Làm sống lại giá trị truyền thống
Trường THPT Quan Sơn, huyện vùng cao biên giới Quan Sơn, (Thanh Hóa) là trường học thuộc vùng núi biên giới của tỉnh Thanh Hóa.
Tỷ lệ học sinh (HS) là con em đồng bào dân tộc thiểu số của nhà trường hàng năm dao động từ 85-93%. Phổ biến nhất là người Thái, Mường, Kinh và H’Mông… Các dân tộc chung sống hòa bình tạo nên nét độc đáo ở vùng đất biên viễn của tỉnh Thanh.
Xuất phát từ mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc địa phương, từ năm 2010 Ban giám hiệu Trường THPT Quan Sơn đã duy trì, tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc.
Theo thầy Nguyễn Minh Đạo – Hiệu trưởng nhà trường, trung bình mỗi tháng trường sẽ dành từ 1-2 buổi để tổ chức các hoạt động văn hóa – văn nghệ, như: Khua luống, múa sạp, các điệu cồng chiêng hay múa bát…
Khi tổ chức các hoạt động này, toàn bộ sân khấu của nhà trường chìm đắm trong âm thanh độc đáo phát ra từ những nhịp chày khua luống – loại hình diễn xướng dân gian của đồng bào dân tộc Thái.
Bên cạnh loại hình diễn xướng dân gian của người Thái, thầy và trò nhà trường cũng tái hiện sinh động điệu múa sạp (nhảy sạp) đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường. Đây là điệu múa dân gian đặc sắc thường được đồng bào dân tộc Mường biểu diễn trong các dịp vui, lễ hội mừng Xuân.
Theo thầy Đạo, khi triển khai các hoạt động này, không chỉ thầy, cô giáo mà các em HS cũng vô cùng phấn khởi. Đặc biệt, cả thầy và trò đều cảm thấy được trân trọng, nhờ vậy đã tạo động lực lớn trong việc xây dựng trường, lớp nhằm hướng đến những điều tốt đẹp.
Cùng với các hoạt động văn hóa – văn nghệ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, Trường THPT Quan Sơn còn tổ chức dạy chữ Thái cho HS.
“Trong những chuyến công tác về các bản, xã ở huyện Quan Sơn, chúng tôi nhận thấy, tiếng nói được người dân lưu truyền từ đời này qua đời khác, song về chữ viết thì rất ít người biết.
Vì vậy, nhà trường quyết định cử giáo viên Ngữ văn học tiếng Thái để trao truyền lại cho các em. Tuy nhiên, hiện trường chỉ mới tổ chức được mỗi khóa 2 lớp nhưng xác định sẽ triển khai dần để các em HS có thể giữ gìn được bản sắc dân tộc”, thầy Đạo nói.
Ngoài ra, Đoàn thanh niên trường cũng phát động phong trào diện trang phục dân vào sáng thứ Hai hàng tuần. Điều này góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tạo nên nét đẹp trong văn hóa học đường.
Góp phần giáo dục nhân cách học trò
Theo Hiệu trưởng Nguyễn Minh Đạo, khi tổ chức các hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng đồng thời gián tiếp giáo dục nhân cách cho học trò. Đó là giúp các em trân trọng truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc mình.
“Khi học trò đến trường cảm thấy vui vẻ và thỏa mãn, thì đó chính là hạnh phúc. Việc làm tốt những hoạt động này cùng với nâng cao chất lượng giáo dục… chính là những yếu tố cấu thành nên trường học hạnh phúc”, thầy Đạo chia sẻ.
Thầy Đạo cũng cho biết, HS tham gia các hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đều hoàn toàn miễn phí. Đối với kinh phí in ấn, phô tô tài liệu nhà trường kêu gọi hỗ trợ từ hội Khuyến học nhà trường.
Là đồng bào người dân tộc Thái, cô Hà Thị Khuyên (giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Quan Sơn) cảm thấy vinh dự, hạnh phúc khi nhà trường tổ chức các hoạt động giữ gìn bản sắc dân tộc.
Theo cô Khuyên, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương lâu nay được Ban giám hiệu nhà trường rất quan tâm, tạo điều kiện cho cả thầy và trò tham gia vào các hình thức khác nhau. Qua đó, tạo không khí sôi nổi và mang lại niềm hào hứng cho thầy và trò nhà trường.
“Bản thân là giáo viên, tôi nhận thấy những hoạt động này rất thiết thực và bổ ích, tạo nên sự nối kết giữa văn hóa hiện đại và văn hóa truyền thống. Hiện nay, nhiều HS có xu hướng tiếp xúc nhiều với các yếu tố văn hóa hiện đại.
Vì vậy, các hoạt động khơi gợi và làm sống lại các giá trị truyền thống giúp học trò cảm thấy được tiếp nhận những điều mới mẻ, thú vị bởi ở địa phương không phải lúc nào cũng có thể tổ chức.
Bên cạnh các hoạt động biểu diễn ở không gian rộng lớn, Trường THPT Quan Sơn còn tổ chức dạy chữ Thái. Đây được xem là chìa khóa quan trọng giúp các em có thể đọc được những văn bản cổ. Qua đó, có thể tìm hiểu các giá trị văn hóa Thái ở các tư liệu cổ”, cô Khuyên bộc bạch.
Theo nữ giáo viên người dân tộc Thái, việc khuyến khích các em diện trang phục dân tộc vào sáng thứ Hai cũng góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, giúp khôi phục những ngành nghề truyền thống, như: Dệt thủ công, thêu thùa, may, vá...
Là nữ sinh dân tộc Thái, em Hà Mỹ Duyên (lớp 12A1, Trường THPT Quan Sơn) cảm thấy hứng thú với những hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà nhà trường tổ chức.
Nữ sinh bày tỏ: “Các hoạt động này có ý nghĩa thiết thực đối với HS chúng em. Khi tham gia các hoạt động như khua luống, cồng chiêng… em cảm thấy như được trở về với bản sắc văn hóa dân tộc thuở xưa.
Em hy vọng, nhà trường sẽ duy trì các hoạt động này dài lâu và lan tỏa đến những ngôi trường khác để các thế hệ HS hiểu thêm về bản sắc văn hóa dân tộc mình”.