Văn hoá dân gian trong nhịp sống đương đại

GD&TĐ - Cuộc sống ngày càng hiện đại, nhưng văn hóa dân gian vẫn luôn hiện diện ở hầu hết các lĩnh vực, từ điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, thời trang... đến văn học, âm nhạc.

Giới nghiên cứu cho rằng, cần có chính sách phát triển văn hoá dân gian.
Giới nghiên cứu cho rằng, cần có chính sách phát triển văn hoá dân gian.

Chuỗi đối thoại “Sống với văn hóa dân gian”, cùng với tọa đàm “Văn hóa dân gian trên nền tảng số” vừa diễn ra trong khuôn khổ “Liên hoan sáng tạo và thiết kế thời trang” tại Hà Nội theo hình thức trực tuyến.

Nhiều chuyên gia văn hoá trong và ngoài nước đã thảo luận, nhằm gìn giữ và tái thiết các di sản truyền thống.

Văn hoá dân gian hiện diện mọi nơi

Với mục đích tăng cường hiểu biết về những sắc thái, biến chuyển của văn hóa dân gian, các chuyên gia chia hướng tiếp cận theo hai con đường: Trong nền công nghiệp văn hóa và trên nền tảng số.

Đối với hướng tiếp cận “Văn hóa dân gian trong nền công nghiệp văn hóa”, ông Song Honggyu (Ban Văn hóa - Văn phòng UNESCO tại Hà Nội) đã chia sẻ nhiều câu chuyện từ Hàn Quốc, về việc quảng bá văn hóa dân gian trong đời sống hiện đại và “xuất khẩu” văn hoá ra nước ngoài.

Ông Song Honggyu cho biết, trong các di tích ở Hàn Quốc, khách du lịch dễ nhận thấy các nhóm nhạc nhảy hiện đại chụp ảnh, ghi hình và thực hành nghệ thuật tại đây. Giới trẻ không hề ngại ngần khi mặc trang phục truyền thống Hanbook và chụp ảnh trong các di tích.

Câu chuyện hiện đại về kết nối và phát huy văn hoá dân gian ở Hàn Quốc khá đa dạng. Gần như không có việc ngăn trở văn hoá hiện đại hoà lẫn văn hoá truyền thống và ngược lại. Đó chính là mối liên hệ giữa văn hóa dân gian với nền công nghiệp văn hóa trong đời sống, gắn liền với sinh kế của người dân.

Ông Song Honggyu trình chiếu một video quay lại những ngọn tháp được tái hiện trong bảo tàng ở Hàn Quốc. Video cho thấy sự linh hoạt và tính năng đặc biệt trong việc đất nước này áp dụng công nghệ vào việc quảng bá văn hoá.

Những ngọn tháp di chuyển theo sự điều hướng của khách tham quan đến bảo tàng. Ánh sáng được thiết kế linh hoạt để hình ảnh thêm sống động khi gắn liền với những câu chuyện quá khứ được tái hiện.

Qua câu chuyện này, các chuyên gia văn hoá của Việt Nam có thể nhận biết các khả năng thích ứng trong việc phát triển văn hoá dân gian trong đời sống đương đại. Đồng thời là cơ hội quảng bá văn hóa truyền thống thông qua các ứng dụng công nghệ.

Cuộc đối thoại cũng đưa ra góc nhìn đa chiều về văn hóa dân gian trong nền công nghiệp văn hóa từ Việt Nam - đối sánh với khu vực và thế giới. TS Trần Thanh Việt - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: Ở Việt Nam, văn hóa dân gian đang có mặt ở hầu hết các lĩnh vực trong nền công nghiệp văn hóa, từ điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, xuất bản, thời trang, văn học âm nhạc thậm chí cả trò chơi điện tử.

Điều này cho thấy, văn hóa dân gian chính là nguồn tài nguyên dồi dào cho những người làm văn hóa nghệ thuật khai thác, phát huy tính sáng tạo, góp phần đưa văn hóa dân gian đến gần hơn với cuộc sống hiện đại.

