Trường mầm non ngoài công lập điêu đứng vì dịch bệnh: Mong được tiếp sức dài hơi

GD&TĐ - Nửa năm phải đóng cửa trường để thực hiện yêu cầu phòng, chống dịch, những nhóm lớp, trường mầm non ngoài công lập nào đang phải thuê mướn cơ sở vật chất đều đứng ngồi không yên với áp lực trả tiền thuê mặt bằng.

Phiên chợ 0 đồng do Trường Mầm non Nốt nhạc xanh tổ chức để hỗ trợ giáo viên.
Phiên chợ 0 đồng do Trường Mầm non Nốt nhạc xanh tổ chức để hỗ trợ giáo viên.

Do ảnh hưởng của đợt dịch trước, một số cơ sở giáo dục đã buộc phải giải thể vì gặp khó khăn về tài chính.

Chủ trường đuối sức

Cô Đỗ Thị An Khuê – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngôi sao xanh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Phía đơn vị đầu tư của nhà trường đang “xoay” để chồng tiền thuê mặt bằng đợt 2 với khoảng 600 triệu đồng. Từ tháng 5/2021 đến nay, nhà trường không có một nguồn thu nào để “gánh” cho khoản tiền thuê mướn này, đó là chưa kể khấu hao tài sản”.

Hai đợt dịch đầu của năm 2020, Trường Mầm non Ngôi sao xanh còn hỗ trợ được lương cho GV, nhưng đến đợt dịch kéo dài hơn nửa năm của năm 2021, trường không thể “gánh gồng” thêm được khoản nào nữa. Theo như cam kết lao động, nhà trường bảo đảm mức thu nhập của GV không dưới 4 triệu đồng/tháng, trong đợt dịch phải đóng cửa trường 3 tháng đầu năm 2020, mỗi tháng, trường phải chi khoảng 170 triệu đồng. Theo cô Đỗ Thị An Khuê, nhà trường buộc phải sử dụng biện pháp chấm dứt hợp đồng lao động tạm thời để “cắt” bớt khoản chi phí đóng bảo hiểm cho người lao động. Vì trên thực tế, trường không có hoạt động và không có nguồn thu.

Bà Lê Phạm Hồng Điệp – Giám đốc Điều hành Trường Mầm non Nốt nhạc xanh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho biết: “Để chia sẻ khó khăn với GV trong thời gian trẻ không đến trường, những tháng đầu, nhà trường hỗ trợ 50% lương cơ bản. Rồi mức hỗ trợ đành phải giảm xuống, chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ giáo viên đóng bảo hiểm xã hội để đảm bảo sự liên tục cho người lao động. Không còn sức nữa chúng tôi chuyển sang tổ chức phiên chợ 0 đồng. Cứ một tuần một lần, GV, nhân viên lên trường nhận các nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình như gạo, trứng, thịt, rau… Nhưng đến tháng 11 này thật sự chúng tôi không còn kinh phí để có thể hỗ trợ gì cho GV nữa”.

Ba tháng đầu khi đóng cửa trường học, Trường Mầm non Đức Trí (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) còn có thể hỗ trợ được cho GV từ nguồn dự trữ. Tháng đầu, mỗi GV được hỗ trợ 3 triệu đồng, qua đến tháng thứ 2, trường chỉ có thể hỗ trợ 2 triệu/người và giảm xuống còn 1 triệu rồi không thể hỗ trợ thêm được nữa vì chủ trường cũng “đuối sức”.

Cô Lê Thị Nga – Hiệu trưởng Trường Mầm non Đức Trí cho hay: Nhà trường đã giải quyết đơn xin nghỉ việc cho một số giáo viên mầm non theo nguyện vọng. “Việc tạm thời chấm dứt hợp đồng lao động cũng chỉ bớt được khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội. Nhiều giáo viên phải sử dụng hình thức nghỉ việc để được hưởng hỗ trợ thất nghiệp. Khoản hỗ trợ này, dù ít dù nhiều, cũng giúp người lao động trang trải được một số nhu cầu tối thiểu để lo cho gia đình bớt đi một số khó khăn trong cuộc sống” – cô Nga nhận xét.

