Trường vùng biên Thanh Hóa sẵn sàng cho Chương trình mới

GD&TĐ - Nhiều trường ở vùng biên giới Thanh Hóa đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất... để triển khai Chương trình mới cho khối lớp 8.

Giờ học Tin học của Trường Phổ thông DTBT THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa). Ảnh: TL.
Giờ học Tin học của Trường Phổ thông DTBT THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa). Ảnh: TL.

Tâm thế đã sẵn sàng

Trường Phổ thông DTNT THCS huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) có 240 học sinh, trong đó, có 60 học sinh 7 lớp .

Thầy Trịnh Xuân Tâm - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Nhà trường đang triển khai cho giáo viên (GV) nghiên cứu, lựa chọn 1 bộ sách giáo khoa (SGK) phù hợp. Đồng thời, chọn những người có kinh nghiệm, thành thạo công nghệ thông tin để tham gia giảng dạy chương trình mới cho học sinh (HS) khối lớp 8 vào năm học tới”.

Theo thầy Tâm, việc chuẩn bị triển khai lớp 8, theo Chương trình GDPT 2018 cho năm học 2023-2024 có thuận lợi. Đó là, các môn mới như Âm nhạc, Mỹ thuật nhà trường đều tận dụng cơ sở vật chất, thiết bị sẵn có để giảng dạy. Cùng đó, trường bố trí sẵn 1 phòng học 30 chỗ ngồi, có các thiết bị cơ bản để dạy học. Tuy nhiên, phòng âm nhạc chưa đáp ứng được theo nhu cầu, chưa đạt tiêu chuẩn.

Cũng theo thầy Tâm, đến nay nhà trường đã cử GV cốt cán đi tập huấn thay SGK theo kế hoạch của Sở GD&ĐT. Khi kết thúc năm học, nhà trường sẽ tập trung tập huấn thay SGK cho tất cả GV trong đơn vị, để sẵn sàng bước vào năm học mới.

Trao đổi với báo GD&TĐ, thầy Trịnh Đình Hưng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THCS huyện Quan Hóa (Thanh Hóa), cho biết: Với đặc thù trường PTDT-THCS của huyện vùng cao, biên giới, những năm qua, nhà trường đã áp dụng mô hình trường học mới. Do đó, khi triển khai thực hiện thay SGK theo Chương trình GDPT 2018, đến nay đội ngũ GV của nhà trường phần nào đã có kinh nghiệm, nên triển khai khá thuận lợi.

Cô và trò Trường Phổ thông DTNT THCS huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) trong giờ học. Ảnh: TL.

Cô và trò Trường Phổ thông DTNT THCS huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) trong giờ học. Ảnh: TL.

“Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhà trường đã được đầu tư về cơ sở vật chất khá khang trang. Một số phòng âm nhạc, mỹ thuật và tin học đang được tu sửa, cải tạo, dự kiến đầu năm học mới 2023-2024, sẽ đưa vào sử dụng”, thầy Hưng cho biết.

Thầy Hưng cũng cho rằng, yếu tố thuận lợi khi triển khai Chương trình GDPT mới đối với lớp 8 trong năm học mới 2023-2024, vì nhà trường có đội ngũ GV trẻ, tâm huyết, yêu nghề và thành thạo công nghệ thông tin. Do đó, vậy khi tiếp cận với Chương trình mới, các thầy, cô thích ứng nhanh…

“Năm học này, Trường Phổ thông DTNT THCS huyện Quan Hóa đang có 59 học sinh lớp 7. Số học sinh này sẽ lên lớp 8 và thực hiện thay SGK mới theo Chương trình GDPT 2018. Đến thời điểm này, nhà trường đã bố trí cho đội ngũ GV tham gia tập huấn chương trình thay SGK theo đúng quy định của ngành, và sẵn sàng tâm thế cho Chương trình mới”, thầy Hưng thông tin.

Gặp khó vì thiếu GV lẫn trang thiết bị

Qua khảo sát của PV báo GD&TĐ, nhiều trường học ở vùng cao, biên giới của tỉnh Thanh Hóa đến thời điểm này đang thiếu GV lẫn trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Vì vậy, ít nhiều các nhà trường đang gặp khó khăn khi thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Thầy Trịnh Đình Hưng – Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THCS huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) cho biết: Hiện nay, nhà trường mới có 1 phòng tin học với số lượng 10 máy, trong khi đó có tới 59 HS lớp 7. Do đó, các em thực hành trên máy, thì phải chia thành 2 lớp, và GV bố trí mỗi lớp 1 tiết và cứ 3 em ngồi chung 1 máy.

