Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên): Tạo mọi điều kiện để sinh viên bắt nhịp hội nhập

GD&TĐ - Những năm gần đây, trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) đã có những đổi mới mạnh mẽ trong mô hình đào tạo. Hàng ngàn sinh viên đã được tiếp cận với môi trường và điều kiện để bắt nhịp hội nhập.

Sinh viên trường ĐHNL đang làm các thủ tục để chuẩn bị đi thực tập nước ngoài
Sinh viên trường ĐHNL đang làm các thủ tục để chuẩn bị đi thực tập nước ngoài

Bứt phá từ chương trình thực tập quốc tế

Sinh viên học đại học có thu nhập 200 - 300 triệu, đây không phải là “ước mơ” mà là chuyện hoàn toàn thực tế của Chương trình Đại học đặc biệt, đang được trường ĐH Nông Lâm triển khai.

Với mục tiêu hỗ trợ các sinh viên hoàn cảnh khó khăn của các khu vực nông thôn, miền núi được có cơ hội học tập ở những môi trường quốc tế, nhà trường đã xây dựng Chương trình Đại học đặc biệt.

Trong hai năm đầu tiên, cùng với việc học kiến thức chuyên môn, sinh viên được đào tạo bồi dưỡng miễn phí về ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh và tiếng Nhật. Bên cạnh đó, các bạn còn được trang bị những kĩ năng, hiểu biết cần thiết, sẵn sàng cho việc ra nước ngoài thực tập.

Niềm vui và sự háo hức trước ngày "lên máy bay"
Niềm vui và sự háo hức trước ngày "lên máy bay"

Trong hai năm cuối, sinh viên được nhà trường đưa đi thực tập có lương 02 đợt dài ngày tại nước ngoài, mỗi đợt kéo dài từ 06 tháng đến 12 tháng. Hiện chương trình đưa sinh viên đến thực tập tại Israel, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Đức, Đan Mạch, Na Uy, Đài Loan. Sinh viên vừa được tiếp cận môi trường công nghệ cao, lối tư duy và tổ chức hiện đại, mô hình và cách làm chuyên nghiệp, vừa được nâng cao tay nghề và rèn luyện ngoại ngữ, kĩ năng, kỷ cương lao động chuyên nghiệp.

“Vốn liếng” mà các em thu nhận về không chỉ là khoản tiền lương tích lũy khoảng 200 - 300 triệu, mà quan trọng hơn nữa còn là cách nghĩ, cách làm, ý tưởng sáng tạo, mở mang tư duy tổ chức sản xuất kinh doanh. Đây là những nền tảng vô cùng quý giá và hữu ích để sau khi ra trường, các em có thể tự tin tìm việc làm, bắt tay vào khởi nghiệp.

“Con em các khu vực nông thôn, miền núi còn rất nhiều khó khăn. Cả gia đình và bản thân các em còn phải lo đến việc làm sao để trang trải cuộc sống, cho nên nhiều em muốn đi tìm việc làm trước mắt hơn là đi học đại học. Và việc được học tập môi trường nước ngoài thì lại càng quá xa vời. Đây là một câu chuyện lớn về vấn đề nhân lực có trình độ cho phát triển bền vững. Chương trình Đại học đặc biệt của chúng tôi cũng là mong muốn góp phần tìm ra lối đi, cơ hội cho các các em” - PGS.TS Trần Văn Điền, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Sinh viên trường Đại học Nông Lâm thực tập tại Nhật Bản
Sinh viên trường Đại học Nông Lâm thực tập tại Nhật Bản

Được triển khai từ năm 2018, đến nay Chương trình đào tạo mỗi năm khoảng 150 sinh viên, với 12 ngành: Bảo vệ thực vật; Công nghệ sinh học; Công nghệ thực phẩm; Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; Khoa học cây trồng; Khoa học môi trường; Quản trị kinh doanh nông nghiệp; Xuất nhập khẩu nông lâm sản; Kinh tế nông nghiệp; Nông nghiệp công nghệ cao; Du lịch sinh thái và Quản lí tài nguyên; Quản lí thông tin.

