Chung tay kiến tạo Trường học hạnh phúc

GD&TĐ - Để kiến tạo trường học hạnh phúc, cần phải có sự chung tay và tất cả sẵn sàng để thay đổi. Mỗi thầy, cô phải là người truyền cảm hứng để mang đến cho học trò những giờ học hạnh phúc.

Thầy Nguyễn Hữu Định trong hoạt động cùng học trò. Ảnh tư liệu.
Thầy Nguyễn Hữu Định trong hoạt động cùng học trò. Ảnh tư liệu.

Xây dựng văn hóa nhà trường lành mạnh

Trường học hạnh phúc không dừng lại ở khẩu hiệu, phong trào nhất thời, mà đó là hành động cụ thể của đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội trong việc kiến tạo môi trường học tập, giáo dục lành mạnh, nhân văn, tiến bộ.

Trong đó, giáo viên và lãnh đạo nhà trường phải thay đổi, trước hết hiệu trưởng phải là người tiên phong. Theo các thầy cô giáo, xây dựng trường học hạnh phúc nhằm giúp cho đội ngũ giáo viên ngày càng vững mạnh mọi mặt và sẵn sàng đồng hành với lộ trình đổi mới giáo dục nước nhà.

Tại TP Cần Thơ, Trường THPT Thới Lai là một trong những điểm sáng trong việc xây dựng trường học hạnh phúc. Theo thầy Nguyễn Hữu Định, Hiệu trưởng nhà trường: Nhà trường xây dựng phương châm giáo dục: “Dạy người, dạy chữ, dạy nghề”. Từ phương châm cốt lõi đó, nhà trường đặt ra phương châm hành động của nhà trường là “Xây dựng trường học văn minh, thân thiện, hạnh phúc”.

Để cụ thể hóa các phương châm nêu trên, hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc, nhà trường thực hiện các nội dung: Xây dựng các quy chế chặt chẽ như Quy chế làm việc, Quy chế dân chủ trong nhà trường, Quy chế thi đua, Quy ước ứng xử văn hóa trong nhà trường. Xây dựng văn hóa nhà trường lành mạnh giúp học sinh và giáo viên cảm thấy thoải mái trong học tập, vui chơi.

Không gian trường học được bố trí hợp lý, xanh, sạch đẹp, có tác dụng giáo dục đối với học sinh. Mỗi bảng biểu trang trí đều mang một thông điệp mà nhà trường muốn mỗi ngày đến trường tất cả các em học sinh đọc, hiểu và làm theo.

Tổ chức nhiều hoạt động cho giáo viên và học sinh tham gia: Nhà trường thành lập 12 câu lạc bộ sở thích (CLB khéo tay, CLB Hoa Kiểng, CLB Cờ vua - Cờ tướng, CLB ảo thuật, CLB bóng bàn, CLB bóng đá, CLB bóng rổ, CLB, tiếng Anh, CLB Sinh học, CLB KHKT, CLB Ảo thuật, CLB Âm nhạc). Rất nhiều học sinh tham gia trong các giờ ra chơi. Ngoài ra, nhà trường tổ chức trồng rau sạch, giáo viên và học sinh cùng tham gia tạo môi trường rất thân thiện.

Nhiều phong trào, nhiều cuộc thi hướng đến mục tiêu làm cho học sinh có nhiều niềm vui, hạnh phúc: Ngày hội sắc màu, Đại hội thể dục thể thao, Hội xuân...

“Chương trình GDPT 2018 sẽ hình thành và phát triển cho học sinh 5 phẩm chất là yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Ngoài ra, chương trình cũng hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực cốt lõi.

Việc triển khai song hành với xây dựng trường học hạnh không có áp lực đối với giáo viên và học sinh, ngược lại hai hoạt động này có sự tương đồng và hỗ cho nhau: Thực hiện tốt việc Xây dựng trường học hạnh phúc sẽ là tiền đề căn bản để chúng ta hình thành cho học sinh các phẩm chất mà mục tiêu của chương trình GDPT 2018 đã đề ra”, thầy Định nhấn mạnh.

Học sinh Trường THPT Thới Lai trong hoạt động hỗ trợ bạn học hoàn cảnh khó khăn. Ảnh tư liệu.
Học sinh Trường THPT Thới Lai trong hoạt động hỗ trợ bạn học hoàn cảnh khó khăn. Ảnh tư liệu.

Phải xuất phát từ tâm

Có người cho rằng “xây dựng trường học hạnh phúc không phải là phong trào, mà phải xuất phát từ tâm, và cái gì từ tâm mới bền vững”. Chia sẻ về vấn đề này, thầy Nguyễn Hữu Định cho rằng, hạnh phúc bắt nguồn từ tâm hồn, chúng ta cảm thấy tâm hồn, suy nghĩ của mình thoải mái thì sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn hết.

Xây dựng trường học hạnh phúc là cả một quá trình dài, được tích tụ, bồi đắp từ từ. Trong đó, có sự lan tỏa yêu thương, lan tỏa giá trị được tạo ra từ chính cái tâm của người Thầy đến với đồng nghiệp, đến với học sinh, phụ huynh và xã hội.

Thầy Định chia sẻ rằng: “Chúng tôi rất hạn chế sử dụng cụm từ “học sinh cá biệt”, thay vào đó là “học sinh có tính cách đặc biệt…” và đây cũng chính là một trong những biện pháp tâm lý để nhà trường giáo dục học sinh sao cho các em cảm nhận được sự tôn trọng từ người lớn.

Để uốn nắn những học sinh nêu trên thì nhà trường tìm hiểu kỹ đặc điểm, hoàn cảnh của học sinh rồi mới đưa ra các biện pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng học sinh. Cho dù dùng biện pháp nào đi nữa thì điều quan trọng vẫn là giáo dục, uốn nắn các em bằng chính tình thương yêu chân thành của người thầy”.

Theo thầy Định, xây dựng mô hình trường học hạnh phúc không phải một sớm một chiều mà cần phải có một quá trình. Trước tiên nhà trường cần tạo sự nhận thức đối với giáo viên, học sinh và phụ huynh, đây là quá trình tác động lâu dài bằng nhiều biện pháp, phương thức khác nhau.

Phải trải qua lộ trình xây dựng tổ chức nhà trường, xây dựng văn hóa nhà trường, xây dựng các quy chế ứng xử, quy chế làm việc... trong nhà trường để làm cơ sở pháp lý cho giáo viên, học sinh và phụ huynh tham gia.

Không nên nóng vội, làm sao những giải pháp đưa ra của nhà trường để xây dựng trường học hạnh phúc đến với giáo viên, học sinh và phụ huynh một cách nhẹ nhàng. Đôi khi họ không biết đó là cách mà nhà trường đang thực hiện để xây dựng trường học hạnh phúc bởi vì nếu triển khai rầm rộ sẽ trở thành việc làm mang tính phong trào, hình thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