Trường học - ngôi nhà thứ hai của các em nhỏ bản Cốc Tạt

GD&TĐ - Nhà xa, đường đèo dốc qua nhiều tràn và suối, 24 em HS lớp 4, lớp 5 của bản Cốc Tạt (xã Yên Thắng, huyện Tương Dương) đã được thầy cô đón vào trường nuôi ăn ở, đi học. Đây cũng là lần tiên tại tỉnh Nghệ An, một trường tiểu học thực hiện bán trú tại trường cho HS. Trước đây, hình thức này mới chỉ được thực hiện từ bậc THCS.  

Những buổi ôn bài mỗi tối của các em đều có sự hướng dẫn của giáo viên
Những buổi ôn bài mỗi tối của các em đều có sự hướng dẫn của giáo viên

Bán trú cho HS tại trường

Thầy Nguyễn Hồng Hoàn - Hiệu Trưởng Trường Tiểu học Yên Thắng cho biết: Sau khi sáp nhập 2 trường tiểu học Yên Thắng 1 và Yên Thắng 2, năm học 2018 - 2019, toàn trường giảm từ 8 điểm xuống còn 5 điểm lẻ gồm: Bản Lườm, bản Pụng Cành, bàn Xốp Khẩu, Văng Lin và Cốc Tạt.

Bà Võ Tuyết Chinh - Phó phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, Nghệ An cho biết: Trường Tiểu học Yên Thắng là trường đầu tiên trong huyện cũng như trên toàn tỉnh thực hiện bán trú cho HS lớp 4 – 5. Đây là việc làm rất khó, nhưng nhà trường đã rất cố gắng triển khai có hiệu quả bước đầu. Có thể nói cái được của bán trú vùng cao là rất lớn: Được HS, được phụ huynh và được cả chất lượng GD.

Đồng thời, dồn HS lớp 4 - 5 của một số điểm trường lại với nhau để giảm lớp. Trong đó, HS ở bản Cốc Tạt đến học tại bản Văng Lin là xa xôi và khó khăn nhất. Để tạo điều kiện cho HS đến trường đầy đủ, tránh nguy cơ bỏ học vì nhà xa, trường đã quyết định tổ chức bán trú tại trường cho các em.

Điểm Văng Lin vốn là điểm trường chính của Trường Tiểu học Yên Thắng 1 trước khi sáp nhập. Vì vậy, cơ sở vật chất kiên cố và khá đầy đủ. Một số gian phòng công vụ giáo viên được sắp xếp làm chỗ ăn ngủ cho HS. Nhà trường trích quỹ sắm sửa một số vật dụng sinh hoạt cần thiết như chăn màn, xô chậu, bát đũa… Giường ngủ thì vận động bà con dân bản gần đó ủng hộ. Tại trường có một số giáo viên nhà xa phải ở lại đi dạy, sẽ kiêm nhiệm vụ trông coi các em buổi tối.

“Ban đầu khi có ý định tổ chức bán trú cho HS lớp 4 - 5 ở bản Cốc Tạt, chúng tôi cũng hết sức lo lắng. Vì độ tuổi của các em còn nhỏ, chưa từng xa gia đình. Đây cũng chính là điều mà phụ huynh còn e ngại. Nhà trường đã tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương để vận động, thuyết phục bà con.

Trước hết, các em ở trường được thầy cô chăm sóc, quản lý chặt chẽ gia đình có thể yên tâm. Con cái ở lại trường, bố mẹ cũng đỡ phải hằng ngày đưa đón vất vả. Ngoài ra, một vài năm nữa, khi lên THCS, các em cũng sẽ ở bán trú. Vì vậy, bây giờ ở lại trường, có thể coi như bước tập làm quen để khi lên lớp 6 các em không bỡ ngỡ”, thầy Hoàn nói.

Hiệu trưởng nhà trường cũng cho hay: Chủ trương sáp nhập trường lớp là thực hiện chủ trương của huyện, để tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Nếu để nhiều điểm lẻ manh mún, trong điều kiện số lượng HS giảm, có nhiều lớp ghép, sẽ khó cho việc quản lý cũng như cải thiện, nâng cao chất lượng GD. Tuy nhiên, ghép điểm trường tại vùng đặc thù thì tổ chức bán trú là rất cần thiết để đảm bảo sĩ số cũng như dạy học 2 buổi/ngày hiệu quả.

Phòng ở bán trú được thầy cô bố trí cho các em để thuận tiện học hành
Phòng ở bán trú được thầy cô bố trí cho các em để thuận tiện học hành

Vừa là thầy cô, vừa là bố mẹ

“Thời gian đầu, em nào cũng khóc, nhất là buổi đêm vì nhớ nhà. Các thầy cô giáo ở lại trực phải động viên dỗ dành để các em đỡ hụt hẫng”, cô Võ Thị Hà, trưởng điểm Văng Lin, Trường Tiểu học Yên Thắng kể. Sau đó, mọi việc dần đi vào quy củ. Đến nay, 24 HS bản Cốc Tạt đều đi học đầy đủ và dần ổn định sinh hoạt. Hình thành được thói quen tốt như ăn sáng trước khi đi học, biết phụ giúp thầy cô dọn dẹp, xếp cất bát đĩa. Có ý thức lên phòng tự học buổi tối…

Cũng theo cô Hà chia sẻ, 24 em HS này được hưởng chế độ 116 gồm tiền bán trú và hỗ trợ gạo. Tuy nhiên, mọi việc từ nấu ăn, chăm sóc, quản lý đều là do 7 giáo viên tại điểm trường tự nguyện thay phiên nhau đảm nhận. Tổng sĩ số HS điểm Văng Lin là 70 em, đều là con em dân tộc Thái. Bản thân các thầy cô còn phải lên lớp, soạn bài, sinh hoạt chuyên môn… Vì thế, lúc nào cũng phải tranh thủ. Cứ trống tiết nào, buổi nào thì sẽ tranh thủ chợ búa, cơm nước, dọn dẹp. Nhưng với tất cả giáo viên ở ngôi trường vùng cao này, vất vả đã là quen, là chuyện thường ngày.

“Hoàn cảnh HS ở Yên Thắng nói chung, đặc biệt là bản Cốc Tạt còn rất khó khăn. Nhiều em bố mẹ đi làm ăn xa, sống với ông bà. Trong đó có những trường hợp HS là con em gia đình chính sách, hộ nghèo… nhưng ông bà không biết làm hồ sơ, thủ tục gì, thầy cô lại phải đến tận nhà để làm thay, không khác gì bố mẹ”, cô Hà nói.

Vừa qua, dịp Tết Trung thu, các thầy cô tại điểm trường Văng Lin cũng tổ chức cho các em một đêm rước đèn vui vầy, ấm cúng với những chiếc đèn ông sao bằng giấy bìa và đèn lồng từ lon bia. Nhưng tất cả rất háo hức, say mê. Đó cũng là một trong những điều nhỏ nhưng để những đứa trẻ xa nhà thấy được quan tâm, vỗ về yêu thương, mà vui vẻ ở trường đi học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