Trường học trồng rau sạch và bán hoa Tết gây quỹ tặng trò nghèo

GD&TĐ - Với nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của địa phương, vừa qua, cô Trần Thị Thanh Thảo đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Cô Trần Thị Thanh Thảo tại Hội nghị Điển hình tiên tiến huyện Vĩnh Cửu lần thứ VI (2020 - 2025). Ảnh: NVCC.
Cô Trần Thị Thanh Thảo tại Hội nghị Điển hình tiên tiến huyện Vĩnh Cửu lần thứ VI (2020 - 2025). Ảnh: NVCC.

Bán hoa tết, rau sạch gây quỹ tặng trò nghèo

Cô Trần Thị Thanh Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thiện Tân (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) vừa được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong năm 2021. Tâm sự với Báo Giáo dục & Thời đại, cô Thảo khiêm tốn cho rằng, đó là sự ghi nhận của lãnh đạo các cấp với những nỗ lực của cả tập thể nhà trường chứ không chỉ riêng cá nhân cô. 

Trong suốt 15 năm làm giáo viên tại trường (2001 - 2016), cô Thanh Thảo đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tích cực công tác, vững chuyên môn và là tấm gương đi đầu trong mọi phong trào thi đua Dạy tốt- Học tốt, đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện - tỉnh... Từ năm 2016 - 2019, cô được chuyển công tác là Phó Hiệu trưởng tại Trường THCS Nguyễn Du đã thể hiện xuất sắc vai trò của mình để cùng với ban lãnh đạo nhà trường xây dựng tập thể đoàn kết, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ và trường đạt chuẩn quốc gia. 

Tới tháng 3/2019, cô Thanh Thảo tiếp tục được chuyển công tác về lại Trường THCS Thiện Tân. Khi đó, trường đang thiếu  7 giáo viên nên bản thân vừa làm hiệu phó, vừa phải đảm nhiệm công tác văn thư, tổng phụ trách thì mới nhận việc và cùng lúc phải đứng lớp. Tuy nhiên, với sự cố gắng và sự đồng lòng của giáo viên, cô luôn phấn đấu để ổn định tình hình trường lớp trong bối cảnh khó khăn. Sau đó, cô đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, gương điển hình tiên tiến phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 -2020 cấp tỉnh.

Ảnh: NVCC.
Ảnh: NVCC.

Cô hiệu phó chia sẻ, nhà trường luôn xây dựng được môi trường học tập thân thiện, học sinh tích cực, tổ chức tốt chuyên đề “Một số giải pháp xây dựng nhà trường hạnh phúc”, "Hoạt động trải nghiệm và trường học gắn với sản xuất kinh doanh”. Chú trọng dạy học gắn lý thuyết với thực tiễn tạo nguồn cảm hứng trong học tập. 

Nhà trường cũng xây dựng kế hoạch dạy 2 buổi bằng nhiều hình thức, như thành lập các câu lạc bộ trong trường giúp các em phát huy năng lực, năng khiếu và sở trường của mình. Đồng thời định hướng được nghề nghiệp trong tương lai, tạo sân chơi hữu ích cho các em.

Trong đó có thể kể đến như các câu lạc bộ: Em yêu khoa học, Nghệ thuật, Sử học, Khéo tay hay làm, Thể thao, Tiếng Anh. Mỗi tháng nhà trường tổ chức dạy kỹ năng sống cho học sinh để giúp các em có kiến thức tự biết bảo vệ mình với các chuyên đề như bạo lực học đường, tệ nạn xã hội, tình bạn- tình yêu, sức khỏe sinh sản, an toàn giao thông...

Các em học sinh hứng thú với mô hình vườn trồng hoa, rau sạch tại Trường THCS Thiện Tân. Ảnh: NVCC.
Các em học sinh hứng thú với mô hình vườn trồng hoa, rau sạch tại Trường THCS Thiện Tân. Ảnh: NVCC.

"Ngoài ra, chúng tôi đã xây dựng được khu vườn trường giúp giáo viên vận dụng tốt việc dạy học gắn với sản xuất kinh doanh nhằm phát  huy năng lực phẩm chất cho học sinh. Trồng rau sạch, trồng hoa tết rồi đem bán lấy tiền gây quỹ giúp đỡ học sinh khó khăn mỗi năm được khoảng 30 triệu đồng. Việc này được phụ huynh rất đồng tình ủng hộ vì mang ý nghĩa xã hội. Trường cũng xây dựng chuyên đề thiết kế chậu hoa bằng vật liệu tái chế tạo mội trường thân thiện và góc thư viện xanh - sạch - đẹp", cô Thanh Thảo nói.

