Đây là thiết bị mô phỏng lõi Lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 3, được chuyển giao cho trường ĐH Đà Lạt với sự tài trợ của Trường Đại học Hanyang (HYU), Hiệp hội Hạt nhân Hàn Quốc (KNA) và Công ty Thủy điện và Điện hạt nhân Hàn Quốc (KHNP).
Buổi lễ có sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Bộ GD&ĐT Việt Nam, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cùng nhiều tổ chức khác của Việt Nam và Hàn Quốc…
Thiết bị OPR 1000 Core Simulator (CoSi) được phát triển bởi KHNP và Tổng công ty Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) là loại lò phản ứng áp lực có công suất 1.000 MW, một trong những thế hệ lò thông minh, tính an toàn cao khi điều khiển và vận hành.
Là phiên bản mới nhất, OPR 1000 có nhiều mặt tối ưu nhất là: Cho biết các thông số thực về hoạt động của lò như thời gian, công suất thay đổi theo vị trí của thanh điều khiển, nhiệt độ, phân bố công suất, nồng độ axit boric...
Trưởng nhóm nghiên cứu thiết bị - TS Choi Yu Sun - cho biết: Đây là thiết bị duy nhất có mặt ở Việt Nam, người học chỉ từ 3 ngày đến 1 tuần là làm chủ được quy trình vận hành của lò phản ứng; tổng chi phí quá trình nghiên cứu thiết bị là 2 triệu USD nhưng hỗ trợ cho ĐHĐL với trị giá 500.000 USD.
Hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt, PGS, TS. Nguyễn Đức Hòa khẳng định: Với thiết bị mô phỏng này cùng với Lò phản ứng hạt nhân thật của Viện Nghiên cứu hạt nhân, Trường ĐH Đà Lạt đã thực sự trở thành cơ sở đào tạo hội tụ cao các điều kiện để đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân ở Việt Nam.
Nhà trường đã biên soạn 6 bài thực hành liên quan điều khiển lò phản ứng để triển khai cho sinh viên năm thứ 4 ngành kỹ thuật hạt nhân của ĐHĐL và các cơ sở bên ngoài có nhu cầu. TS. Choi Yu Sun là nghiên cứu viên cao cấp của CRi-KHNP, Trưởng nhóm nghiên cứu thiết bị cung cấp một số thông tin: Thiết bị nhằm kiểm tra những thông số hợp lý tại công suất thấp của lò phản ứng trước khi lên công suất thật.
Chương trình tính toán cực kỳ chính xác các thông số lò phản ứng như thông số của nhà chế tạo. Nếu sử dụng hệ thống mô phỏng thực sự sẽ vô cùng đắt tiền, còn sử dụng tes như thế này vừa rẻ vừa nhỏ gọn, nếu hư hỏng bộ phận nào đó chỉ thay thế phần mềm.
Từ năm 2011, Hàn Quốc đã sử dụng 4 lò OPR 1.000 tại Shin - Wolseong và Shin-Kori; thiết bị này dùng để huấn luyện cho cán bộ vận hành lò OPR 1.000. Ở Việt Nam, đây là thiết bị đầu tiên và là phiên bản mới nhất, hoàn thiện nhất; tổng chi phí quá trình nghiên cứu thiết bị 2 triệu USD, nhưng chỉ chuyển giao cho Trường ĐH Đà Lạt với trị giá 500.000 USD.