Trường học Thanh Hóa chờ sách giáo khoa, sẵn sàng vào năm học mới

GD&TĐ - Chỉ còn 20 ngày nữa, năm học mới 2021-2022 sẽ bắt đầu. Để chủ động việc phòng, chống dịch bệnh Covid -19, các trường học của tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương nhận SGK và chuẩn bị mọi điều kiện phục vụ năm học.

Nhiều trường chưa nhận được SGK

Đến thời điểm này, nhiều trường THCS và Tiểu học ở tỉnh Thanh Hóa chưa nhận được SGK mới để phục vụ năm học 2021-2022.

Ông Đoàn Đăng Khoa - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa, chia sẻ: Thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2 và lớp 6, phòng giáo dục đã tham mưu cho UBND huyện dự trù kinh phí, huy động các nguồn lực mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất để phục vụ năm học mới.

Theo đó, ngành GD huyện Hoằng Hóa phấn đấu mỗi lớp 2 và lớp 6 sẽ được trang bị một ti vi màn hình rộng, để phục vụ việc dạy và học trước khi bắt đầu năm học 2021-2022.

Cùng với đó, phòng GD huyện xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, giáo viên (GV) tất cả các trường học trên địa bàn về thực hiện Chương trình SGK mới bảo đảm theo yêu cầu.

“Định hướng chung của ngành là từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, người dạy, phương pháp dạy phải thực sự đồng bộ. Việc dạy học của GV phải chuyển từ truyền thụ kiến thức là chủ yếu sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.

Đối với vấn đề SGK, dự kiến trong tuần này, các nhà trường của huyện sẽ nhận được SGK từ đơn vị cung ứng. Còn trang thiết bị dạy học theo Chương trình, hiện tại tỉnh chưa có quyết định cấp về cho các nhà trường.

Có thể do diễn biến của dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nên đến thời điểm này tỉnh chưa cấp thiết bị, đồ dùng dạy học về cho các nhà trường được”, ông Khoa cho hay.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ (phải) và ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì Hội nghị về tình hình triển khai thực hiện Chương trình, SGK giáo dục phổ thông 2018 tại tỉnh Thanh Hóa, ngày 8/4/2021.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ (phải) và ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì Hội nghị về tình hình triển khai thực hiện Chương trình, SGK giáo dục phổ thông 2018 tại tỉnh Thanh Hóa, ngày 8/4/2021. 

Còn ông Lê Huy Nhị - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thọ Xuân cho biết, đến thời điểm này các trường trong huyện đã đấu mối mua SGK từ các nhà cung ứng cho học sinh lớp 2, lớp 6.

Tuy nhiên, do diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nên hiện tại SGK chưa được cung cấp về các nhà trường. Dự kiến trong tuần này, hoặc đầu tuần tới, các trường ở huyện Thọ Xuân sẽ nhận được SGK từ các đơn vị cung ứng chuyển về.

Cũng theo ông Nhị, SGK lớp 6 do tỉnh Thanh Hóa chọn cho năm học mới này có giá là 325.000 đồng/bộ; lớp 2 là 200.000 đồng/bộ; còn sách lớp 1 có giá 188.000 đồng/bộ.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thọ Xuân cho biết thêm, do năm nay việc tập huấn SGK được thực hiện theo hình thức trực tuyến, nên sau khi hoàn thành, Phòng GD&ĐT huyện phải thành lập các tổ chuyên môn để xuống các nhà trường “gỡ vướng” những vấn đề cho GV.

“Vào thời điểm đầu năm học, phòng GD sẽ thành lập các tổ chuyên môn để xuống hỗ trợ cho những trường còn gặp vướng mắc.

Chúng tôi chia thành nhiều cụm và điều động cán bộ cốt cán, tổ chuyên môn của phòng về các nhà trường hỗ trợ GV. Bởi lẽ, việc tập huấn thay SGK theo hình thức trực tuyến cũng không đạt hiệu quả cao như hình thức trực tiếp.

Vì thế, không riêng gì phòng GD mà Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng thành lập những tổ công tác chuyên môn đi các huyện hỗ trợ những vấn đề liên quan đến SGK và trang thiết bị dạy học”, ông Nhị thông tin.

Quyết tâm vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ

Ông Lò Văn Tuấn – Trưởng phòng GD&ĐT huyện vùng cao, biên giới Mường Lát cho biết, hiện hầu hết các nhà trường trên địa bàn huyện chưa nhận được SGK mới.

Phòng GD cũng đã chỉ đạo các trường THCS và Tiểu học trên địa bàn nộp báo cáo đánh giá vấn đề tập huấn SGK mới về phòng.

Đồng thời, yêu cầu những trường nào còn vướng mắc liên quan đến vấn đề tập huấn SGK, thì báo cáo về phòng để có phương án xử lý, hướng dẫn.

“Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19,  việc tập huấn thay SGK bằng hình thức trực tuyến cũng không thuận lợi như hình thức trực tiếp.

Tuy nhiên, để hỗ trợ GV các trường tiếp cận phương pháp dạy học tốt nhất, phòng GD yêu cầu các trường chỉ đạo GV cốt cán tập trung hướng dẫn, truyền đạt kỹ năng cho những người liên quan mà chưa được thành thục”, ông Tuấn thông tin.

Giáo viên Trường THCS&Tiểu học thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) kiểm tra vở bài tập luyện viết lớp 1 từ nhà cung ứng để cấp cho học sinh vào năm học mới 2021-2022.
Giáo viên Trường THCS&Tiểu học thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) kiểm tra vở bài tập luyện viết lớp 1 từ nhà cung ứng để cấp cho học sinh vào năm học mới 2021-2022.

Thầy Nguyễn Văn Giang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS thị trấn Mường Lát cho biết, đến thời điểm này, nhà trường chưa nhận được SGK, mà mới chỉ nhận được một số lượng vở bài tập luyện viết lớp 1 từ đơn vị cung ứng đưa về.

Dự kiến trong tuần này hoặc đầu tuần sau, SGK lớp 2 và lớp 6 từ các nhà cung ứng sẽ đưa về tới trường để cấp cho học sinh.

Cũng theo thầy Giang, báo cáo đánh giá từ những GV cho thấy, hầu hết những người được tập huấn thay SGK đều nắm bắt được kỹ năng. Bởi lẽ, khi các GV tham gia tập huấn thay SGK, được hướng dẫn từng mô đun.

Nếu GV nào không hoàn thành mô đun này, thì sẽ phải tập huấn lại rồi mới được tiếp cận đến phần mô đun tiếp theo.

Do đó, dù tập huấn bằng hình thức trực tuyến, nhưng hầu hết GV của nhà trường đều đã cố gắng vượt qua khó khăn, để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Theo khảo sát của Báo GD&TĐ, hầu hết tâm lý của các bậc cha mẹ học sinh ở Thanh Hóa đều hy vọng, khi năm học mới bắt đầu, tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ được đẩy lùi, để GV, học sinh có thể đến trường dạy và học trực tiếp.

Ngược lại, nếu phải học trực tuyến do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thì thực tế đối với học sinh lớp 6 trở lên, các em có thể tự giác học. Còn đối với học sinh lớp 1, lớp 2 thì quả là khó khăn trong việc học trực tuyến bởi lẽ bố mẹ các em phải đi làm, sẽ không có người kèm cặp. Hơn nữa, không phải gia đình nào cũng có máy tính, thiết bị đồ dùng học trực tuyến, chưa kể là điều kiện mạng internet có kết nối được không...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.