Công phu chuyện nuôi dạy học sinh bán trú

GD&TĐ - Ấn tượng của nhiều đoàn khách khi đến trường vùng khó - PTDTBT Tiểu học An Lương (huyện Văn Chấn, Yên Bái) là mặc dù khó khăn bộn bề nhưng mọi hạng mục, đồ dùng phục vụ sinh hoạt bán trú cho học sinh rất đầy đủ. Và nhất là nền nếp sinh hoạt bán trú được trẻ ở đây tự giác thực hiện răm rắp. Cuối mỗi buổi học, theo phân công của phòng ở bán trú, các em đều ra vườn nhổ cỏ, cuốc đất trồng rau để có thêm rau xanh cải thiện chất lượng bữa ăn bán trú.

Nụ cười của trẻ sau giờ tăng gia tại vườn trường
Nụ cười của trẻ sau giờ tăng gia tại vườn trường

Nỗ lực nâng cao chất lượng nuôi dưỡng học sinh bán trú

Những công việc này thường do những học sinh lớp 4, 5 đảm nhiệm. Các em bé hơn thường phụ giúp và quan sát cách thức trồng rau mà các anh chị đang làm. Thầy Nguyễn Quang Diện - Hiệu trưởng tự hào khoe: Nhà trường có gần 2.000 mét vuông vườn trường để các em tăng gia; ngoài ra các thầy còn góp sức xây được khu chăn nuôi, để tận dụng cơm, canh thừa trong bữa ăn của trẻ.

Thường xuyên có trên dưới 10 con lợn được nuôi trong chuồng với sản lượng trên dưới 8 tạ lợn hơi/năm. Ngay như đợt lũ tháng 8 vừa qua, việc vận chuyển thực phẩm rất khó khăn, nếu không có đàn lợn của trường nuôi tăng gia thì khó có thể duy trì bữa ăn bán trú cho học sinh trong trường.

Nhìn em Giàng Thị Cống, học sinh lớp 4, người dân tộc Mông ở bản Suối Dầm đang nhổ những cây cỏ thoăn thoắt có thể thấy được em đã rất quen với việc chăm sóc vườn rau. Em cho biết, em rất thích đến trường vì có nhiều bạn chơi, các cô giáo ở trường rất yêu trẻ, thương trẻ. Khi lớn lên em cũng ước mơ được làm cô giáo.

Cuốc đất ở luống rau bên cạnh là em Giàng Anh Thắng, học sinh lớp 5, cũng ở bản Suối Dầm, cách trường khoảng 6 kilomet: Thắng hồn nhiên chia sẻ: Vào thứ Sáu cuối tuần nào em cũng cùng với một nhóm bạn đi bộ về nhà. Hôm Chủ nhật lại từ nhà đi bộ đến trường từ rất sớm vì em rất thích đi học, thích được ở trong trường do cơm ở đây ăn rất ngon.

Giáo viên chăm lo bữa ăn bán trú cho học sinh
  • Giáo viên chăm lo bữa ăn bán trú cho học sinh

Theo thầy Diện thì trẻ học trong trường được một thời gian thường béo và trắng, lớn phổng phao hơn do các em được chăm sóc tốt, ăn nghỉ có giờ giấc. Thực phẩm thường là thực phẩm tươi nên đảm bảo vệ sinh ATTP. Thường thì bếp ăn bán trú phải nấu dư nhiều suất cơm để nhiều trẻ ăn ngon miệng.

Học sinh bán trú cấp tiểu học hiện nay được hưởng chế độ ăn bán trú theo Nghị định số 116 của Thủ tướng Chính phủ với mức hỗ trợ mỗi học sinh bằng 40% lương tối thiểu hiện hành (556 nghìn đồng/tháng) và được hỗ trợ 15 kg gạo/tháng; Những em có hoàn cảnh gia đình thuộc hộ nghèo được trợ cấp thêm mỗi tháng 100 nghìn đồng. Nói chung là với học sinh bán trú tiểu học thì với mức hỗ trợ như vậy là đủ ăn. Hiện trường đang nấu ngày 3 bữa ăn cho học sinh với thực đơn phong phú, có thịt lợn, thịt gà, cá, trứng đổi món, rau xanh.

