Sáng tạo trong từng giờ dạy online
Công tác trong ngành giáo dục đã hơn 25 năm, cô Thảo đã gắn bó với Trường Tiểu học Lê Hồng Phong từ năm 2009 đến nay. Là tổ trưởng chuyên môn của khối 1, cô được nhiều đồng nghiệp đánh giá là con người mẫn cán, năng động và nhiệt tình trong công việc.
Chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại, cô Phương Thảo cho biết, trong hai năm vừa qua khi ngành giáo dục bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bản thân cô cùng với tập thể sư phạm nhà trường đã luôn nỗ lực, áp dụng nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh.
Ngoài dự các buổi tập huấn hướng dẫn dạy học trực tuyến do Phòng GD&ĐT và do nhà trường tổ chức, cô cũng chủ động tìm hiểu thêm cách sử dụng ứng dụng Microsoft Teams để tổ chức dạy học trực tuyến hiệu quả, sử dụng phần mềm Azota để giao bài tập cho học sinh. Đồng thời trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với giáo viên trong tổ khối để tất cả đều được nâng cao kĩ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.
Hưởng ứng tốt phong trào “Tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học”, ngoài việc gửi lịch học trên truyền hình VTV7 tới phụ huynh để các em theo học 3 môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh thì mỗi ngày, cô Thảo gửi một video bài học môn Toán và Tiếng Việt trên Youtube, theo đúng bộ sách mà các em đang theo học thông qua Zalo nhóm lớp để phụ huynh kèm con học ở nhà.
Mỗi tuần, cô thực hiện dạy hai buổi học trực tuyến vào tối thứ 4 và thứ 6 với 100% học sinh trong lớp cùng tham gia. Qua mỗi buổi học trực tuyến, không chỉ giúp học sinh ôn luyện kiến thức đã học trong tuần mà còn truyền cảm hứng tới học sinh để các em có thêm niềm hăng say, tích cực trong học tập dù không được đến trường.
Trước buổi học trực tuyến chính thức, cô giáo tổ chức gặp mặt phụ huynh và học sinh để thống nhất về nội quy lớp học online. Đồng thời, chỉ cách để cha mẹ kèm con ở nhà, cách học sinh tự học sao cho hiệu quả; hướng dẫn phụ huynh nộp bài qua đường link Azota cô gửi trên nhóm lớp.
Hiểu được tâm lý của trẻ để lựa chọn cách dạy
Cô Khiếu Thị Phương Thảo cho hay: “Trong mỗi giờ học trực tuyến, tôi luôn động viên học sinh kịp thời, khen ngợi các em từ những thay đổi nhỏ nhất, giúp trẻ mạnh dạn hơn, tự tin hơn khi trình bày ý kiến của mình trước lớp. Nhiều em có tiến bộ rõ rệt, các em đọc to hơn, rõ ràng hơn, phát biểu ý kiến mạch lạc hơn. Hằng ngày, tôi đều chấm bài, nhận xét cụ thể bài làm của từng học sinh, phát hiện những điểm hạn chế của các em để tư vấn, hỗ trợ kịp thời”.
Không chỉ vậy, những ngày không dạy trực tuyến, cô đều tranh thủ gọi video Zalo kiểm tra trực tiếp các em đọc bài, khen ngợi, sửa sai, uốn nắn cho từng em. Học trò rất vui và hào hứng khi được gặp cô để kiểm tra bài, được cô chỉ bảo. Giờ đây, dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, học sinh vẫn nghỉ học trực tiếp nhưng phụ huynh đã yên tâm hơn vì con em mình vẫn được học tập và ôn luyện kiến thức hàng ngày để đảm bảo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của các môn học.
Để việc dạy học online có hiệu quả, cô Thảo đã đầu tư nghiên cứu, soạn công phu bài giảng, làm mới phương pháp dạy, thiết kế nhiều trò chơi hấp dẫn như “Hái hoa”, “Ai tinh mắt?”, “Ai ghép tiếng giỏi?”, “Tìm nhà cho thỏ”, “Hái táo”... Theo cô, trò chơi học tập là một loại hình hoạt động vui chơi có nhiều tác dụng trong các giờ học của học sinh lớp 1. Điều này không chỉ tạo ra không khí vui tươi, hồn nhiên, sinh động trong giờ học mà còn kích thích được trí tưởng tượng, tò mò, ham hiểu biết ở trẻ, giúp các em tiếp thu kiến thức một cách tự giác, tích cực. Vì vậy, không khí của lớp học trở nên sôi nổi, vui vẻ.
Ngoài việc truyền thụ kiến thức, trong các tiết dạy, cô trò thường xuyên tương tác với nhau để nắm bắt cảm xúc, tâm tư tình cảm và nguyện vọng của học sinh. Cuối mỗi bài học, thông qua một tình huống gần gũi với đời sống, nữ giáo viên đã giúp học sinh làm quen với việc vận dụng tổng hợp kiến thức đã học để giải quyết vấn đề. Cô đưa tư liệu qua các video, hình ảnh minh họa liên quan đến bài học để các em vận dụng, trải nghiệm với thực tế cuộc sống.
“Những ngày đầu, học sinh chỉ tiếp thu kiến thức một chiều thì giờ đây, các em có thể tự tin cùng trao đổi, thảo luận nhiều hơn cùng thầy cô và các bạn. Nhờ sự thay đổi về phương pháp dạy học của giáo viên, học sinh đều cảm thấy hứng thú trong mỗi giờ học. Tôi tích cực học hỏi, khai thác các tài liệu trên internet để tham khảo các bài của các đồng nghiệp khác đã soạn để ứng dụng vào bài giảng của mình cho phù hợp, hiệu quả. Tôi cũng tự tạo cho mình một kho tài liệu các nội dung, kiến thức, hình ảnh liên quan đến nội dung kiến thức bộ môn của mình. Đây là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp tôi thành công trong việc thiết kế giáo án dạy trực tuyến hàng ngày”, cô Phương Thảo cho hay.
Là học trò cũ của cô Thảo, em Phan Dương Cầm – học sinh Trường THPT Chuyên Biên Hòa (Hà Nam) vui vẻ nói, mình thực may mắn khi đã từng là học trò của cô. Qua những giờ dạy Tiếng Việt trên lớp cùng giọng đọc trầm ấm, nhẹ nhàng của cô Thảo đã cuốn hút sự chú ý của học trò vào từng bài giảng. Không chỉ vậy, hình ảnh một cô giáo xinh hiền luôn sẵn sàng ở lại sau giờ học đến tối muộn chỉ để kèm học sinh yếu luôn khiến cho ai cũng thấy cảm phục tinh thần làm việc luôn hết mình của cô Thảo. Dù đã gần 10 năm trôi qua nhưng hình ảnh đó mãi là kí ức khó quên của Cầm khi nhắc đến cô giáo cũ của mình.
Cô Khiếu Thị Phương Thảo nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; được UBND TP Phủ Lý tặng Giấy khen. Năm học 2020-2021, cô được Sở GD&ĐT Hà Nam tặng Giấy khen về đạt thành tích xuất trong Hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi tỉnh Hà Nam năm học 2020 - 2021; được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen...