Lãnh đạo nhà trường chia sẻ bí quyết xây dựng tập thể đoàn kết

GD&TĐ - Thầy Phan Thế Thượng - Hiệu trưởng THPT Võ Trường Toản (Bến Tre) – từ những trải nghiệm thực tế, chia sẻ các biện pháp quản lý nhằm xây dựng tập thể sư phạm đoàn kết, thống nhất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và sự phát triển bền vững của nhà trường.

Lãnh đạo nhà trường chia sẻ bí quyết xây dựng tập thể đoàn kết

Tác động vào nhận thức theo kiểu “mưa dầm thấm sâu”

Theo thầy Phan Thế Thượng, trên thực tế, công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng để mọi thành viên trong trường nhận thức đúng đắn và tin tưởng vào quan điểm đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước là vô cùng quan trọng.

Bởi, từ đó, mỗi thành viên có lập trường tư tưởng kiên định, không mơ hồ, dao động hoặc lùi bước trước những khó khăn, cảnh giác với các hiện tượng xuyên tạc gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cần được thực hiện thường xuyên theo kiểu "mưa dầm thấm sâu". Cùng với đó, đẩy mạnh "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", để mỗi thành viên tự chọn những việc làm theo tấm gương của Bác một cách cụ thể, thiết thực, phù hợp với nhiệm vụ thực tế công việc của mình.

Hiểu để cùng làm việc

Theo thầy Phan Thế Thượng, việc tìm hiểu thông tin cá nhân, quá trình đào tạo, quá trình công tác, hoàn cảnh gia đình, nguyện vọng, sở trường, năng lực, sở thích... của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên là rất cần thiết trong công tác quản lý con người. 

Biện pháp tốt nhất để nắm bắt được những thông tin nói trên là nghiên cứu hồ sơ cá nhân, trao đổi riêng, quan sát và theo dõi đánh giá qua các hoạt động giáo dục, sinh hoạt tập thể. Người lãnh đạo cần biết lắng nghe, phân tích thông tin từ dư luận quần chúng, dư luận xã hội và các ý kiến nhận xét đánh giá trước đó (nếu có).

Việc nắm bắt thông tin cá nhân, theo thầy Phan Thế Thượng, còn gắn liền với việc giao nhiệm vụ và đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ. Do đó, đòi hỏi cán bộ quản lý phải công tâm và có tầm nhìn trong nhận xét đánh giá cán bộ, dám giao nhiệm vụ, dám đặt niềm tin đối với người dưới quyền.

“Người quản lý cũng nên có sổ theo dõi nhận xét từng cán bộ, giáo viên, nhân viên qua từng năm học về phẩm chất, năng lực và chiều hướng bồi dưỡng phát triển từng đối tượng cụ thể” - Thầy Phan Thế Thượng cho hay.

Thường xuyên hoàn thiện cơ cấu tổ chức

Một biên pháp hết sức quan trọng đó là phải không ngừng đổi mới và hoàn thiện công tác tổ chức cán bộ, xây dựng đội ngũ.

Trong công tác tổ chức cần đảm bảo các yêu cầu:

Không ngừng phát huy dân chủ trong công tác tổ chức: Phân quyền cho tổ chuyên môn trong phân công nhiệm vụ, biết lắng nghe dư luận và ý kiến đóng góp của các đoàn thể, của tập thể sư phạm và của quần chúng.

Mỗi tổ chức trong nhà trường đều có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn riêng, không chồng chéo trách nhiệm, nhiệm vụ của các tổ chức phải bao trùm đầy đủ các lĩnh vực hoạt động giáo dục của nhà trường và mọi tổ chức có chung một mục tiêu là vì sự phát triển giáo dục của nhà trường.

Việc phân công, phân nhiệm cho các thành viên, tổ chức phải đảm bảo tính hợp lý, đúng người, đúng việc, phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện hoàn cảnh cụ thể của từng cá nhân.

Đặc biệt, trong phân công giao việc, cán bộ quản lý phải có niềm tin đối với người được giao việc, thường xuyên động viên, khích lệ và giúp đỡ kịp thời để họ tự tin vào năng lực bản thân và cố gắng cống hiến, phát huy hết năng lực của mình.

