Trăn trở với tình trạng giáo viên mầm non ngoài công lập bị mất việc

GD&TĐ - Giáo viên mầm non ngoài công lập bị mất việc, phải chuyển đổi sang công việc khác để có thu nhập. Khi đã có thu nhập bằng công việc khác thì việc kéo các cô quay trở về nghề rất là khó

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu thảo luận tại hội trường chiều 9/11.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu thảo luận tại hội trường chiều 9/11.

Phát biểu thảo luận tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho hay: Vừa qua, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo cùng các địa phương đã có nhiều giải pháp để hoạt động dạy học không bị đứt quãng và tổ chức linh hoạt các phương thức dạy học, nhất là dạy học trực tuyến.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, hạn chế, các cơ sở giáo dục cùng đội ngũ các thầy, cô giáo đã phải cố gắng, nỗ lực gấp nhiều lần để thiết kế bài dạy, tổ chức tiết dạy trực tuyến và quản lý việc học của học sinh.

Bên cạnh đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức một số phiên làm việc với TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh: Nghệ An, Bình Dương, Bến Tre. Qua phản ánh về tình hình dạy học ở các địa phương cho thấy, dù ngành giáo dục các đã cố gắng rất nhiều, nhưng chất lượng giáo dục là khó bảo đảm.

Hoạt động của các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là hệ thống các trường tư thục ở các thành phố lớn, các địa phương có khu công nghiệp. Dự báo, nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập đang có nguy cơ ngừng hoạt động, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non, vì không thể dạy học trực tuyến.

“Kéo theo đó là tình trạng giáo viên mầm non ngoài công lập bị mất việc, phải chuyển đổi sang công việc khác để có thu nhập. Khi đã có thu nhập bằng công việc khác thì việc kéo các cô quay trở về nghề rất là khó. Vì lương giáo viên mầm non hiện rất thấp” – đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa trăn trở.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, nguy cơ thiếu trường học, điểm nhóm giữ trẻ, thiếu giáo viên mầm non là điều có thể xảy ra ở nhiều địa phương thời gian tới.

Đại biểu đoàn Đồng Tháp đề nghị, Chính phủ và các địa phương cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng và nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập khôi phục hoạt động, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non, tư thục, các nhóm trẻ gia đình

Đồng thời, nghiên cứu chính sách tiền lương hợp lý cho nhà giáo, nhất là giáo viên mầm non, vốn là lĩnh vực hoạt động đặc thù nhưng hiện nay lương đang thấp nhất.

Ngoài ra, hệ quả của đại dịch Covid-19 để lại rất nặng nề, trong đó có vấn đề sức khỏe tâm thần cho giáo viên, học sinh và có một bộ phận học sinh là con em của các gia đình nghèo, những gia đình di cư có thể bị thất học. “Đây là vấn đề cần phải được quan tâm trong thời gian tới” – đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nói, đồng thời nêu vấn đề:

Thiết nghĩ đầu tư cho kinh tế ta sẽ có phép cộng trong tăng trưởng, nhưng đầu tư thỏa đáng cho giáo dục, đào tạo để có một nguồn nhân lực chất lượng cao thì sự tăng trưởng sẽ là phép nhân. Thế hệ trẻ hôm nay chính là thế hệ sẽ thực hiện kế hoạch của chúng ta cho đến năm 2030-2045. “Tôi đề nghị là phải có sự nghiên cứu để đầu tư thêm cho giáo dục” – đại biểu đoàn Đồng Tháp nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