Lồng ghép văn hóa dân gian vào hoạt động thường ngày: Đừng đổ tại công nghệ!

GD&TĐ - Nhiều trẻ thông thạo cách sử dụng thiết bị công nghệ, trò chơi điện tử, truy cập Internet… Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng hiểu rõ về văn hóa dân gian.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhiều cha mẹ không chú trọng dạy con về văn hóa dân gian. Điều này có thể do họ bận rộn, không có thời gian hướng dẫn cũng như tổ chức các hoạt động dân gian cho trẻ. Song, phụ huynh có thể chọn phương án kết hợp: Giáo dục con về văn hóa dân gian xen kẽ hiện đại.

Công nghệ thay thế văn hóa dân gian

Từ xưa, văn hóa dân gian hình thành cùng sự phát triển của xã hội. Dần dà, văn hóa dân gian trở thành gốc rễ của cội nguồn. Từng câu hò, điệu hát ru, những điệu múa… cho đến những câu ca dao tục ngữ, trò chơi dân gian như ô ăn quan, rồng rắn lên mây… đã khắc sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ.

Không thể phủ nhận, gia đình chính là nơi hình thành tình yêu văn hóa dân gian của trẻ em. Những câu chuyện cha mẹ kể, trò chơi cả nhà cùng tham gia, những vở kịch, bộ phim các thành viên trong gia đình xem…

Tất cả những hoạt động này sẽ trang bị cho trẻ một nền tảng văn hóa dân tộc vững chắc. Nhờ đó, có thể cân bằng với những giá trị văn hóa thế giới trong đời sống của thế hệ trẻ hiện nay.

Từ xưa, những lời ru, điệu hát, câu chuyện kể, trò chơi… luôn là phương tiện giáo dục con. Để trẻ nhanh vào giấc ngủ, mẹ sẽ “nhờ” tới những bài ru. Để con không mè nheo, mẹ sẽ kể trẻ nghe về những sự tích dân gian…

Để con vui hơn, cha mẹ sẽ cùng trẻ chơi những trò như trốn tìm, nhảy lò cò… Tuy nhiên, ở thế kỷ XXI, khi cuộc sống ngày càng hiện đại, phương pháp giáo dục trẻ cũng vì thế được “công nghệ hóa”.

Có lẽ, nếu hỏi về những chương trình đang được phát sóng, hay các công nghệ hiện nay, trẻ sẽ không ngần ngại trả lời. Trái lại, không nhiều trẻ biết về những câu chuyện cổ tích, trò chơi dân gian. Khi rảnh, thay vì tìm hiểu về văn hóa dân gian, ngày nay, trẻ thường được làm bạn với thiết bị công nghệ.

Việc duy trì các lễ hội dân gian được coi là sự nỗ lực lớn của cả cộng đồng. Tại Nhật Bản, lễ hội búp bê Hani Matsuri, tiết Đoan Ngọ, lễ hội hoa anh đào… được tổ chức dành riêng cho trẻ để gợi nhắc về tinh thần dân tộc.

Song, ở Việt Nam, có rất ít lễ hội văn hóa như vậy. Khi không là nhân vật chính trong những hoạt động này, trong khi các lễ hội văn hóa ngày càng ít đi, có lẽ, cơ hội để trẻ tiếp xúc văn hóa dân gian đang ngày càng hẹp lại.

Trẻ em ngày nay dễ dàng tương tác với các thiết bị điện tử, chơi game, xem truyện tranh, video ca nhạc mỗi ngày. Tuy nhiên, liệu, có bao nhiêu nội dung được sản xuất liên quan đến văn hóa dân gian Việt Nam? Thậm chí, không ít phụ huynh cũng có tư tưởng “sính ngoại”. Họ yêu cầu trẻ giao tiếp bằng tiếng Anh, xem những chương trình và đọc truyện nước ngoài,…

Đưa văn hóa dân gian đến gần trẻ

Cha mẹ có thể lồng ghép kiến thức về văn hóa dân gian với hiện đại.
Cha mẹ có thể lồng ghép kiến thức về văn hóa dân gian với hiện đại.