Thông qua bàn bạc dân chủ, công khai, phát huy trí tuệ của tập thể trong việc xây dựng quy chế phối hợp giữa các tổ chức, các cá nhân một cách hợp lý, sát thực tế.

Thực hiện tốt công tác huy hoạch cán bộ dự bị - dự nguồn, giáo viên cốt cán; trên cơ sở đó có kế hoạch bồi dưỡng ngắn hạn dài hạn hợp lý cho từng đối tượng cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ phải là việc thường xuyên

Thầy Phan Thế Thượng nhấn mạnh: Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ là công việc mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên phải thực hiện liên tục, không ngừng. Muốn làm tốt công tác bồi dưỡng người cán bộ quản lý cần thực hiện:

Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên trên cơ sở nội dung chương trình bồi dưỡng của Bộ GD& ĐT và các yêu cầu thực tế của nhà trường;

Đảm bảo sinh hoạt chuyên môn đúng quy định, không ngừng nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chuyên môn;

Tạo điều kiện thuận lợi để tổ chuyên môn trực tiếp tổ chức và thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng cho các thành viên của tổ;

Có yêu cầu ngày càng cao theo lộ trình đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên để mọi người phấn đấu và tăng cường khả năng tự bồi dưỡng cá nhân;

Quan tâm việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách, các yêu cầu về kinh phí để thực hiện việc bồi dưỡng. Có kế hoạch hình thành và xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán ở các tổ chuyên môn.

Xử lý khéo léo với xung đột

Việc tăng cường xây dựng nề nếp, kỷ cương và môi trường sư phạm thân thiện trong nhà trường. theo thầy Phan Thế Thượng là vô cùng quan trong. Theo đó, việc đầy tiên cần làm là xây dựng các quy chế hoạt động phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường như: Nội quy cơ quan, quy chế chuyên môn, quy chế phối hợp làm việc, quy chế quản lý tài chính - tài sản, quy chế chi tiêu nội bộ...

Các quy chế này phải được bàn bạc, trao đổi thẳng thắn, dân chủ nhằm thống nhất ý chí hành động, là hành lang pháp lý để mọi người tuân thủ và thực hiện một cách tự giác.

Trường hợp xảy ra hiện trạng mất đoàn kết, có xung đột giữa các thành viên trong nhà trường, người cán bộ quản lý cần nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân, thu thập và xử lý các thông tin liên quan, phối hợp các bộ phận và các các thành viên chủ chốt để giải quyết và xử lý kịp thời.

Ngoài ra, việc chọn thời điểm, địa điểm, không gian thích hợp để giải quyết xung đột (tùy theo mức độ, nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, đối tượng liên quan đến mâu thuẫn...) cũng không kém quan trọng.

Người quản lý phải là tấm gương

Bên cạnh không ngừng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho mỗi thành viên, chú trọng đổi mới công tác thi đua khen thưởng, thấy Phan Thế Thượng cho rằng, cán bộ quản lý phải là người có tâm, có tầm, biết hy sinh lợi ích cá nhân trong việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục.

Người quản lý phải là trung tâm gắn kết các thành viên trong tập thể; công tâm trong đánh giá cán bộ; có tri thức, năng động và sáng tạo trong công việc; biết tạo sự đoàn kết và cảm hóa mọi người; có lòng nhân ái, độ lượng trong cư xử; biết tạo cơ hội thuận lợi cho mọi thành viên lập công; biết giúp đỡ khi họ gặp khó khăn; biết chia sẻ thành công hay thất bại của các thành viên...

Ngoài ra, trong công tác lãnh đạo, thành Phan Thế Thượng cũng nhấn mạnh việc phát huy tốt vai trò của chi bộ Đảng và các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội trong nhà trường.

“Tùy theo tình hình thực tế của mỗi nhà trường, người hiệu trưởng linh hoạt sử dụng các biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế của trường mình, qua đó xây dựng tập thể sư phạm ngày càng tốt hơn góp phần vào việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục” – thầy Phan Thế Lượng lưu ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