Giảng dạy thích ứng với bối cảnh dịch

Cô hiệu phó cho hay, khi dạy các môn tích hợp theo chương trình mới như Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, nhà trường đã định hướng cho các thầy cô tích cực trau dồi kỹ năng; nâng cao trình độ cả về kiến thức và phẩm chất để thuận tiện trong quá trình giảng dạy.

Trong năm học 2020 - 2021, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng cô luôn thực hiện tốt kế hoạch, mục tiêu đề ra. Trong đó, cô Thảo đã hướng dẫn giáo viên tham gia tốt hội thi Khoa học kỹ thuật đạt 5 giải huyện, 1 giải cấp tỉnh; thi Giáo viên giỏi cấp huyện cả 5/5 thầy cô đều đạt, 1 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 1 giáo viên hạng 2 giỏi Công nghệ thông tin... 

Cô Thảo cũng khẳng định, dù bị tác động mạnh bởi dịch bệnh trong hai năm qua nhưng nhà trường luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ năm học với phương châm "Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”. Bản thân cô luôn tạo điều kiện tốt cho giáo viên tập huấn các phần mềm dạy học trực tuyến vừa tham gia chống dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn tiếp tục dạy học.

"Nhà trường thực hiện dạy học qua phần mềm Google meet với 100% học sinh tham gia. Hướng dẫn cho giáo viên các ứng dụng Microsort team, Quizizz, Azota, Form, Padlet trong việc kiểm tra đánh giá học sinh. Việc này giúp các em phát huy được phẩm chất và năng lực tự học. Thầy trò cùng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong bài học để đạt hiệu quả cao.  Trong sinh hoạt chuyên môn, nhà trường thảo luận trao đổi các chuyên đề “Sử dụng Google meet và một số thủ thuật ứng dụng trong dạy học trực tuyến”, chia sẻ kinh nghiệm trong việc soạn bài kiểm tra qua ứng dụng Azota, Google form..." - cô Trần Thị Thanh Thảo chia sẻ thêm. 

Do tình hình dịch bệnh phức tạp, cô trò nhà trường sẵn sàng chuyển trạng thái từ học trực tiếp sang trực tuyến. Ảnh: NVCC.
Do tình hình dịch bệnh phức tạp, cô trò nhà trường sẵn sàng chuyển trạng thái từ học trực tiếp sang trực tuyến. Ảnh: NVCC. 

Không chỉ vậy, cô Thảo cũng cho hay, nhà trường vận động mạnh thường quân hỗ trợ học sinh khó khăn 100 bộ sách, tích cực hướng dẫn giáo viên, thực hiện tốt việc giảng dạy trường học gắn với sản xuất kinh doanh thu về 30 triệu đồng mỗi năm để gây quỹ hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. 

Trong phòng chống dịch Covid-19 ở địa phương, cô Thanh Thảo cũng tham gia tích cực ở khâu hậu cần, hỗ trợ nước uống, lương thực, rau, gạo, cá, thịt với tổng số tiền gần 50 triệu đồng. Ngoài ra, cô còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ các hộ dân trong khu phong tỏa 200 thùng mì, 300 lốc nước, 4 tấn rau củ quả, 500 quả  bưởi. 

Nói về người đồng nghiệp của mình, cô Nguyễn Thị Kiều Giang - giáo viên môn Sinh học Trường THCS Thiện Tân cảm thấy ấn tượng bởi cô Thanh Thảo là người luôn tràn đầy năng lượng tích cực, có chuyên môn tốt và sống hòa đồng với mọi người. Với cương vị là hiệu phó, cô Thảo luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giáo viên để cùng với ban giám hiệu nhà trường quan tâm hơn nữa tới đời sống và điều kiện giảng dạy tốt nhất của đội ngũ thầy cô giáo tại trường. 
"Không chỉ xông xáo, năng động trong công việc ở trường, cô Thảo cũng là một thành viên tích cực của địa phương tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh. Bất kể ngày đêm, bằng cả vật chất lẫn tinh thần cô đều cống hiến hết mình. Tôi nghĩ, những thành tích và sự ghi nhận của lãnh đạo cấp trên dành cho cô Thảo là hoàn toàn xứng đáng để chúng tôi học tập", cô Giang cho biết. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cốm Làng Vòng được làm từ loại lúa nếp cái hoa vàng và là loại lúa non.

Giữ 'hồn' cho cốm làng Vòng

GD&TĐ - Làng Vòng, thuộc phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) là nơi gắn liền với nghề làm cốm từ nhiều thế kỷ trước.