Nỗ lực xây dựng THHP
Cô giáo Đỗ Huyền Trang – GV Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết: Việc xây dựng THHP không khó khăn với mỗi thầy cô giáo tại trường Tiểu học Phan Đình Giót bởi cô và đồng nghiệp luôn nhận được sự định hướng, khuyến khích từ BGH nhà trường trong vấn đề này.
Cụ thể như BGH luôn tôn trọng sự sáng tạo, giao quyền chủ động cho GV, xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, lấy HS làm trung tâm… để GV dám đổi mới, hỗ trợ lẫn nhau, không chạy theo thành tích.
GV cũng luôn nhận được sự động viên, truyền cảm hứng từ BGH để mỗi người cố gắng tối đa đáp ứng mong mỏi của xã hội và ngành giáo dục trong quá trình đổi mới...
Cô Đỗ Huyền Trang cũng cho rằng, nói tới THHP là nói tới sự tận tâm, nỗ lực, hết lòng vì học trò, lấy học trò làm trung tâm của mọi đổi mới giáo dục của thầy cô, nhà trường. Vì vậy, bản thân cô và những đồng nghiệp đã cùng thay đổi bản thân rất nhiều để cùng kiến tạo môi trường giáo dục hạnh phúc.
Các cô giáo đã cười nhiều hơn với HS để tạo một bầu không khí thân thiện, vui vẻ trong giờ học. Việc làm này tưởng như đơn giản nhưng không phải GV nào cũng làm được bởi không phải ai cũng biết cách quản lý cảm xúc của mình, không phải ai cũng có tính hài hước… Tuy nhiên, GV sẽ làm được nếu có tâm với nghề, biết yêu thương HS như chính con mình.
Cô Trang chia sẻ: Tôi chào đón HS của mình từ cổng trường với nụ cười tươi, cái bắt tay, cái ôm thật thân thiện… điều đó khiến HS cảm thấy được chào đón, được thấy mình là một phần của trường, lớp.
Vào các giờ ra chơi, tôi tham gia trò chuyện, tâm sự với các con, tạo sự gần gũi, thoải mái, xoá bỏ đi bức tường ngăn cách giữa cô và trò. Tôi chủ động lồng ghép sự hài hước vào lớp học bằng lời nói, biểu cảm, hành động của GV...
Tôi thường hướng dẫn nhẹ nhàng khi HS làm sai, giữ bình tĩnh khi HS mắc lỗi, không phê bình nặng lời, gay gắt trước mặt người khác. Khích lệ, khen thưởng các em nhiều hơn trong học tập.
Một kinh nghiệm khác mà cô Trang chia sẻ để HS thấy hạnh phúc khi tới trường học tập đó là thường xuyên dùng công thức “khen” trước “chê” sau. Nghĩa là, dù tệ đến đâu cũng cố gắng tìm ra vài điểm tích cực của học trò để khen.
Ngoài ra luôn quan tâm tạo không gian lớp học thân thiện. Thiết kế các góc “xanh” giúp GV và HS thư giãn sau những giờ học căng thẳng...
Cô Trang khẳng định: Môi trường giáo dục lý tưởng là GV thường xuyên sử dụng biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực; bao dung với học trò; duy trì bầu không khí học tập, lao động ấm áp và thân thiện;
Mọi thành viên trong lớp học được yêu thương, được tôn trọng, được hiểu, được có giá trị và được đảm bảo an toàn. HS được quan tâm, được bày tỏ và được đáp ứng mong muốn, nguyện vọng về vui chơi, học tập.
Mặt khác với ý thức, một lớp học hạnh phúc được xây dựng chủ yếu dựa trên các mối quan hệ tích cực nên trong mỗi giờ học, cô Trang đã thực hiện những việc làm như: Vào đầu tiết học cho HS khởi động các động tác thể dục, hát một bài hát, chơi trò chơi… để kích thích cảm xúc tích cực trong HS, từ đó giúp HS hứng thú học tập, thu nhận kiến thức dễ dàng.
Cô Trang cũng đã mang kĩ nắng sống gần gũi hàng ngày, lồng ghép những hoạt động trải nghiệm trong mỗi giờ học của HS. Từ đó giúp HS được thực hành nhiều hơn, tiếp nhận kiến thức tự nhiên và thực tế hơn…
Với cô Đỗ Huyền Trang, mỗi giờ lên lớp phải là là một sự đổi mới. Do đó việc đổi mới phương pháp dạy học luôn được chú trọng, trong từng tiết học. HS được phát huy tối đa vai trò chủ động, sáng tạo việc hình thành và tiếp nhận kiến thức mới cũng như vận dụng vào thực tiễn. Mọi đối tượng HS đều được quan tâm và ghi nhận kết quả, sự tiến bộ trong từng giờ học dù nhỏ nhất…
Trường học hạnh phúc tác động tích cực tới dạy và học
Cô Đỗ Huyền Trang cho rằng việc triển khai THHP đã mang lại sự thay đổi, khác biệt tích cực đối với GV và HS trường Tiểu học Phan Đình Giót trong thời gian qua.
Cụ thể, với GV được tới trường trong tâm thế thoải mái sẽ thỏa sức sáng tạo, mạnh dạn đề xuất ý tưởng mới với BGH. Đặc biệt khi được cống hiến trong một ngôi trường hạnh phúc GV có thêm động lực, tự tin để áp dụng những phương pháp giảng dạy mới. Mỗi giờ học đều không ngừng sáng tạo, gợi mởi giúp HS học tập hiệu quả.
Đặc biệt, khi BGH nhà trường không tạo áp lực, luôn đồng hành cùng GV trong công việc sẽ đem lại cho GV sự tự tin, tận tình với mọi công việc. Giúp GV thêm năng động, yêu nghề, gần gũi với học trò trong từng tiết học, giúp các em phát huy hết năng lực, phẩm chất tích cực nhất từ bản thân…
Đối với HS, các em trở nên mạnh dạn, sáng tạo trong mỗi hoạt động học tập vui chơi; Hơn nữa khi được thầy cô đồng hành, thấu hiếu và sẻ chia HS sẽ hình thành tình cảm tốt đẹp, khăng khít với thầy cô bạn bè, cảm nhận hạnh phúc, thích thú mỗi khi tới trường…
"Xây dựng THHP mang lại hiệu quả lớn trong việc thay đổi môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng dạy học. Mỗi GV khi đến trường cảm thấy không có áp lực, ngập tràn hứng khởi… từ đó tạo nên năng suất lao động cao nhất. Từ xây dựng THHP tại Trường Tiểu học Phan Đình Giót đã khơi dậy được rất nhiều GV tài năng, nhiệt tình và sáng tạo trong hoạt động giáo dục..." - cô giáo Đỗ Huyền Trang.