Việc công khai thực đơn hằng ngày cho phụ huynh, học sinh thậm chí giá cả của thực phẩm, mời phụ huynh tham gia khảo sát, kiểm tra đột xuất nơi cung cấp thực phẩm, suất ăn công nghiệp… đang được nhiều trường thực hiện, tạo sự yên tâm cho phụ huynh khi gửi con theo học.
Những bếp ăn… “chuẩn không cần chỉnh”
Từ đầu năm học 2014 - 2015, Trường Tiểu học Trưng Trắc (quận 11) đã đưa vào sử dụng mô hình bếp ăn một chiều với trang thiết bị hiện đại tương tự như bếp ăn trường học ở các nước tiên tiến trên thế giới. Đây là bếp ăn được tài trợ với hơn 1,3 tỷ đồng.
Với mô hình bếp ăn một chiều hiện đại, từ việc sử dụng 9 bếp nấu giảm xuống còn 4 bếp nấu đa năng phục vụ cho hơn 1.300 suất ăn trưa của HS và ăn xế. Thực đơn của các em được lựa chọn các món ăn từ phần mềm bộ thực đơn cân bằng dinh dưỡng do Công ty Ajinomotor cung cấp với sự tư vấn về dinh dưỡng của Viện dinh dưỡng quốc gia với 120 thực đơn, 360 món ăn ngon miệng, cân bằng dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với 3 miền.
Liên quan đến thực phẩm, trường hợp tác với các công ty cung cấp nguyên vật liệu có uy tín, có đầy đủ các loại giấy tờ pháp lý, hợp đồng, chứng minh nguồn gốc thực phẩm rõ ràng như: Sữa Vinamilk, bánh flan Ánh Hồng, bánh ngọt ABC, thịt heo Tâm Tiến Phát, các loại thịt cá cũng mua ở những cửa hàng tươi ngon.
Theo thầy Lê Hoàng Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Đào Duy Anh (quận 6) cho biết: Với đặc thù nhận HS nội trú và bán trú, nhận biết được tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng hàng ngày đối với các em học sinh đang trong giai đoạn phát triển thể chất, nhà trường đã có những đầu tư nhất định về cơ sở vật chất và nhân lực phục vụ cho bếp ăn hàng ngày. Bếp ăn của nhà trường chia theo từng khu vực, khu vực tập kết thực phẩm tươi sống, nguyên liệu, khu vực sơ chế, khu vực nấu, chế biến, khu vực bảo quản thức ăn đã chế biến xong.
Giáo dục học sinh qua từng bữa ăn
Bên cạnh đảm bảo cho HS có bữa ăn dinh dưỡng, an toàn, với các trường tổ chức bán trú, nội trú cho HS, thông qua bữa ăn cũng là nơi để các nhân viên, bảo mẫu giáo dục các em kỹ năng tự phục vụ, hình thành thói quen xếp hàng, tiết kiệm…
Tại Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) có khoảng 500 HS học bán trú, nhà trường luôn dành sự quan tâm để HS có bữa ăn an toàn, đảm bảo dinh dưỡng. Đầu năm học trường khảo sát rất kĩ đơn vị cung cấp bữa ăn cho HS với sự tham gia của nhân viên bảo mẫu, ban giám hiệu, công đoàn, phụ huynh HS... Theo cô Lê Thị Thục Quy, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), do nhà trường sử dụng suất ăn công nghiệp, bữa ăn các em sẽ được bày sẵn với một món xào, 1 món mặn, 1 món canh, tráng miệng. Vì vậy, đầu năm học này, trường yêu cầu đơn vị cung cấp bữa ăn nấu 3 món mặn, 2 món xào để cho HS có sự lựa chọn.
Bữa ăn của HS nhiều trường tiểu học trên địa bàn như Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), Trường TH Trưng Trắc, TH Nguyễn Văn Trỗi (quận 4), TH Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh)… cũng diễn ra tương tự, những HS khối 5, khối 4 sẽ phụ nhân viên bảo mẫu dọn bàn ăn, sắp ghế… Đến giờ, các em HS được rèn luyện các kỹ năng xếp hàng, tự lấy thức ăn, cơm và chuẩn bị muỗng, đũa cho mình. Kết thúc bữa ăn, chén, muỗng, đũa sau khi sử dụng được các em phân loại ra theo từng thùng để tiện cho các nhân viên phục vụ mang tới khu vệ sinh để rửa sạch.
Theo cô Phan Thị Ngọc Thắm, Hiệu trưởng Trường TH Bình Quới (quận Thủ Đức), bữa ăn dinh dưỡng, an toàn cho HS luôn được các trường chú trọng, quan tâm và trường cũng thông qua bữa ăn bán trú giáo dục hình thành cho các em các kỹ năng cơ bản để các em có thể phục vụ được bản thân, hình thành thói quen xếp hàng, thậm chí cả sự kiên nhẫn, chờ đợi… và về nhà có thể phụ giúp ba mẹ chuẩn bị bữa ăn.