Chị Trịnh Mai Chi – giáo viên Trường Mầm non Bông Mai 2 (Hà Nội) - chia sẻ,  trong xã hội hiện đại, việc dạy trẻ về văn hóa dân gian vẫn vô cùng quan trọng. Nữ giáo viên này cho biết, đối với lứa tuổi mầm non, trẻ sẽ được tìm hiểu về văn hóa dân gian thông qua các hoạt động.

“Ví dụ, vào ngày Tết Nguyên đán, nhà trường sẽ tổ chức cho trẻ gói bánh chưng. Những ngày đó, trẻ sẽ được mặc áo dài, chụp ảnh bên cây đào và cùng tham gia trang trí Tết.

Không chỉ dịp Tết Nguyên đán, một số ngày khác, trẻ cũng sẽ được tìm hiểu về văn hóa dân gian. Vào Trung thu, các con sẽ được xem múa lân, làm bánh Trung thu và trang trí mâm ngũ quả. Hoặc vào Tết Hàn thực, các con sẽ được nặn bánh trôi…”, chị Mai Chi cho biết.

Theo nữ giáo viên này, khi trẻ tham gia các hoạt động, giáo viên sẽ là người hướng dẫn và giải thích cho các bé nghe về những sự tích, truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, khi Covid-19 bùng phát, trẻ không thể đến trường để tham gia những hoạt động này.

Do đó, chị Chi cho biết, các bé sẽ vẫn được tìm hiểu về văn hóa dân gian thông qua các bài viết, hình ảnh được nhà trường đăng tải trên mạng xã hội. Song, thời gian này, phụ huynh sẽ cần là “cầu nối” để truyền tải thông tin tới trẻ.

Kết hợp truyền thống và hiện đại

Trò chơi dân gian giúp trẻ rèn luyện thể chất.
Trò chơi dân gian giúp trẻ rèn luyện thể chất. 

Theo ThS Đinh Văn Thịnh – giảng viên kỹ năng mềm, Phó Giám đốc kỹ năng và truyền thông Hệ thống Trung tâm ATC (TPHCM) - chia sẻ: “Mỗi cha mẹ đều có phương pháp riêng để giáo dục trẻ, bằng cách dựa trên những kinh nghiệm sống, học tập và công việc của phụ huynh. Khi xã hội và môi trường sống thay đổi, công nghệ phát triển, áp lực đời sống vật chất tăng cao. Từ đó, kéo theo những thay đổi trong cách giáo dục con”.

Theo ThS Đinh Văn Thịnh, ngày nay, mỗi khi về làng quê, chúng ta dễ dàng thấy hình ảnh trẻ tham gia các hoạt động dân gian với bạn bè. Tuy nhiên, bên cạnh đó,   không ít trẻ tìm đến điện thoại để chơi game hay xem các video clip giải trí khác ở YouTube, mạng xã hội…

“Việc ngày nay nhiều cha mẹ không chú trọng dạy con về văn hóa truyền thống dân gian có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: Công việc bận rộn, không có thời gian hướng dẫn con, không có không gian để tổ chức các hoạt động trò chơi văn hóa dân gian…”, chuyên gia này nhận định.

Để “gỡ rối” vấn đề này, ThS Thịnh cho rằng, các phụ huynh có thể chọn phương án kết hợp. Nhờ đó, giáo dục con về văn hóa dân gian xen kẽ hiện đại.

Cha mẹ có thể dạy con về các văn hóa dân gian, tham gia hoạt động trò chơi như: Ô ăn quan, ném lon, nhảy lò cò, rồng rắn lên mây, trốn tìm. Song song đó, phụ huynh cũng kết hợp dạy con về các công nghệ hiện đại.

