Thanh Hóa: Tổ chức hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 3, 7, 10

GD&TĐ - Năm học 2022 - 2023, học sinh khối lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trên cả nước sẽ bắt đầu chương trình giáo dục phổ thông mới.

Sở GD&ĐT Thanh Hóa tổ chức họp hội đồng chọn SGK lớp 3, 7 và lớp 10 năm học 2022 – 2023.
Sở GD&ĐT Thanh Hóa tổ chức họp hội đồng chọn SGK lớp 3, 7 và lớp 10 năm học 2022 – 2023.

Họp hội đồng lựa chọn SGK lớp 3, 7, 10

Chiều 18/4, Sở GD&ĐT Thanh Hóa tổ chức họp hội đồng lựa chọn SGK đối với các môn Giáo dục Thể chất lớp 10 và 2 môn lớp 7 gồm Mỹ thuật và Giáo dục công dân.

Chủ trì buổi họp có PGS.TS Trần Văn Thức – Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cùng lãnh đạo Phòng Giáo dục Trung học – Sở GD&ĐT Thanh Hóa.

Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, đối với môn Giáo dục công dân lớp 7 có 590 trường lựa chọn bộ SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống”, 37 trường chọn bộ “Cánh diều” và chỉ có một trường lựa chọn bộ SGK “Chân trời sáng tạo”.

Thầy Hoàng Hà Phương, giáo viên môn Giáo dục công dân Trường THCS Lương Sơn (Thường Xuân) cho rằng, bộ SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống” mang tính kế thừa về mặt kiến thức đối với chương trình lớp 6. Bên cạnh đó, nội dung cũng dễ hiểu, dễ học.

“Sau khi đọc và nghiên cứu bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống môn Giáo dục công dân lớp 7, tôi cũng đặt niềm tin với bộ sách này.

Trước hết, bộ sách phù hợp với năng lực học tập của học sinh, thuận tiện cho việc dạy. Bên cạnh đó, nội dung còn có tính kế thừa với chương trình lớp 6, đồng thời cập nhật thêm nhiều kiến thức mới”, thầy Phương nói.

Trong khi đó, ở phòng họp hội đồng môn Mỹ thuật lớp 7, cô Phạm Huyền Trang, Trường PTDT bán trú THCS Sơn Hà (Quan Sơn) chia sẻ: “Cuốn Mỹ thuật lớp 7 của bộ SGK Chân trời sáng tạo có cách trình bày hấp dẫn, thu hút với học sinh. Đặc biệt, nội dung bài học đã thừa kế với chương trình của lớp 6 và tương đối phù hợp với năng lực tiếp thu của các em”.

Cũng theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT, đối với môn Mỹ thuật có tới 456 trường THCS lựa chọn bộ SGK “Chân trời sáng tạo”; 121 trường lựa chọn bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” và 47 trường lựa chọn bộ SGK “Cánh diều”.

PSG.TS Trần Văn Thức phát biểu tại buổi họp hội đồng chọn SGK.
PSG.TS Trần Văn Thức phát biểu tại buổi họp hội đồng chọn SGK.

Sáng cùng ngày, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng tổ chức họp hội đồng lựa chọn SGK đối với môn Ngữ văn lớp 7 và 2 môn lớp 10 THPT gồm Địa lý và Mỹ thuật.

Phát biểu tại hội đồng lựa chọn SGK môn Giáo dục công dân lớp 7, PGS.TS Trần Văn Thức – Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: “Việc lựa chọn SGK mới đảm bảo theo quy định cũng như điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương cùng trình độ, tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh. Mục tiêu cao nhất đó là lựa chọn được cuốn sách có nội dung tốt nhất”.

Theo PGS.TS Trần Văn Thức, trước đó, buổi họp hội đồng lựa chọn SGK lớp 3, 7 và lớp 10 được diễn ra khách quan, độc lập. Kết quả từ buổi họp này sẽ được Sở GD&ĐT Thanh Hóa tổng hợp và trình lên UBND tỉnh Thanh Hóa.

Lựa chọn SGK theo hướng tiếp nối về kiến thức

Các trường Tiểu học, THCS và THPT tỉnh Thanh Hóa cũng đã hoàn tất đề xuất lựa chọn SGK lớp 3, 7 và lớp 10 gửi lên Sở GD&ĐT Thanh Hóa.

