Nỗ lực xây dựng tập thể đoàn kết và nâng cao chất lượng giáo dục

GD&TĐ - Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thu Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Hoàn Kiếm, Hà Nội) khi nói về mục tiêu hành động của mình, thực tế chứng minh cô đã làm rất tốt.

Cô Nguyễn Thu Hương (thứ 3 hàng đầu từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng các em học sinh trong một lần đi dự thi Toán quốc tế. Ảnh: NVCC.
Cô Nguyễn Thu Hương (thứ 3 hàng đầu từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng các em học sinh trong một lần đi dự thi Toán quốc tế. Ảnh: NVCC.

Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

Trong không khí phấn khởi khi ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang tới gần, cô Nguyễn Thu Hương cảm thấy vô cùng vui mừng khi những cố gắng, nỗ lực của cô và tập thể sư phạm nhà trường đã được lãnh đạo các cấp ghi nhận, đánh giá cao. Bản thân cô là một trong số những gương mặt được tôn vinh tại chương trình "Thay lời tri ân năm 2021" do Bộ GD&ĐT tổ chức. 

Cô Nguyễn Thu Hương luôn được đồng nghiệp, học sinh đánh giá cao về chuyên môn. Ảnh: NVCC.
Cô Nguyễn Thu Hương luôn được đồng nghiệp, học sinh đánh giá cao về chuyên môn. Ảnh: NVCC.

Từng có nhiều năm trực tiếp giảng dạy và hơn 5 năm qua trên cương vị hiệu trưởng, cô Hương đã có nhiều cống hiến, sáng tạo để xây dựng một tập thể đoàn kết, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Theo cô, muốn hiện thực hóa được mục tiêu đó, trường đã và đang thực hiện nhiều giải pháp cụ thể. 

Nhà trường bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên, chủ động và linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác phòng chống dịch với phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên và hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn của ngành. Luôn luôn sẵn sàng các phương án dạy học trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp giữa hai hình thức này tùy tình hình thực tế.  

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương thức dạy học trực tuyến; quan tâm, sát sao đối với hoạt động này của giáo viên và học sinh. Động viên và chia sẻ với những khó khăn của giáo viên khi dạy online. Đồng thời phát huy tiềm năng nội lực, khả năng về công nghệ thông tin của giáo viên, thay đổi phương pháp dạy học phù hợp với dạy trực tuyến, khai thác hiệu quả những mặt tích cực của dạy trực tuyến... Phát huy tinh thần trách nhiệm và vai trò cầu nối của giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh. Điều chỉnh và linh hoạt trong xây dựng kế hoạch của nhà trường.

Trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước chuyển đổi việc tuyển sinh, bồi dưỡng chuyên môn, hội họp, kiểm tra đánh giá sang hình thức trực tuyến phù hợp với tình hình dịch bệnh. Hướng dẫn các gia đình trong việc phối hợp với nhà trường chăm sóc, giáo dục học sinh bảo đảm an toàn, hiệu quả trong thời gian học trực tuyến; cung cấp sách giáo khoa (cả bản điện tử) đầy đủ, thuận lợi cho học sinh khi bước vào năm học mới.

Xây dựng phương án cụ thể khi học sinh quay trở lại trường học, phối hợp với các ban ngành tổ chức tiêm chủng cho học sinh sau khi có hướng dẫn của các cấp. Nhà trường đã tiêm đủ hai mũi vắc xin phòng Covid-19 cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đẩy mạnh việc thông tin tới các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh nêu cao tinh thần chống dịch “mình vì mọi người, mọi người vì mỗi người" và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

Đổi mới tư duy khi dạy chương trình mới

Cô Thu Hương (bìa trái) luôn chú trọng đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường. Ảnh: NVCC.
Cô Thu Hương (bìa trái) luôn chú trọng đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường. Ảnh: NVCC.

Nữ hiệu trưởng cũng cho hay, khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ việc dạy và học đối với học sinh lớp 6.