Như vậy, trẻ có thể nắm bắt với xã hội hiện đại trong khi vẫn am hiểu, giữ gìn cũng như phát triển giá trị truyền thống văn hóa dân gian. Song, để thực hiện được điều này một cách hiệu quả, cha mẹ cần có thời gian và lên kế hoạch rõ ràng.

“Khi trẻ hiểu rõ về văn hóa dân gian và những lợi ích khi tham gia vào các trò chơi dân gian, con sẽ giảm bớt thời gian sử dụng các công nghệ, điện thoại… Khi tham gia hoạt động trò chơi văn hóa dân gian, trẻ sẽ được tiếp xúc trực tiếp với gia đình, bạn bè. Từ đó, phát triển giao tiếp, phát triển về mặt cảm xúc, trí tưởng tượng và sáng tạo”, ThS Thịnh chia sẻ.

Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể phát triển về thể chất và sự linh hoạt, nhờ tham gia một số trò chơi dân gian mang tính vận động như trốn tìm, rồng rắn lên mây, ném lon… Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, việc để con tiếp cận với văn hóa dân gian trở thành một “bài toán khó” đối với nhiều phụ huynh.

Theo ThS Thịnh, vào ngày nghỉ, cha mẹ có thể lên kế hoạch cho chương trình đi dã ngoại, kết hợp tham quan các khu bảo tồn văn hóa dân gian - nơi tổ chức những hoạt động và trò chơi dân gian. Như vậy, trẻ có thể chứng kiến và tham gia các hoạt động đó.

Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể kể chuyện hoặc khuyến khích con tham gia hoạt động văn hóa dân gian tại nhà. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể xem video clip về văn hóa dân gian để làm quen và nắm bắt trước.

“Cha mẹ cần dành thời gian đồng hành, làm bạn cùng con, chơi và trải nghiệm những văn hóa dân gian với trẻ. Đồng thời, khuyến khích con tham gia và có lời khen khi trẻ thực hiện tốt.

Cha mẹ có thể kết hợp với những gia đình kế bên hoặc một gia đình quen biết trước đó. Nhờ vậy, tạo điều kiện để các con tham gia và trải nghiệm cùng nhau. Phương pháp đó sẽ tạo thêm nhiều hứng thú cho các con”, ThS Thịnh gợi ý.

Theo chuyên gia này, không chỉ cha mẹ, nhà trường và xã hội cũng cần quan tâm đến các trẻ. Đồng thời, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để trẻ có thể tiếp cận với những giá trị ý nghĩa truyền thống văn hóa dân gian.

ThS Thịnh nhận định, trong xã hội hiện đại, nhiều công nghệ ra đời nhằm phục vụ con người, mang lại cho chúng ta sự thoải mái, giải trí tại chỗ.

Với những công nghệ đó, chỉ cần cầm chiếc điện thoại, truy cập Google hoặc YouTube là có thể tìm kiếm mọi thứ. Đó cũng là nguyên nhân nhiều trẻ rơi vào trạng thái lười hoạt động.

“Để trẻ phát triển toàn diện, ngoài việc dạy con kiến thức, đạo đức, thẩm mỹ, lao động, thể chất, phụ huynh cần hướng dẫn trẻ biết những kỹ năng sống như giao tiếp với người khác, nhận biết cảm xúc, phát triển sự tưởng tượng, sáng tạo…

Những điều này sẽ được phát triển nếu phụ huynh dành thời gian bên con, tạo hoạt động văn hóa dân gian để trẻ tham gia và trải nghiệm.

Không chỉ thế, khi tham gia, con sẽ hiểu được rằng, những giá trị ý nghĩa từ văn hóa dân gian không đơn thuần là trò chơi, mà còn cả câu chuyện nhân văn được rút ra, như từ múa rối nước, những điệu ru, hò…”, ThS Đinh Văn Thịnh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.