Tại Trường THPT Mường Lát (huyện Mường Lát), việc lựa chọn SGK có sự tham gia của giáo viên các bộ môn. Theo thầy Trần Anh Văn – Hiệu trưởng Nhà trường, hầu hết giáo viên đều chọn SGK của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Cô Phạm Huyền Trang, Trường PTDT bán trú THCS Sơn Hà (Quan Sơn) phát biểu tại buổi họp.
Cô Phạm Huyền Trang, Trường PTDT bán trú THCS Sơn Hà (Quan Sơn) phát biểu tại buổi họp.

Về chi phí mua SGK, đây là vấn đề được nhiều phụ huynh, HS nhà trường quan tâm. Bởi, học sinh nơi đây chủ yếu là con em đồng bào người dân tộc thiểu số.

Chia sẻ về vấn đề này, thầy Văn cho biết: Trong các hội nghị về lựa chọn SGK, hầu hết các trường thuộc khu vực miền núi đều có ý kiến đề xuất với tỉnh và Sở GD&ĐT Thanh Hóa hỗ trợ SGK cho các nhà trường ở thời điểm ban đầu.

“Trước đây, nhà trường vẫn tạo điều kiện cho học sinh mượn SGK và truyền tay từ khóa trước sang khóa sau. Vì vậy, nếu có thể nhà trường mong muốn được hỗ trợ một phần, còn lại các em sẽ tự túc”, thầy Văn nói.

Tại Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), việc lựa chọn SGK cho học sinh lớp 10 cũng được nhà trường hoàn tất và gửi danh sách về Sở GD&ĐT. Phụ trách công tác chuyên môn, thầy Nguyễn Ngọc Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Tham gia lựa chọn SGK gồm toàn bộ GV thuộc các tổ chuyên môn của nhà trường.

Mỗi môn học đều có sự lựa chọn bộ SGK khác nhau, bao gồm: Bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Chân trời sáng tạo” và bộ SGK “Cánh Diều”. Trong đó, phần lớn giáo viên đều chọn bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”.

Đối với SGK khối lớp 7 cấp THCS, Trường THCS Minh Khai (TP Thanh Hóa) cũng đã hoàn tất lựa chọn SGK và gửi báo cáo về Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa. Theo cô Nguyễn Thị Thu Hà – Hiệu trưởng Nhà trường, việc lựa chọn SGK lớp 7 tùy thuộc vào từng môn học.

Cụ thể, với các môn Toán, Ngữ văn, Khoa học Tự nhiên… hầu hết giáo viên đều chọn bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Trong khi đó, với những môn Âm nhạc, Mỹ thuật và Trải nghiệm, giáo viên chọn bộ SGK “Cánh diều”.

Học sinh khối lớp 6, Trường THCS Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa) trong giờ học môn Toán, năm học 2021-2022.
Học sinh khối lớp 6, Trường THCS Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa) trong giờ học môn Toán, năm học 2021-2022.

Tại Trường THCS Hoằng Phụ (Hoằng Hóa), theo danh sách gửi về Phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa, hầu hết giáo viên đều chọn bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” cho các môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý, Tin học, Công nghệ, Tiếng Anh… Trong khi đó, bộ SGK “Cánh diều” được chọn cho các môn Khoa học tự nhiên, Giáo dục thể chất.

“Ngay sau khi nhận được văn bản hướng dẫn, nhà trường đã tổ chức các buổi để GV tham gia chọn SGK. Nhìn chung, việc lựa chọn SGK theo quan điểm là liền mạch kiến thức với chương trình của năm lớp 6”, thầy Trương Văn Thuật – Hiệu trưởng Trường THCS Hoằng Phụ cho hay.

Ông Đoàn Đăng Khoa – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa cho biết: Thực hiện theo kế hoạch của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, Phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa đã đưa các bộ sách cùng văn bản hướng dẫn đến các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn.  “Nhìn chung, hầu hết các trường đã lựa chọn sách dựa trên cơ sở có sự nối tiếp về kiến thức. Chẳng hạn, như trước đây là lớp 1, lớp 2 và giờ là lớp 3. Đối với lớp 6 bây giờ là lớp 7. Mục đích là để công tác quản lý được thực hiện đồng bộ và có hiệu quả”, ông Khoa nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