Theo lộ trình đi học của học sinh tiểu học tại TP.HCM bắt đầu từ ngày 8/5 khối 4 và 5 tập trung trở lại, chính thức học vào ngày 11/5; khối 1, 2, 3 tập trung ngày 11/5, chính thức học trở lại ngày 12/5.
Cô Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1) cho biết, đến nay các công tác, phương án đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch để đón trò trở lại, cũng như kế hoạch tổ chức dạy học đã được trường chuẩn bị kĩ lưỡng.
Nhà trường đã khử khuẩn, tổng vệ sinh, trang bị nước rửa tay ở các bồn rửa, ở trước mỗi lớp học, phân chia khẩu trang kháng khuẩn để phát cho học sinh vào ngày đầu tiên đến trường. Cùng với đó, nhà trường cũng chuẩn bị hai phòng cách ly để sẵn sàng di chuyển học sinh khi có những biểu hiện ho, sốt…
Nhà trường chuẩn bị một số phương án nhằm đảm bảo giãn cách và an toàn nhất cho học trò như dự kiến chia đôi các lớp có sĩ số đông, với một số lớp có sĩ số khoảng 30- 35 em, phòng học của trường đủ diện tích đảm bảo 1 em 1 bàn, ngồi so le nhau, đảm bảo khoảng cách an toàn 1 mét.
Điểm thuận lợi của trường đó chính là đủ giáo viên bộ môn nên việc chia đôi lớp nhưng vẫn đảm bảo về chuyên môn, kiến thức cho học sinh. Nhà trường cũng đã sắp xếp, điều chỉnh thời khoá biểu phù hợp cho từng khối.
Theo đó, trường có khoảng 1.600 học sinh, học sinh lệch ca giữa các khối, các em học 5 buổi /tuần (sáng hoặc chiều). Giữa các khối sẽ vào lớp, ra chơi và ra về lệch nhau. Nội bộ trong một khối các em cũng ra về theo hiệu lệnh, theo các cổng của trường.
Trong thời gian này trường không tổ chức bán trú, tạm ngưng căn tin và sẽ căn cứ vào tình hình thực tế trong thời gian tiếp theo để có những điều chỉnh phù hợp về vấn đề này.
Còn với Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (Quận Gò Vấp), hiện tại mọi công tác chuẩn bị đón trò trở lại trường đã sẵn sàng từ khâu tổng vệ sinh trường lớp, phân công các nhân viên, giáo viên các nhiệm vụ cụ thể trong ngày đầu trò trở lại trường vào ngày 8/5.
Cô Nguyễn Kim Phượng hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trường có gần 1.700 học sinh, nhưng bình thường chỉ có 720 học bán trú nên việc bố trí phòng học như thế nào để đảm bảo giãn cách 1 mét là điều trường phải tính toán kĩ.
Theo đó, trường dự kiến phương án, mỗi lớp sẽ chia đôi, các em học lệch ca nhau, ví dụ nhóm 1 học vào ngày 2, 4, 6 thì nhóm còn lại học 3, 5, 7 và kết hợp với học trực tuyến một số môn học theo chủ đề được thầy cô thiết kế dựa trên hướng dẫn tinh giản chương trình của Bộ GD-ĐT, làm sao đảm bảo được về mặt chuẩn kiến thức, kỹ năng, đáp ứng việc dạy học theo chương trình.
Những phương án, kế hoạch cũng đã được giáo viên chủ nhiệm thông tin cho phụ huynh nắm rõ và vận động phụ huynh đưa, đón trẻ theo giờ mà nhà trường quy định để đảm bảo giãn cách.
Tương tự tại Trường Tiểu học Bình Quới (Quận Thủ Đức) cũng dự kiến sẽ chia đôi các lớp để đảm bảo về mặt giãn cách. Trường có khoảng 900 học sinh, các lớp chia đôi và học lệch ca nhau vào ngày 2, 4, 6 và 3, 5, 7. Nhà trường không tổ chức bán trú, tạm ngưng căn tin trong thời điểm này.
Trường sẽ thực hiện kiểm tra thân nhiệt cho học sinh, nhắc nhở các em rửa tay sát khuẩn trước khi vào trường và ra chơi, ra về sẽ lệch giờ nhau để đảm bảo giãn cách.
Nhà trường cũng tính đến phương án, giờ ra chơi cho các em nghỉ 5 phút tại chỗ, với khoảng thời gian nghỉ giữa buổi (khoảng 20 phút), thầy cô sẽ hướng dẫn các em thư giãn bằng cách đọc sách và xem các clip hướng dẫn phòng chống dịch thông qua màn hình máy chiếu tại phòng học...”, cô Nguyễn Kim Phượng cho biết.
Bên cạnh các công tác phòng dịch Covid-19, việc đón trẻ trở lại như thế nào để tạo sự vui vẻ cho các em, để các em yêu thích việc đến trường, nhanh ổn định nền nếp và học tập trở lại cũng được các trường lưu ý.
Ngoài ra, các trường cũng mong muốn nhận được sự phối hợp của phụ huynh trong việc đón trẻ theo giờ quy định của các khối lớp mà trường đã thông báo để tránh tình trạng ùn tắc, tập trung quá đông người ở cổng trường.