun, xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa.
Ông Hưng phần nào đã yên tâm hơn vì không phải trực đưa đón con ngày 4 lần (sáng, trưa, chiều, tối) như mấy tuần trước. Hôm nay con ông đã được bố trí ăn trưa tại trường. Mấy ngày nữa, ông Hưng sẽ trở về Hà Nội tiếp tục làm thuê kiếm tiền nuôi con. Còn bà Miu cũng rủng rỉnh thời gian lên nương để làm đất, chuẩn bị cho mùa nương mới bởi bà chỉ phải đưa con lên lớp vào buổi sáng, chiều muộn mới phải đón con.
“Như đợt vừa rồi, vợ chồng tôi cứ phải ngày đưa đón con đến 4 lần vì các cháu chưa được ăn trưa tại trường. Rừng thì xa nhà, nếu đi thì chẳng có ai đón con. Nương thì xa, đi mất nửa buổi mới tới nơi, có lên đến nơi thì cũng đến giờ phải đón con nên cũng chẳng làm được việc gì”, bà Điều Thị Miu chia sẻ.
Ở điểm trường bản Hột xã Mường Đun, học sinh và cả phụ huynh cũng hồ hởi đưa con lên trường sớm. Có lẽ những người lao động như ông Sùng A Sấu và bà Lò Thị Phao (phụ huynh của cháu Sùng Ánh Nguyệt lớp mẫu giáo Bản Hột) là những người vui nhất. Mai kia ông Sấu lại tiếp tục đi về xuôi để làm việc, kiếm tiền. Dịch bệnh đã tiêu tốn rất nhiều thời gian khiến họ mất đi nhiều khoản thu nhập ổn định. Trong khi gia đình đã khó khăn, tiền bạc thì không sinh ra hàng ngày khiến họ càng khó khăn hơn.
“Các cô rất vui vì các con được ăn trưa tại trường, giáo viên cũng không vất vả phải tìm, gọi học sinh sau mỗi buổi tan trường nữa. Tuy có vất vả vì phải thêm việc, song ai cũng sẵn lòng đón nhận. Các ông bố bà mẹ cũng yên tâm khi gửi gắm con cho các cô, họ lại tiếp tục một năm mưu sinh nơi xa”, cô giáo Vũ Thúy Lan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Mường Đun chia sẻ.
Không phải đi gọi trò…
Ở các huyện vùng cao như Tủa Chùa của tỉnh Điện Biên, đồng bào dân tộc thiểu số thường có thói quen nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày. Giữa tháng 3 âm lịch mới đến mùa dọn cỏ, làm nương. Cũng vì thế mà học sinh thường nghỉ học theo bố mẹ. Họ cũng chẳng quan tâm nhiều đến việc học của con em mình. Vì thế, nếu giáo viên không đến gọi thì học sinh cũng chẳng thể tự đi. Nhưng khi đến trường thì phần lớn các em chẳng muốn về nhà. Nếu có về nhà cũng chẳng có gì để ăn vì đây đang là thời điểm “giáp hạt”.
Bởi thế, ngay trong ngày đầu bếp ăn bán trú tái hoạt động, không gọi học sinh cũng đã tự đến rất đông.
“Qua kết quả các trường báo về thì trong ngày 8/3 toàn huyện chúng tôi có 5.325/5818 trẻ đến lớp, đạt tỷ lệ 91,5%. Trong đó, trẻ ăn bán trú là 5.079 trẻ. Con số này đã tăng lên rất nhiều so với những tuần trước. Phụ huynh rất vui vẻ, phấn khởi khi các con tiếp tục được các cô chăm sóc và nuôi dưỡng mỗi ngày”, ông Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tủa Chùa cho biết.
Do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên việc tổ chức nấu ăn cho học sinh được quán triệt, thực hiệm nghiêm túc với quan điểm: “Đảm bảo an toàn thực phẩm và đảm bảo trong công tác phòng chống dịch bệnh”.
Ông Nguyễn Văn Tiếp - Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ cho biết, trước khi bếp ăn tái hoạt động, giáo viên các trường đã chủ động lau dọn vệ sinh đồ dùng đảm bảo sạch sẽ, an toàn. Để đảm bảo khoảng cách an toàn cho trẻ, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các đơn vị trường học bố trí lịch ăn so le giữa các nhóm học sinh trong lớp và các nhóm lớp.