Nhưng cơ hội việc làm vẫn rộng cửa với sinh viên từ khi các em còn chưa tốt nghiệp. Điều quan trọng là ngoài sự hỗ trợ của nhà trường, sinh viên cần chủ động đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Ngành nông – lâm – ngư tìm sinh viên
Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Trường ĐH Kinh tế Nghệ An tổ chức “Ngày hội việc làm cho sinh viên ngành Nông – lâm – ngư nghiệp”. Chương trình thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đến từ trong và ngoài tỉnh với hàng trăm cơ hội việc làm. Đây cũng là dịp để các em được trực tiếp gặp gỡ các nhà tuyển dụng nhằm tìm hiểu về công việc tương lai, trực tiếp phỏng vấn để tìm kiếm cơ hội thực tập và làm việc sau khi ra trường.
Lê Văn Tâm, sinh viên năm cuối ngành chăn nuôi – thú y tham gia phỏng vấn với 2 nhà tuyển dụng đến từ công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi. Sau khi trao đổi, tư vấn với một số doanh nghiệp, Tâm được giới thiệu vào vị trí nhân viên kỹ thuật thú y với mức lương khởi điểm là 7 triệu đồng/tháng. Nếu làm việc tốt, Tâm cũng có cơ hội phát triển với mức lương từ 15 - 20 triệu đồng/tháng cùng các chế độ phúc lợi khác của công ty.
Lê Văn Tâm chia sẻ: Hiện có nhiều công ty chế biến thức ăn chăn nuôi nên nhu cầu tuyển dụng việc làm khá lớn. Bản thân em, trước khi vào đại học từng nghi ngại có nên đăng ký vào ngành nông – lâm – ngư hay không. Không ít bạn bè xung quanh cũng có tâm lý muốn học ngành nào đó để thoát khỏi nghề nông nghiệp vất vả. Nhưng em cân nhắc hoàn cảnh gia đình và hỏi ý kiến về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, nên quyết định theo học lĩnh vực chăn nuôi thú y.
“Từ khi đi thực tập tại doanh nghiệp em đã được trả lương. Và đến nay, em thấy lựa chọn ngành nghề của mình là đúng đắn. Hiện em có nhiều lựa chọn sau tốt nghiệp và đang cân nhắc công việc vừa bảo đảm thu nhập, vừa ở gần nhà để đỡ đần cho bố mẹ”, nam sinh Trường ĐH Kinh tế Nghệ An cho biết.
Bà Đậu Thị Mỹ Linh – Đại diện Công ty Cổ phần chăn nuôi Mavin (đóng tại Nghệ An) thông tin: Công ty có nhu cầu tuyển 40 kỹ sư chăn nuôi heo nái và heo thịt. Ngoài ra còn cần nhân viên hỗ trợ chăn nuôi, thống kê, bảo trì. Ứng viên đạt yêu cầu ở vòng phỏng vấn sẽ thử việc trong 3 tháng.
“Sau đó, nếu làm việc tốt chúng tôi sẽ xem xét để tuyển dụng lâu dài. Thông thường, lao động được đào tạo, chăm chỉ thì cơ hội việc làm rất lớn. Công ty cũng không quá cứng nhắc, mà dựa vào cả những tiêu chí như trách nhiệm, khả năng phối hợp, giải quyết vấn đề... Còn chuyên môn, kỹ thuật đáp ứng công việc thực tế, công ty sẽ đào tạo thêm”, bà Đậu Thị Mỹ Linh khẳng định.
Cần chuẩn bị tốt để nắm cơ hội việc làm
Theo ThS Nguyễn Công Trường - Trưởng khoa Nông Lâm Ngư (Trường ĐH Kinh tế Nghệ An), qua việc tổ chức ngày hội việc làm, nhà trường hy vọng các cử nhân, kỹ sư tương lai tiếp cận, trao đổi với đại diện doanh nghiệp, nhà tuyển dụng. Một mặt có cơ hội tìm kiếm cho mình một việc làm phù hợp. Mặt khác có thêm kinh nghiệm phỏng vấn, được tư vấn, định hướng để biết được giá trị của bản thân đến đâu, đáp ứng mức độ công việc thế nào và cần bổ sung cái gì. Về phía doanh nghiệp cũng có lựa chọn, tuyển dụng được lao động có nghiệp vụ, tay nghề phù hợp. Tư vấn cho sinh viên về kỹ năng trong việc tìm kiếm việc làm và chọn vị trí việc làm thích hợp.
Thực tế, các chương trình Ngày hội việc làm là hoạt động thường niên của nhiều trường đại học, cao đẳng. Năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên số doanh nghiệp tham gia giảm, cũng như việc đến trực tiếp tại trường gặp mặt, trao đổi, tuyển dụng sinh viên gặp khó khăn. Nhưng nhà trường và doanh nghiệp đã chuyển sang hình thức trực tuyến, thời gian linh động để tất cả sinh viên có nhu cầu đều tiếp cận được.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh trước khi tốt nghiệp đều được giới thiệu việc làm. Trong đó, nhiều bạn đi theo chương trình xuất khẩu lao động do trường giới thiệu. Nguyễn Văn Mến (tốt nghiệp ngành Cơ khí – chế tạo máy) hiện làm việc tại Nhật Bản chia sẻ: “Từ khi học năm 3 – năm 4, sinh viên được nhà trường giới thiệu đến doanh nghiệp thực tập, làm việc với mức lương khởi điểm khoảng 5 triệu đồng. Tuy nhiên, một số bạn sau thời gian làm việc, có kinh nghiệm, có thể ứng tuyển sang công ty khác có thu nhập cao hơn. Em sang Nhật Bản làm việc tại một công ty có mức đãi ngộ tốt, vừa nuôi sống bản thân, vừa giúp đỡ kinh tế cho gia đình rất nhiều”.
Trường ĐH Vinh chưa đón sinh viên trở lại học trực tiếp, nhưng sinh viên năm cuối được kết nối với doanh nghiệp, nhà tuyển dụng trong nhóm trên Zalo, Facebook hoặc phòng họp trực tuyến khác. Hoạt động này do Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp của trường chủ trì.
Quản trị của nhóm liên tục cập nhật thông tin của nhà tuyển dụng để sinh viên lựa chọn, đăng ký thực tập hoặc ứng tuyển việc làm. Hiện, Trung tâm phối hợp với một công ty sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp VSIP (đóng tại Nghệ An). Qua đó, tuyển chọn khoảng 30 sinh viên các chuyên ngành như điều khiển, tự động hóa… gửi thực tập có lương tại công ty. Doanh nghiệp cũng cam kết sẽ tuyển dụng số lao động này sau khi các em hoàn thành thực tập.
Ông Đoàn Văn Minh - Phó Giám đốc Trung tâm cho rằng: Nhu cầu lao động của doanh nghiệp rất lớn. Nhất là trong bối cảnh có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang vào đầu tư ở Nghệ An, rất cần lao động có kỹ thuật, ngoại ngữ. Ví dụ một số doanh nghiệp vừa liên hệ với Trung tâm tìm kiếm sinh viên học ngành kỹ thuật, biết ngoại ngữ để gửi đi đào tạo tại Trung Quốc hoặc Đài Loan. Mục đích để tạo nguồn nhân lực cho đơn vị sau khi công ty chính thức đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp WHA (đóng tại huyện Nghi Lộc, Nghệ An).