Hoạt động này của Nhà trường đã tăng cường giáo dục cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh về ý thức bảo tồn và phát huy văn hóa đặc trưng, cũng như bồi đắp thêm tình yêu văn hóa của dân tộc mình.
Lập đội cồng chiêng trong trường học
Tại trường THCS Nguyễn Huệ (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) nơi có 183 học sinh từ lớp 6 - 9, với 102 học sinh người đồng bào dân tộc tập trung ở xã Trà Giang. Trong khuôn khổ nội dung chương trình học hằng năm, Nhà trường linh động thiết kế các nội dung, chương trình về bảo tồn văn hóa dân tộc một cách phù hợp. Các hoạt động về giữ gìn bản sắc văn hóa ở trường được tổ chức phong phú, đa dạng và ngày càng đem lại hiệu quả cao.
Cô Hứa Thị Nguyệt Quế – Tổng phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn Huệ cho hay, để giáo dục và giúp các em học sinh hiểu hơn về các hoạt động văn hóa dân tộc, nhà trường thường thiết kế các hoạt động ngoại khóa và các buổi chào cờ đầu tuần theo chủ đề, chủ điểm, trong đó quan tâm đến chủ đề về bảo tồn văn hóa.
Qua các hoạt động này, học sinh sẽ được giáo viên giới thiệu về những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Ca dong, Cor . . . như các lễ hội, phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực, nghề truyền thống.
Ngoài ra, trường còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm về văn hóa truyền thống, các hoạt động trọng tâm trong các chương trình giao lưu văn nghệ, hội thi, hội diễn tại trường. Bên cạnh đó, trường tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc.
“Đây là dịp để giáo viên và học sinh được thỏa sức trải nghiệm, tự mình làm nên những sản phẩm truyền thống, nấu món ăn, trưng bày những gian hàng của người đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện, trường đang định hướng cho các em tham gia vào CLB văn hoá của người Mường để các em đc tiếp cận với một số loại hình nghệ thuật của người Mường. Phối hợp với giáo viên Lịch sử, Địa lí tổ chức tham quan các địa điểm văn hoá tại địa phương”, cô Quế chia sẻ.
Thầy Vũ Hoàng Tâm – Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Nguyễn Bỉnh Khiêm cho hay, với 100% học sinh của trường là người đồng bào dân tộc, những năm qua, trường luôn chú trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa.
Theo thầy Tâm, trong năm 2019 – 2020 Trường đã thành lập 2 câu lạc bộ cồng chiêng trong trường. Trang bị 2 bộ cồng chiêng gồm 8 chiêng và 2 trống, về trang phục trang bị 120 bộ trang phục trong đó có 30 bộ khố cho nam, 50 bộ váy yếm cho nữ và 40 bộ đồ truyền thống của người đồng bào Cadong.
“Mỗi đội cồng chiêng có khoảng gần 20 em học sinh, hiện trường có khoảng 45 em học sinh tham gia trong đội này. Đây là Trường nội trú nên Đoàn thanh niên trường sẽ tổ chức một đêm sinh hoạt cồng chiêng vào tối thứ 5 hằng tuần tại sân trường để các em học sinh cùng tham gia. Qua đó, phát huy và bảo tồn bản sắc dân tộc mình”, thầy Tâm nói.
Đầu tư cho bảo tồn văn hóa, lồng ghép vào các tiết học
Không những lồng ghép những hoạt động văn hóa trong thời gian tại trường, thời gian qua, huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) đã tập trung thành lập nhiều đội cồng chiêng phục vụ sinh hoạt cộng đồng tại địa phương và phát triển du lịch như: Đội cồng chiêng Làng văn hóa Cao Sơn (xã Trà Sơn), đội cồng chiêng xã Trà Bui, đội cồng chiêng xã Trà Giáp, đội cồng chiêng xã Trà Kót, đội cồng chiêng trẻ xã Trà Kót.
Đặc biệt, huyện còn tăng cường đưa sinh hoạt cồng chiêng vào trong trường học và thành lập 4 đội cồng chiêng dân tộc Co, Ca Dong tại các Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nước Oa, Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng, Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Nú và Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trần Phú.
Việc thành lập và phát triển các đội cồng chiêng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện. Đây là một trong những kết quả đạt được khi thực hiện Nghị quyết 58 của HĐND huyện nhiệm kỳ 2016 - 2021 về phát triển du lịch huyện Bắc Trà My giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030
Ông Nguyễn Thanh Tú – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My cho hay, với đặc thù là địa bàn có nhiều học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã chỉ đạo ngành giáo dục có những hoạt động lồng ghép các chương trình giáo dục nhằm đẩy mạnh giáo dục truyền thống dân tộc, niềm tự hào, tự tôn dân tộc cho học sinh.
Ông Tú cũng cho biết, huyện đã có đề án thành lập và phát triển các đội cồng chiêng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện. Trong đó, có chú trọng đến các trường trên địa bàn huyện.
Cụ thể, có 4 trường sẽ được chọn làm thí điểm về thành lập đội cồng chiêng. Vừa qua, đội cồng chiêng học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nước Oa được thành lập với 16 học sinh đại diện cho hơn 360 học sinh nhà trường. Đây là đội cồng chiêng biểu diễn các điệu múa của đồng bào dân tộc Cadong tại địa phương.
“Đề án này do Phòng văn hóa thông tin huyện làm chủ công, ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ để triển khai đến các trường. Để bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện cũng như nhằm bảo tồn, phát huy điệu múa cồng chiêng trong thế hệ trẻ, UBND huyện Bắc Trà My đã hỗ trợ nhà trường từ 75 – 85 triệu đồng/trường để mua sắm trang phục và luyện tập cho các em”, ông Tú chia sẻ.
Vị đại diện ngành giáo dục Bắc Trà My cũng cho biết thêm, các cấp học, các nhà trường, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt việc lồng ghép giáo dục truyền thống vào các hoạt động ngoại khóa và trên lớp như các tiết học trải nghiệm thực tế giáo dục lịch sử tại bảo tàng, đưa học sinh đến thăm các khu di tích lịch sử, tham gia các lễ hội truyền thống tại địa phương. . .
“Việc chính quyền đầu tư cho văn hóa, từ đó lồng ghép vào các tiết học, các buổi sinh hoạt ngoại khóa sẽ góp phần bảo tồn tốt hơn những văn hóa của dân tộc, giúp học sinh hiểu rõ hơn về văn hóa quê hương. Quan trọng hơn là để huyện có thêm nguồn nhân lực bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa bản địa trong tương lai”, ông Tú nhấn mạnh.