Dù đóng cửa không hoạt động nhưng trong nửa năm qua, nhiều trường mầm non tư thục vẫn phải trả tiền thuê mướn mặt bằng.
Dù đóng cửa không hoạt động nhưng trong nửa năm qua, nhiều trường mầm non tư thục vẫn phải trả tiền thuê mướn mặt bằng. 

Cần chính sách hỗ trợ dài hơi

Theo tính toán của bà Lê Phạm Hồng Điệp, trong những tháng trẻ nghỉ dịch do dịch bệnh, dù không hoạt động nhưng nhà trương vẫn phải chi tiền mặt, tháng thấp nhất (khi không còn hỗ trợ cho GV) là 76 triệu đồng/tháng. Những tháng nhà trường còn hỗ trợ được lương cơ bản và đóng bảo hiểm cho giáo viên, nhân viên thì mức chi khoảng 200 triệu, chưa kể khấu hao tài sản.

Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu thông tin: Với những trường mầm non ngoài công lập hoạt động dưới hình thức đăng ký doanh nghiệp, chủ trường và GV còn được hưởng gói hỗ trợ dành cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Còn các trường hoạt động theo đăng ký thành lập trường học và chủ các nhóm lớp độc lập tư thục thì gần như không được hưởng một hình thức hỗ trợ nào ngoài gói hỗ trợ với mức 1,5 triệu đồng/người/lần của thành phố.

Bà Hà đề xuất, trong hỗ trợ do ảnh hưởng dịch bệnh, nên có sự hỗ trợ đồng đều cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập, đặc biệt là các chủ trường. Bởi “Nếu hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp thì chủ trường còn được hưởng chính sách khoanh nợ, ưu đãi thuế nhưng các trường không hoạt động theo hình thức doanh nghiệp thì rất thiệt thòi vì gần như không được hỗ trợ gì”.

Cô Lê Thị Nga thì cho rằng, nếu được, Nhà nước có thể hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên mầm non ngoài công lập hưởng 1/2 lương cơ bản hàng tháng. “Trong giai đoạn khó khăn này, mức hỗ trợ bao nhiêu cũng rất quý. Vì đằng sau mỗi giáo viên còn là gia đình, con cái với nhiều thứ phải chi dùng để duy trì cuộc sống. Hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cũng không quý bằng chi trả lương hàng tháng, dù có thể chỉ là 1/2 mức cơ bản để cùng với các chủ trường giữ chân đội ngũ”.

Có cùng đề xuất, bà Lê Phạm Hồng Điệp cho rằng: Các chủ trường không đủ sức “gồng” mãi để chờ đến ngày mở cửa trường khi dịch bệnh vẫn còn phức tạp, trong khi thời gian nghỉ hoạt động đã hơn nửa năm. Vì vậy, nếu có thể, cần có chính sách hỗ trợ lương cơ bản cho GV ở một mức độ phù hợp. Ngoài ra, có thể khoanh nợ, tạo điều kiện cho các chủ trường dừng trả nợ gốc để bớt đi áp lực trả nợ hàng tháng.

Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: Thành phố đã chi hỗ trợ cho những người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19. Trong đó, giáo viên, nhân viên mầm non tư thục, nhân viên bảo mẫu nhóm trẻ… thuộc nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng được nhận mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần. Theo ông Chinh, với những cơ sở giáo dục mầm non hoạt động theo Luật Doanh nghiệp được hỗ trợ theo quy định đối với doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục còn lại, thành phố chưa thể có những gói hỗ trợ riêng cho các đối tượng đặc thù.

“Thành phố Đà Nẵng đã có đề xuất khoanh nợ, giảm lãi suất để hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhất là cơ sở không hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, các chủ nhóm lớp độc lập tư thục nhưng điều này phải từ Trung ương chứ địa phương không quyết định được” – ông Chinh cho biết. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.