Tuy nhiên, thầy Diện cho biết: Tiền hỗ trợ bán trú đến thường được cấp muộn so với năm học, cuối năm dương lịch kinh phí hỗ trợ mới được giải ngân nên nhà trường phải mất mấy tháng mua chịu tiền thực phẩm để nấu ăn cho các em. Riêng gạo được cấp năm hai lần đảm bảo kịp thời và chất lượng gạo cũng rất ổn đối với việc nấu ăn cho trẻ.

Về đồ dùng bán trú, cho đến năm nay trường được trang cấp khá đầy đủ. Nhưng những công trình phụ như nước sạch, công trình vệ sinh bếp ăn, nhà ăn bán trú chưa được đầu tư xây dựng, giáo viên và người dân phải góp sức dựng tạm để đảm bảo đời sống bán trú của học sinh đủ những điều kiện tối thiếu.

Để công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ được kịp thời, trường có nhân viên y tế trực 24/24 giờ nhằm kịp thời khám chữa bệnh những bệnh thông thường cho học sinh, cấp phát thuốc và đảm bảo công tác dịch tễ trong trường học với điều kiện tối thiểu.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học An Lương chăm sóc vườn rau trong khuôn viên nhà trường
  • Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học An Lương chăm sóc vườn rau trong khuôn viên nhà trường

Chất lượng giáo dục được nâng lên hàng năm

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quang Diện cho biết: Những năm gần đây, triển khai PPDH lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường triển khai đồng bộ ở tất cả các khối lớp học. Bằng nhiều biện pháp, các tổ chuyên môn đã phân hóa đối tượng học sinh trong mỗi lớp, chia tổ để dạy học hiệu quả. Những học sinh năng lực tốt, giáo viên chủ nhiệm ra dạng bài tập phù hợp để các em tiến bộ hơn. Những em có năng lực khá hay trung bình, các cô đều đưa ra những dạng bài tập, yêu cầu phù hợp với các em.

Quá trình kiểm tra đánh giá cũng thường xuyên được giáo viên quan tâm, không chỉ ở trên lớp, mà còn ở những quan sát việc làm hàng ngày của các em để thấy được sự tiến bộ của từng em. Với cái tâm của thầy, cô giáo như người mẹ, người cha, ngày ngày chăm sóc trẻ bán trú ở trường, các thầy, cô nhận thấy được sự tiến bộ của từng em học sinh để có những cách đánh giá, động viên các em tiến bộ, tự tin hơn.

Về trang thiết bị, đồ dùng dạy học, thầy Diện cho biết: Hiện nay nhà trường còn thiếu nhiều đồ dùng học tập, tranh ảnh, thiết bị giảng dạy tối thiểu hầu hết là hỏng, rách chưa được mua sắm bổ sung. Quá trình giảng dạy các thầy cô phải tự làm những đồ dùng giản đơn để cho tiết dạy sinh động.

Đầu năm học do phụ huynh học sinh đa phần là hộ nghèo, hộ người dân tộc thiếu số nên việc học của của em không được phụ huynh quan tâm nhiều. Lúc khai giảng, phụ huynh đưa học sinh xuống trường là tốt lắm rồi, chứ đừng mong họ biết mua phấn, bảng cho các em. Nhiều phụ huynh đưa con xuống trường mà đi người không, không chuẩn bị sách vở gì ngoài mấy bộ quần áo cho các con. Hàng năm cứ đầu năm trường lại phải mua bảng viết, phấn viết cho học sinh lớp 1…

Tuy còn nhiều khó khăn cả về đời sống sinh hoạt bán trú và điều kiện công tác giảng – dạy nhưng tập thể sư phạm nhà trường nêu cao quyết tâm, động viên nhau vượt qua. Chính vì vậy, chất lượng giáo dục toàn diện năm sau cao hơn năm trước. Năm học 2017 – 2018, có gần 100 học sinh hoàn thành tốt xếp loại học tập (đạt 22%), 334 đạt mức hoàn thành (trên 76%). Có 134 học sinh được khen thưởng cuối năm…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.