Với giáo viên, việc dạy học cần bám sát Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT. Tập trung mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất, phát huy sự chủ động, sáng tạo của học sinh. Giáo viên cần đa dạng hóa các hình thức tổ chức, phương pháp, phương tiện dạy học. Thầy cô vừa kế thừa những mặt tích cực của phương pháp dạy học cũ, vừa phải tích cực học hỏi, sáng tạo, đổi mới tư duy và phương pháp dạy học, đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

Về phía học sinh, cô Thu Hương nhấn mạnh: "Các em cần chủ động hoàn thành các nhiệm vụ học tập mà thầy cô hướng dẫn. Đặc biệt là hình thành và rèn sự tự chủ và khả năng tự học, vận dụng kiến thức được học vào giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Đây là việc rất khó khăn đối với cả thầy và trò trong quá trình học trực tuyến. Muốn vậy, giáo viên cần xây dựng kế hoạch bài dạy theo hướng mở, gắn với thực tế cuộc sống và các trải nghiệm của học sinh nhiều hơn".

Trong tâm trí của cô Hương, kỷ niệm về học trò cũ đã trưởng thành luôn nhớ tới thầy hay trở về thăm cô, thăm trường là những thứ không thể quên. Trước đây có một học sinh đặc biết rất nghịch ngợm những đã được cô cảm hóa trở thành một học sinh ngoan ngoãn và luôn biết ơn thầy cô giáo. Chính những điều đó đã đem lại cảm xúc ấm áp, quý báu, hạnh phúc, khiến cô cảm thấy thêm yêu nghề và yêu người.

"Tôi nghĩ rằng, trong nghề giáo chúng ta không chỉ dạy học trò kiến thức mà cách giáo dục của thầy cô sẽ góp phần hình thành nhân cách cho học sinh. Thế nên, nếu chỉ dạy chữ thì ta chỉ là thợ dạy. Nếu cảm hóa được trò bằng tình yêu thương, ta sẽ là nhà giáo dục. Chứng kiến sự trưởng thành của các thế hệ học trò chính là niềm hạnh phúc của thầy cô" - cô Thu Hương tâm sự.

Cô hiệu trưởng cũng bày tỏ mong muốn ngành giáo dục sẽ có những bước phát triển để đáp ứng với sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, cô mong Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 để ngành giáo dục và các ngành khác đều được trở lại trạng thái bình thường, đất nước vừa chống dịch vừa xây dựng và phát triển. Học sinh được đến trường học tập, vui chơi, được thỏa sức thực hiện những ước mơ đến những chân trời tri thức; giáo viên lại được đứng trên bục giảng với phấn trắng, bảng đen, say sưa với những bài giảng mới. 

Nhà trường luôn sẵn sàng các phương án dạy học phù hợp với tình hình thực tế. Ảnh: NVCC.
Nhà trường luôn sẵn sàng các phương án dạy học phù hợp với tình hình thực tế. Ảnh: NVCC.

Được biết, mới đây Trường THCS Nguyễn Du và cá nhân cô Nguyễn Thu Hương đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo. 

Nhà trường luôn đứng tốp đầu trong quận Hoàn Kiếm về chất lượng đại trà cũng như mũi nhọn trong nhiều năm qua. Hàng năm, tỷ lệ tốt nghiệp đều đạt 100% và học sinh đỗ vào các trường THPT công lập từ 95% trở lên; Tỷ lệ học sinh khá giỏi hàng năm 88.54%, xếp loại hạnh kiểm tốt đạt 96,3%. Số lượng học sinh giỏi thành phố, quốc gia, quốc tế hàng năm đều tăng...

Khi nói về người đồng nghiệp của mình, cô Phạm Thị Hồng Minh, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du nhấn mạnh, cô Hương là một người nói được và làm được, luôn nhiệt tình trong công việc, không ngại sớm tối để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đặc biệt, với cương vị quản lý, cô Thu Hương luôn biết cách tận dụng điểm mạnh của từng cá nhân để xây dựng một tập thể đoàn kết. Mỗi cán bộ giáo viên trong trường đều rất quý mến vị nữ hiệu trưởng này. 
"Chính những phần thưởng, danh hiệu mà cấp trên dành tặng chính là sự ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của cá nhân cô Hương cũng như của cả tập thể sư phạm nhà trường. Điều này làm chúng tôi càng thấy yêu nghề giáo của mình hơn. Cô đã phát huy tốt vai trò là người thuyền trưởng để đưa các hoạt động của nhà trường ngày càng đi lên" - cô Minh nói. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