“Đến giờ học môn Tin học, thì GV bố trí 3 HS ngồi chung 1 máy. Biết rằng, khi học trên máy vi tính, mà 3 em chụm đầu lại để học chung 1 máy, thì sẽ không hiệu quả bằng mỗi HS học riêng 1 máy, nhưng đành phải bố trí như vậy vì không còn cách nào khác”, thầy Hưng bày tỏ.

Cũng theo thầy Hưng, hiện nay nhà trường đang được cấp trên đầu tư, sửa chữa, cải tạo một số hạng mục cơ sở vật chất. Phòng học môn Tin học cũng đang được cải tạo, dự kiến sau bước vào năm học mới 2023-2024, sẽ đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên vấn đề trang thiết bị, đồ dùng dạy học theo Chương trình mới vẫn là vấn đề “nan giải”. Bởi, trang thiết bị, đồ dùng dạy học theo Chương trình GDPT 2018 cho khối lớp 7 của năm học này hiện tại vẫn chưa được cấp. Vì vậy, nhà trường vẫn phải tận dụng trang thiết bị hiện có của trường để áp dụng vào việc dạy và học.

Thầy Nguyễn Duy Thủy - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa), cho biết: Hiện nay, nhà trường có 500 HS, trong đó có 132 HS lớp 7 (3 lớp). Để chuẩn bị thay SGK lớp 8 cho năm học mới, nhà trường đã cử giáo viên cốt cán đi tập huấn.

Do thiếu cả GV lẫn máy tính, nên Trường Phổ thông DTBT THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) phải bố trí 3 học sinh ngồi chung một máy để học. Ảnh: TL.

Do thiếu cả GV lẫn máy tính, nên Trường Phổ thông DTBT THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) phải bố trí 3 học sinh ngồi chung một máy để học. Ảnh: TL.

Vấn đề thay SGK thì cơ bản đội ngũ GV nhà trường đã không còn bỡ ngỡ như năm đầu thực hiện Chương trình mới. Các thầy, cô giáo đã đúc rút được kinh nghiệm trong việc tiếp cận với SGK mới hàng năm. Tuy nhiên, vấn đề thiếu GV và trang thiết bị đồ dùng dạy học lại là “vật cản” lớn cho Trường Phổ thông DTBT THCS Trung Lý.

“Nếu tính theo chỉ tiêu biên chế của UBND huyện Mường Lát giao năm 2023 là 25 biên chế, thì nhà trường đang thiếu 2 GV. Còn theo Quyết định 3185/2016, của UBND tỉnh Thanh Hóa, thì nhà trường đang thiếu tới 10 GV.

Cùng đó, cơ sở vật chất trang thiết bị tại trường chưa đáp ứng đủ, như: Chưa có phòng bộ môn Âm nhạc, Mỹ thuật riêng mà vẫn đang dạy chung trên phòng học văn hóa bình thường. Đặc biệt, Trường Phổ thông DTBT THCS Trung Lý chưa có GV Tin học, nên phải mượn GV Tiểu học Trung Lý 1 sang dạy hỗ trợ.

"Đối với những môn học có tiết thí nghiệm khó, cơ sở vật chất, thiết bị không đáp ứng được, nhà trường khuyến khích GV nghiên cứu thí nghiệm ảo để mô phỏng cho HS hiểu. Đồng thời, nhà trường cũng lưu ý GV tận dụng tối đa công nghệ thông tin để bài giảng phong phú, kích thích HS và phát huy khả năng sáng tạo của GV”, thầy Thủy thông tin.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Trung Lý, ngôi trường này là một trong những đơn vị nhiều HS nhất, nhì của huyện Mường Lát. Thế nhưng, đến nay nhà trường có duy nhất 1 phòng Tin học, với 12 máy tính. Trong khi đó, Tin học là môn bắt buộc, nhưng HS phải học chung 4 em/1 máy.

“Trước những thách thức về điều kiện cơ sở vật chất, nhà trường rất mong các cấp, ngành quan tâm hơn nữa cho việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của trường và bổ sung thêm giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy môn Tin học”, thầy Thủy đề nghị.

“Mặc dù, dạy các môn tích hợp, môn KHTN (Lý, Hóa, Sinh), phải điều động 3 GV dạy cùng lúc trên một môn là tương đối khó khăn, bất cập về bố trí thời khóa biểu, tổ chức dạy, chấm điểm kiểm tra. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ GV nhà trường, hiện nay các thầy, cô giáo cũng đã đáp ứng được yêu cầu của các môn học này để truyền đạt kiến thức cho học sinh”, thầy Trịnh Xuân Tâm, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THCS Mường Lát (Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