Trường học hạnh phúc: Niềm vui nhân lên, nỗi buồn san sẻ

GD&TĐ - Trường học hạnh phúc là khi mỗi học sinh cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương từ thầy cô, bạn bè với niềm vui được nhân lên và nỗi buồn được san sẻ.

TS Nguyễn Văn Hòa và các học trò của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm
TS Nguyễn Văn Hòa và các học trò của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm

"Kế sách" linh hoạt

“Thay vì la mắng, dọa dẫm, tôi cho học sinh được sai lầm, được nói ra cảm xúc, quan điểm của mình trong mỗi nội dung bài học và những liên hệ cuộc sống. Điều đó sẽ giúp các em tiếp thu tốt hơn, tự tin và hòa đồng hơn. Từ đó, rèn luyện ý thức và khả năng tập trung từ chính nhận thức của bản thân mỗi học sinh” cô Huyền chia sẻ.

Là giáo viên dạy Giáo dục công dân, cô giáo Nguyễn Thị Huyền – Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) tự nhủ, ngoài việc truyền thụ tri thức, cô luôn tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của học trò, để các em không chỉ tiếp thu được kiến thức mà còn cảm thấy hạnh phúc trong mỗi giờ học.

“Tiết học hạnh phúc là tiết học khiến cả cô và trò đều có cảm giác hứng thú, có niềm vui, sự mong chờ và những rung cảm. Khác với tiết học truyền thống, tiết học hạnh phúc không áp đặt phát triển theo khuôn mẫu mà đóng vai trò định hướng để học sinh được làm những gì mình yêu thích và say mê.

Ở đó, học sinh không học theo kiểu nhồi nhét mà được học những gì có ý nghĩa với các em, được khơi gợi niềm yêu thích để tiếp tục tự tìm hiểu. Các môn học được biến hóa thành bài học thú vị qua những trò chơi, trải nghiệm” – cô Huyền cho biết, đồng thời nhấn mạnh: Tôn trọng cảm xúc là một trong những yếu tố tạo nên tiết học hạnh phúc.

Theo cô Huyền, dù ở lứa tuổi nào, học sinh cũng có những hỉ nộ ái ố như người lớn. Học sinh sẽ yêu thích việc đến trường nếu như ở đó các em được lên tiếng và được lắng nghe một cách tôn trọng.

Những tiết học hạnh phúc đã quay trở lại với thầy – trò Trường THPT Hoàng Cầu.

Những tiết học hạnh phúc đã quay trở lại với thầy – trò Trường THPT Hoàng Cầu.

Từ thực tế, cô Huyền nhận thấy, giờ học hạnh phúc sẽ giúp giáo viên và học sinh hình thành cũng như duy trì các trạng thái cảm xúc tích cực. Mỗi tiết học hạnh phúc sẽ tạo nên một môi trường học đường mà ai tham gia cũng cảm thấy hạnh phúc. Được tham gia vào các tiết học hạnh phúc, mỗi cá nhân sẽ thiết lập được tình cảm lành mạnh, góp phần phát triển nhân cách tốt đẹp.

Vì thế, trong mỗi tiết học, cô luôn tìm ra "kế sách" linh hoạt để làm mềm hóa không khí, quan hệ thầy trò, để học trò đứng về phía mình, cùng với mình tích cực giải quyết các nội dung bài học mà không áp lực.

Nhớ câu chuyện khi cô nhận thấy học trò của mình có điều gì đó không ổn, cô Huyền kể: Khi ấy, tôi có nói: "Cô muốn tìm một cách nào đó phù hợp, em có cách nào để giúp cô hiểu và làm gì đó tốt hơn cho em không?" Em ấy đã khóc và nói với tôi về hoàn cảnh của mình.

Những thông tin em nói làm tôi bất ngờ. Tôi không nghĩ trong hoàn cảnh khó khăn đó mà em vẫn cố gắng trụ được và học tập tốt. Thế mới nói, cách giáo viên và học sinh hiểu nhau, tương tác với nhau cũng không quá khó nếu mình tin vào cách làm đúng là: lắng nghe để thấu hiểu” – cô Huyền bày tỏ.

TS Ngô Xuân Hiếu và thầy cô giáo tham gia Chương trình tập huấn Kiến tạo ngôi trường hạnh phúc tại trường THCS Đại Mỗ. Ảnh tư liệu
TS Ngô Xuân Hiếu và thầy cô giáo tham gia Chương trình tập huấn Kiến tạo ngôi trường hạnh phúc tại trường THCS Đại Mỗ. Ảnh tư liệu

Hạnh phúc đến từ những điều giản dị

TS Ngô Xuân Hiếu - Phó Trưởng bộ môn Quản lý Giáo dục, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội – nhìn nhận: Hạnh phúc với người học đôi khi rất giản dị, một lời hỏi thăm, nhắn nhủ, động viên; một lời phê, nhận xét chính xác, chân tình; một giờ giảng hay, hấp dẫn; một phong cách giản dị, trong sáng, mực thước với trí tuệ uyên bác của thầy cô đều để lại những ấn tượng, hình ảnh đẹp sẽ theo người học suốt cuộc đời.

Hạnh phúc còn là khi nỗ lực, cố gắng của người học được đền đáp, ghi nhận qua những điểm số chính xác, bằng những phần thưởng nho nhỏ động viên; là sự chân thành, hồn nhiên, trong sáng của tình bạn… “Giáo viên tôn trọng học sinh, yêu nghề, biết lắng nghe, biết cống hiến… còn học sinh  yêu trường, yêu lớp, quý mến cô… thì tiết học đó chắc chắn sẽ hạnh phúc” - TS Ngô Xuân Hiếu trao đổi.

TS Nguyễn Văn Hòa - Người sáng lập, Chủ tịch HĐQT  Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) – nhấn mạnh, nói hạnh phúc không phải là đến trường để vui chơi thoải mái. Hạnh phúc phải là tạo cho học sinh hứng thú khi học tập, tham gia các hoạt động. Khi đó, bản thân các em tự giác tham gia, tự chủ trong việc học và các hoạt động. Học sinh sẽ không bị áp lực, kết quả học tập, rèn luyện sẽ tốt hơn.

“Kỷ luật áp lực, áp đặt, hà khắc thì chỉ nhận được sự phản ứng đối phó, kỷ luật đó không vững chắc. Trường học hạnh phúc là thực hiện kỷ luật tự giác, tự thân” - TS Nguyễn Văn Hòa nói.

Trường học hạnh phúc là thực hiện kỷ luật tự giác, tự thân.
Trường học hạnh phúc là thực hiện kỷ luật tự giác, tự thân.

Viện dẫn, Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm là trường có nền nếp, kỷ luật tốt bởi; TS Nguyễn Văn Hòa cho hay: điều này do chính học sinh xây dựng. Các em muốn hạnh phúc phải xây dựng lớp học của mình một cách tốt nhất, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng. Trong không khí thân thiện, an toàn, học sinh thực hiện tốt nền nếp của nhà trường. Các em học ra học, chơi ra chơi.

“Chúng tôi coi việc xây dựng trường học hạnh phúc, giờ học hạnh phúc, học sinh hạnh phúc là nền tảng để có được nền nếp, kỷ cương và chất lượng giáo dục. Nếu chúng ta đi ngược lại "quy trình" này, đề cao kỷ luật, kỷ cương trước hết trong giáo dục học trò thì sẽ không có được nền nếp, kỷ luật bền vững” - TS Nguyễn Văn Hòa trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.