CLB nghệ thuật dân tộc trong trường nội trú
CLB nghệ thuận dân tộc tại Trường Phổ thông DTNT tỉnh Nghệ An mới thành lập hơn 1 năm, nhưng đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, sôi nổi, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Trường là nơi quy tụ học sinh nhiều thành phần dân tộc nhất trên địa bàn như: Thái, Mông, Thổ, Khơ Mú, Ơ Đu, Kinh... Đây cũng là lợi thế cho hoạt động của CLB với sự đa dạng bản sắc văn hóa nhiều dân tộc khác nhau.
Tham gia câu lạc bộ, không chỉ là những em có năng khiếu văn nghệ, mà chỉ cần có sự nhiệt tình, mạnh dạn, muốn lan tỏa bản sắc dân tộc mình đều có thể đăng ký. Tùy vào sở trường, thế mạnh của mỗi thành viên, CLB sẽ phân chia các bạn về 5 ban hoạt động ở các nội dung từ đàn - hát, nhảy - múa, kịch - MC, truyền thông.
Mỗi tuần một lần, câu lạc bộ sẽ tập hợp các thành viên để sinh hoạt và triển khai các hoạt động. Hàng tháng, câu lạc bộ sẽ có một buổi biểu diễn để giới thiệu các tiết mục mới cho học sinh toàn trường.
Ngoài ra, các lạc bộ cũng sẽ thường xuyên duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ như nhảy sạp, múa khèn, đánh cồng chiêng, khắc luống và thể hiện các loại nhạc cụ khác trong giờ sinh hoạt ngoại khóa của chương trình nhà trường.
Sau hơn một năm thành lập, từ 45 thành viên ban đầu, CLB hiện đã có 80 bạn tham gia. Từ hoạt động của CLB, nhiều học sinh đã trưởng thành hơn, mạnh dạn, tự tin hơn, hỗ trợ cho việc học tập kiến thức và cả kỹ nặng.
Lầu Nguyễn Hương Giang là cô học trò Mông, đến từ xã biên giới Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Hương Giang tự nhận mình không có năng khiếu ca múa, nhưng em hoạt ngôn và thích làm MC. Vì vậy, khi gia nhập CLB, Giang đăng ký vai trò người dẫn chương trình trong các hoạt động. “Em mong muốn được giới thiệu với mọi người về những giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương và những phong tục truyền thống còn được gìn giữ qua nhiều đời nay”, Hương Giang chia sẻ.
Trước đó, từ năm học lớp 10, khi vừa xuống TP Vinh học nội trú, Lầu Nguyễn Hương Giang đã cùng bạn học xây dựng đề tài “Học sinh dân tộc thiểu số Nghệ An với việc bảo tồn và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống”. Đây là dự án tâm huyết của nữ sinh người Mông với mong muốn đưa sản phẩm truyền thống, đặc sắc của phụ nữ dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An vươn xa. Những sản phẩm thổ cẩm cũng sẽ giúp bà con quê hương em có nghề nghiệp đem lại kinh tế, thu nhập. Dự án này đã giành giải Nhất cuộc thi sáng tạo KHKT tỉnh Nghệ An.
Phát triển năng lực toàn diện học sinh
Câu lạc bộ nghệ thuật Trường THPT DTNT tỉnh cũng là tâm huyết của Ban giám hiệu và tập thể trường Phổ thông DTNT tỉnh Nghệ An.
Anh Trần Đình Huy - Phó Bí thư đoàn trường - Chủ nhiệm câu lạc bộ chia sẻ, ở câu lạc bộ nghệ thuật, chúng tôi tổ chức các hoạt động theo định hướng để học sinh hiểu hơn các giá trị truyền thống của dân tộc mình. Từ đó ý thức bảo vệ, phát huy, lan tỏa những nét đẹp văn hóa của quê hương mình.
Đối với học sinh nội trú, phần lớn thời gian là ở trường, ngôi nhà thứ 2 nuôi dưỡng, chăm sóc các em trưởng thành. Tại đây, các em được học tập, giao lưu với bạn bè, cộng đồng dân tộc khác, chuẩn bị bước ra xã hội rộng lớn hơn.
Vậy nên, ngoài hoạt động dạy học theo chương trình phổ thông, thì nhà trường còn có nhiệm vụ giữ gìn, bảo tồn văn hóa đồng bào các dân tộc cho các em.
Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể. Trong đó, việc thành lập, duy trì CLB nghệ thuật dân tộc với hạt nhân là học sinh. Trong CLB này các em được giao lưu, chia sẻ, góp phần bồi đắp và giữ gìn từ tiếng trang phục truyền thống, phong tục tập quán, điệu hát...
Mọi hoạt động của trường, đều tạo cơ hội để học sinh thể hiện đặc trưng dân tộc của các em như: sân khấu hóa các lễ hội, phong tục, tập quán, trình diễn trang phục truyền thống... Đồng thời giáo dục, truyền truyền học sinh từ bỏ tập tục lạc hậu, vi phạm pháp luật như tảo hôn, hôn nhân cận huyết.
Nhà trường cũng mời các nghệ nhân hoặc các ca sỹ, nghệ sỹ đến để nói chuyện hoặc hoặc truyền dạy lại các làn điệu truyền thống của đồng bào các dân tộc. Nhạc công Vi Thị Phương cũng là một người con của đồng bào dân tộc Thái. Trưởng thành và hoạt động nghệ thuật ở TP Vinh, chị được nhà trường mời về hướng dẫn các thành viên CLB sử dụng các nhạc cụ truyền thống.
Theo nữ nhạc công chia sẻ, ngày nay, do không có điều kiện hoặc không được hướng dẫn, sử dụng thường xuyên nên nhiều em chưa biết cách sử dụng nhạc cụ của mình. Nhưng khi được giới thiệu để hiểu rõ lịch sử ra đời, ý nghĩa của từng loại nhạc cụ, các bạn học sinh rất háo hức và thích thú. Các bạn cũng tự hào, tự tôn về giá trị bản sắc dân tộc mình và rất có ý thức học hỏi, gìn giữ.