PGS.TS Hoàng Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và phát triển Quốc tế của nhà trường đánh giá: “Các em sinh viên sau khi đi thực tập ở nước ngoài về đều trưởng thành vượt bậc, với những trải nghiệm ý nghĩa khi được tiếp cận với công nghệ hiện đại, mô hình tổ chức và cách tư duy, quản trị, phát triển giá trị sản phẩm. Đây là những nền tảng quý giá để khi ra trường, về quê hương, các em có thể phát huy và đóng góp một cách tích cực”.

Đã hoàn tất chuẩn bị cho chuyến bay ngày 24/9 đi Israel thực tập, em Bùi Khắc Đoàn (dân tộc Mường, quê tại Hòa Bình, học chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp) hào hứng chia sẻ: “Em thực sự muốn biết vì sao mà điều kiện tự nhiên không phải thuận lợi nhưng Israel lại có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Em hi vọng rằng mình sẽ học hỏi, mở mang được nhiều để có những chuẩn bị tốt cho những ý tưởng, kế hoạch của bản thân về sau này”.

Đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập

Phát huy nền tảng và thế mạnh về đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, những năm gần đây, nhà trường tiếp tục chú trọng vào nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, đặc biệt là tính hiệu quả và khả năng đáp ứng thực tiễn. Công tác mở ngành học mới đáp ứng nhu cầu xã hội được nhà trường coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. 

Nhà trường tổ chức đào tạo rất thành công 3 chương trình đào tạo tiên tiến giảng dạy bằng tiếng Anh, được nhập khẩu từ các trường Đại học có uy tín (top 100 trên thế giới) và 7 chương trình đào tạo theo cách tiếp cận POHE (đào tạo theo định hướng nghề nghiệp). Các chương trình đào tạo này hằng năm thu hút hàng trăm sinh viên quốc tế theo học và nhiều lượt sinh viên đến học tập theo diện trao đổi ngắn hạn.

Hoạt động hợp tác với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo và kết nối việc làm cho sinh viên được xác định là chiến lược xuyên suốt. Trong giai đoạn 2015 - 2020, nhà trường đã mời trên 60 doanh nghiệp tham gia giảng dạy học phần thực tập nghề nghiệp, rèn nghề cho sinh viên; tổ chức đào tạo 05 lớp theo đơn đặt hàng doanh nghiệp; Hơn 100 doanh nghiệp là các nhà tuyển dụng tham gia đánh giá chương trình, chuẩn đầu ra cho sinh viên các ngành.

Sinh viên Nhà trường thực tập tại Israel được tiếp cận môi trường công nghệ cao giúp các em hình thành tư duy, quản trị, phát triển giá trị sản phẩm.
Sinh viên Nhà trường thực tập tại Israel được tiếp cận môi trường công nghệ cao giúp các em hình thành tư duy, quản trị, phát triển giá trị sản phẩm.

Để đáp ứng chất lượng nguồn nhân lực theo hướng hội nhập quốc tế, chỉ trong giai đoạn 2015 - 2020, nhà trường đã gửi trên 1.200 sinh viên đi học tập và thực tập nghề từ 06 tháng đến 01 năm ở các trung tâm đào tạo và doanh nghiệp ở nước ngoài. Sinh viên sau thực tập nghề nghiệp ở nước ngoài vừa có năng lực ngoại ngữ tốt, có kiến thức chuyên môn hiện đại và có kỹ năng sống và làm việc, được nhiều doanh nghiệp nước ngoài tiếp nhận làm việc khi ra trường.

Những nỗ lực và sáng tạo trong công tác đào tạo của nhà trường đã đem lại nhiều kết quả tích cực trước yêu cầu về nguồn nhân lực đáp ứng xu thế hội nhập hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.