Cân bằng giá trị kinh tế và văn hóa

“Rất nhiều sản phẩm hiện nay mang hơi hướng từ việc khai thác các giá trị văn hoá dân gian. Từ âm nhạc, mỹ thuật, trang phục, điện ảnh… chúng ta dễ dàng nhận ra. Tuy nhiên về lâu dài, để giữ gìn và phát huy tốt các giá trị văn hoá dân gian đòi hỏi phải có chính sách phù hợp” - GS.TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn hóa dân gian Việt Nam.
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu cho biết phải cải tiến sản phẩm và không ngừng truyền thông lan toả giá trị văn hoá dân gian.

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu cho biết phải cải tiến sản phẩm và không ngừng truyền thông lan toả giá trị văn hoá dân gian.

TS Lư Thị Thanh Lê nhận định, sáng tác lấy từ cảm hứng văn hóa dân gian đã xuất hiện nhiều hơn trong nhịp sống đương đại. Tác phẩm “Lĩnh Nam chích quái” với minh họa của hoạ sĩ Tạ Huy Long là một ví dụ.

Hoặc tác phẩm “Phê như con tê tê” của tác giả Thành Phong kèm minh họa bằng tranh những thành ngữ, tục ngữ hoặc những “câu cửa miệng” chính là thành công của văn hóa dân gian trong nhịp sống đương đại.

“Giới trẻ có cách ăn nói tếu táo của họ, sao lại bắt họ phải nghiêm chỉnh mới cho là hay? Còn chuyện lệch về đạo đức thì không đến nỗi như thế. Giới trẻ muốn khẳng định mình và ở đây là khẳng định bằng ngôn ngữ của riêng họ”, PGS.TS ngôn ngữ học Hoàng Dũng nhận định.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên chia sẻ, có thể những câu nói trong “Phê như con tê tê” sẽ không còn được sử dụng trong tương lai. Vì thế, cuốn sách chính là tài liệu giúp tìm hiểu ngôn ngữ đường phố, ngôn ngữ thành thị một thời của tuổi trẻ.

Bắt nguồn từ truyền thống, nhưng làm sao phải cải tiến và sáng tạo để “văn hoá xưa” phát triển là yêu cầu cấp thiết. Anh Đặng Văn Hậu, một nghệ nhân 20 năm gắn bó với nghề nặn con giống bột (tò he) ở thôn Xuân La, xã Phượng Dực (Phú Xuyên - Hà Nội) cho hay, lúc đầu anh chỉ cố gắng phát triển mẫu mã sản phẩm.

Tuy nhiên, sau nhiều năm theo nghề với sự tìm tòi, anh đã phát triển được chất bột mới với nhiều cải tiến để có thể lưu giữ được lâu hơn. Thậm chí, có thể nặn trước con giống cả tuần mà không hề bị biến đổi màu sắc, chất lượng.

Nhưng theo nghệ nhân, việc truyền thông cho sản phẩm mới là khâu quan trọng để lan toả những nét đẹp văn hóa truyền thống đến với người dân và du khách. Bởi vậy, anh đã nhận đưa khách tham quan đến làng để trực tiếp xem người dân nặn con giống.

GS.TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn hóa dân gian Việt Nam cho biết, khi đi ra nước ngoài, nhiều người vẫn rất thích những món quà kỉ niệm đậm đặc tính văn hóa. Bởi vậy, cần tạo cơ chế đãi ngộ để các nghệ nhân phát huy được sở trường trong việc truyền bá văn hoá dân gian.

TS Lư Thị Thanh Lê cho rằng, phải có sự cân bằng giữa giá trị kinh tế và văn hóa. Như giấy dó truyền thống vẫn làm theo công đoạn cũ, nhưng hiện nay người sản xuất phải đáp ứng các tiêu chí rất khắt khe về tiêu chuẩn môi trường.

Văn hóa dân gian hòa quyện trong nhịp sống đương đại, tạo ra bản sắc của từng dân tộc. Nhưng để truyền thống phát huy mạnh mẽ hơn, Nhà nước cần có cơ chế tái thiết di sản, nhằm lan tỏa các giá trị văn hoá dân gian.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