Cầu cống trên đường bị lũ cuốn trôi nên muốn vào được đây, các thầy cô giáo phải đi bộ gần chục kilomet để gùi thực phẩm, đồ ăn cho học sinh bán trú tại trường… Khó khăn là thế nhưng tập thể sư phạm nhà trường nhiều năm nay đã không ngừng nỗ lực để nuôi - dạy, rèn kỹ năng sống cho học sinh DTTS.
Những vất vả lo toan cho học sinh bán trú
Không còn nước lũ, trong điều kiện tạnh ráo nhưng vượt qua 27 kilomet đường đất, vào được đến Trường An Lương chúng tôi cũng mất hơn một tiếng đồng hồ đi nhờ xe máy của các thầy giáo. Đến nơi thì đã xế chiều, đang là giờ chăm sóc vườn rau tăng gia của học sinh trong vườn trường. HS ở đây khá là rụt rè, không bắt chuyện với người lạ mà chỉ mở to đôi mắt đen láy nhìn không chớp và nép vào sau lưng những học sinh lớp lớn.
Thầy Nguyễn Quang Diện – Hiệu trưởng cho biết: Học sinh của trường 98% là người dân tộc, các em khá nhút nhát khi tiếp xúc với khách. Hiện trường có tổng số 436 học sinh, trong đó có đến 304 em ở bán trú tại trường. Các em đều là người các dân tộc Mông, Thái, Dao, Tày, Mường, Ráy ở trong vùng.
Do còn nhỏ nên dạy học sinh lớp 1 là vất vả nhất vì trẻ mới ở thôn, bản đưa xuống chưa nói sõi tiếng phổ thông; Xa nhà, ở bán trú trong trường nên các trẻ phải tự làm vệ sinh cá nhân cũng như nhiều việc cá nhân khác như tắm, rửa, gấp quần áo, giặt giũ, đánh răng, rửa mặt… các em làm còn rất ngượng ngùng, chưa tự giác. Khi đón trẻ vào ở bán trú, các thầy cô giáo chủ nhiệm và các học sinh lớp 4, 5 phải hướng dẫn các em.
Nhiều phụ huynh cũng lo lắng cho con nên đến thăm các em thường xuyên, giúp các em tắm rửa, dọn dẹp đồ dùng trong phòng ở bán trú. Tuy nhiên thường là các thầy cô thấy trẻ tắm rửa không đảm bảo sạch sẽ thì một tuần một lần, các thầy cô lại tắm rửa cho các em cho được sạch sẽ. Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, các thầy cô ở đây phải phân công trực bán trú để đảm bảo chăm sóc đời sống sinh hoạt cho trẻ được chu đáo nhất.
|
Dạy song song tiếng Kinh và tiếng dân tộc
Tại Trường PTDTBT Tiểu học An Lương có đến 40% thầy, cô giáo biết tiếng dân tộc thiểu số. Ở trên lớp, trong quá trình giảng dạy giáo viên sử dụng phương pháp song ngữ, dạy song song cả tiếng Kinh và tiếng dân tộc; đoạn nào diễn đạt mà trẻ không hiểu được phải “phiên âm” bằng tiếng dân tộc cho các em mới hiểu được nghĩa của từ. “Có nhiều thầy, cô giáo nói tiếng Mông rất giỏi, có thầy cô được đi học lớp tiếng Mông, tiếng Dao do ngành Giáo dục mở ra để giảng dạy học sinh DTTS” - thầy Diện chia sẻ.
Để theo sát được tiến bộ của học sinh, trường thực hiện nhiều phương pháp như thăm lớp dự giờ, khảo sát chất lượng học sinh. Thường xuyên áp dụng những phương pháp trên lớp như sau mỗi bài học về âm, vần, có bài nghiệm thu để xem bao nhiêu trẻ hoàn thành. Nếu trẻ nào chưa đọc được phần âm thì buổi chiều, buổi tối các thầy, cô giáo kèm thêm, bồi dưỡng cho các em.
Buổi tối cứ 20 giờ, trước khi đi ngủ, trẻ tự học ở trong khu nhà ở bán trú, có thầy cô giáo theo kèm các em. Đây là các thầy cô giáo trực bán trú, mỗi phòng một người trực, nhắc nhở các em học hành đúng giờ. Sau một giờ tự học, đến 21 giờ đêm, học sinh bắt đầu đi ngủ, thầy cô trực bán trú lúc ấy mới đi kiểm tra, nhắc các trẻ cất sách vở vào nơi quy định, mắc màn tránh muỗi, nhắc các em đi tiểu trước khi đi ngủ.
|
Buổi sinh hoạt bán trú đầy hào hứng
Một buổi tối thứ Năm, thầy hiệu trưởng mời khách xuống sân trường để dự buổi sinh hoạt bán trú với học sinh. Thầy cho biết: Để khắc phục nhược điểm ngại giao tiếp của học sinh, các thầy cô phải tổ chức nhiều cuộc thi trong các buổi sinh hoạt bán trú, thi kể chuyện, thi hát dân ca, thi các trò chơi dân gian, thi đá cầu, để các em giao tiếp cởi mở, mạnh dạn hơn và cũng là để phong trào văn, thể trong trường đi vào nền nếp.
Hàng tuần, cứ vào buổi sinh hoạt bán trú vào lúc 19 giờ 30, học sinh sau khi tắm rửa sạch sẽ, ăn cơm tối xong ai về phòng nấy, náo nức chọn bộ quần áo đẹp nhất để mặc, tập trung tại sân trường. Một hồi trống vang lên báo hiệu bắt đầu buổi sinh hoạt bán trú. Học sinh từ lớp 1 - 5 xếp hàng theo các lớp.
Tại đây, thầy Nông Đức Lợi - Phó Hiệu trưởng phụ trách đời sống tổng kết lại những hoạt động giáo dục trong tuần, những việc các lớp đã làm được trong sinh hoạt bán trú. Thầy biểu dương các phòng ở bán trú thực hiện tốt nội quy, biểu dương những học sinh có nhiều cố gắng, một bạn nhặt được tiền rơi đem nộp lại cho thầy giáo để trả lại người mất cũng được biểu dương tại buổi sinh hoạt.
Trong buổi sinh hoạt, nhiều tiết mục văn nghệ được học sinh dàn dựng, biểu diễn. Ấn tượng nhất là các em mặc trang phục dân tộc nhảy dân vũ, điệu “Xòe hoa” đều tăm tắp. Rồi đến phần vui chơi, mỗi buổi một vài trò chơi khiến cho sân trường sôi động hẳn lên vì những tiếng cổ vũ, reo hò trong trẻo của trẻ.
Cô Hà Thị Huyền – giáo viên Âm nhạc cho biết, trẻ lớn lên ở bản, đã quen với những trò chơi của dân bản, quen với những làn điệu dân ca của bản làng rồi. Khi đến trường, gặp những trò chơi, làn điệu như thế là các em hòa nhập nhanh lắm. Chính các em là những người chơi, và cũng là những người cổ vũ nồng nhiệt nhất.
Kỳ 2: Những tấm gương thầy, cô hết lòng với học sinh bán trú