Khó vì thiếu phòng ăn, bếp nấu
Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đóng vai trò tích cực, giúp trẻ có thêm thời lượng học tập, nâng cao kĩ năng trao đổi vấn đề xung quanh với thầy cô, cải thiện kĩ năng tương tác kiến thức với bạn bè. Trong đó, việc ăn hoặc không ăn bán trú tại trường sẽ ảnh hưởng đến thời gian chuyển buổi của các em. Tổ chức ăn bán trú sẽ thuận tiện hơn cho HS và phụ huynh, đặc biệt phụ huynh là cán bộ viên chức hoặc lao động làm việc thời gian cố định.
Tuy nhiên, việc ăn bán trú hiện nay chỉ tổ chức được khi phụ huynh có nhu cầu, trường có bếp ăn tại chỗ. Nhất là phụ huynh ở những trung tâm đô thị không tranh thủ được thời gian đưa rước con em nên thường chọn cho học bán trú tại trường. Tùy theo tình hình các trường sẽ mở bếp ăn cấp dưỡng khẩu phần cho HS. Trên thực tế thì số lượng trường có tổ chức bán trú cho HS tiểu học hiện nay trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng khá ít ỏi, thậm chí chỉ khả thi ở các khu vực thành phố, thị xã, thị trấn.
Theo ông Trần Văn Nghiệp - Phó trưởng Phòng GD Tiểu học (Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng): Các trường tổ chức ăn bán trú cho HS tập trung chủ yếu ở thành phố, thị xã. Đến thời điểm này có khoảng 7 trường trên toàn tỉnh cho trẻ ăn bán trú. Trong đó có một nửa số trường không tổ chức nấu ăn vì không bố trí được bếp ăn. Giải pháp là các trường sẽ hợp đồng với nhà cung cấp thực phẩm đem đến cho HS. Tổ chức cho trẻ ăn bán trú hiện nay là cần thiết. Trẻ ăn trưa ngay sau giờ học buổi sáng, từ đó các em sẽ có nhiều thời gian nghỉ ngơi buổi trưa để chuẩn bị tốt cho việc học buổi chiều.
Tổ chức ăn bán trú sẽ thuận tiện hơn cho HS và phụ huynh. Ảnh minh hoạ Internet |
Tổ chức bếp ăn vệ tinh từ trường mầm non
Gặp khó vì hạn chế về điều kiện trường lớp, việc mở bếp ăn bán trú còn nhiều trở ngại trong khi nhu cầu ăn bán trú của HS ngày càng tăng. Nhất là khu vực thị trấn, các trường có đông HS là con của đối tượng cán bộ, công nhân viên chức. Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) linh hoạt từ những khó khăn để triển khai bữa ăn bán trú cho HS tiểu học ở khối lớp 1 từ năm học 2018 - 2019, dưới hình thức bếp ăn vệ tinh từ trường mầm non.
Theo đó, bếp ăn mầm non được dùng nấu kiêm luôn cho cấp tiểu học. Hoạt động có sự thay đổi, nhân viên cấp dưỡng được tăng cường để phụ trách nấu cho trẻ tiểu học, hợp đồng với các đơn vị cung cấp thực phẩm sạch. Khẩu phần ăn của 2 đối tượng trẻ được chuẩn bị riêng biệt. Sau đó, nhân viên sẽ dùng đồ đựng chuyên dụng đưa thức ăn qua trường tiểu học, rồi phân chia ra khay cho các em...
Cô Võ Thị Hồng Cẩm - Hiệu trưởng Trường TH Hoa Lư (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), bày tỏ: “Mô hình bếp ăn vệ tinh nhận được sự nhất trí cao của phụ huynh, các em đã quen với môi trường bán trú mầm non nên bước vào cấp tiểu học các em thích nghi rất tốt. Thực phẩm tại bếp ăn được đảm bảo, thực đơn thay đổi hàng ngày đảm bảo dinh dưỡng theo lứa tuổi của trẻ. Mỗi bữa ăn giáo viên chủ nhiệm phân công tổ/nhóm HS xếp ghế, xếp khay ăn, dọn muỗng… Qua đó nâng cao kĩ năng sống, kĩ năng tự phục vụ, các em có ý thức trách nhiệm với bản thân và bạn bè”.
Ông Châu Minh Thoại - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), trao đổi: “Ngành GD xác định xây dựng kế hoạch tăng cường dạy học 2 buổi/ngày những trường có lớp bán trú từ năm học từ 2018 - 2019; tổ chức lớp 1 bán trú của một số trường tiểu học. Trước mắt, cơ sở vật chất trường chuẩn quốc gia đảm bảo, tuy nhiên khó khăn về bếp ăn bán trú, phòng ăn, phòng ngủ. Sau 2 tuần bán trú đến hiện tại, quy trình thực hiện đảm bảo khép kín. Việc thực hiện tuân thủ đúng quy trình, dưới sự theo dõi giám sát trường tiểu học, phụ huynh rất an tâm. Sử dụng bếp ăn vệ tinh, công tác dạy và học bán trú, ăn ngủ nghỉ của các em đi vào ổn định”.
Đây là năm đầu tiên Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) tiến hành dạy học bán trú 3 trường tiểu học trên địa bàn huyện. Những trường triển khai có vị trí ở trung tâm thị trấn và trung tâm xã. Qua khảo sát phụ huynh thật sự có nhu cầu cho con em học bán trú; phần lớn phụ huynh là cán bộ công chức có nhu cầu gửi để có thời gian làm việc. Lộ trình thực hiện ở các lớp 1 của 3 trường, mỗi trường khoảng 3 lớp; ngành GD cũng xem xét mở rộng tổ chức cho các khối lớp khác…