Cơ hội việc làm nào ngành Du lịch cho sinh viên thời hậu Covid - 19

GD&TĐ - Du lịch thời hậu Covid - 19 là chủ đề đối thoại giữa doanh nghiệp và SV ngành Việt Nam học (Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng) trong chuỗi hoạt động của Tuần lễ Doanh nghiệp do khoa Lịch sử tổ chức.

SV ngành Việt Nam học, Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng trong buổi đối thoại chủ đề Du lịch thời hậu Covid - 19.
SV ngành Việt Nam học, Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng trong buổi đối thoại chủ đề Du lịch thời hậu Covid - 19.

Đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch như tập đoàn Sun World, Saigontourist, Sở Du lịch TP Đà Nẵng đã chia sẻ với SV ngành Việt Nam học (Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) về những khó khăn, thách thức cũng như cơ hội việc làm của SV theo học ngành du lịch - dịch vụ do ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19. 

Thời gian qua, một số lượng lớn người lao động trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ buộc phải chuyển đổi ngành nghề. Trong đó, ảnh hưởng lớn nhất là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch và họ đã bắt đầu tìm việc làm mới từ khoảng nửa năm nay. Một khi đã thay đổi ngành nghề, có sự ổn định rồi thì gần như sẽ không quay trở lại nghề cũ. Đây là tín hiệu cho thấy trong tương lai gần, thị trường nhân lực ngành du lịch - dịch vụ sẽ bắt đầu thiếu hụt lao động. 

Đại diện các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch tham gia đối thoại với SV ngành Việt Nam học, Khoa Lịch sử, trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng
Đại diện các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch tham gia đối thoại với SV ngành Việt Nam học, Khoa Lịch sử, trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng

Đại diện các doanh nghiệp cũng chia sẻ cho SV về những xu hướng mới trong du lịch do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 và yêu cầu mới của nhà tuyển dụng để thích nghi. Theo đó, khách du lịch mua tour ghép chung thành các đoàn lớn như trước đây sẽ không còn phổ biến. Thay vào đó, khách thường đi theo nhóm nhỏ, có các hoạt động trải nghiệm, tự book phòng chứ ít sử dụng dịch vụ của các công ty du lịch. Đối với khách đoàn từ khoảng 1 xe đến 2 xe thì đã phải có team building.

Chính vì vậy, đòi hỏi nhân lực trong ngành du lịch buộc phải chuyển đối số, sử dụng nền tảng mạng xã hội để tiếp cận khách hàng. Nếu SV tích lũy được các kỹ năng như media, dẫn chương trình, tổ chức sự kiện để phục vụ dòng khách MICE (kết hợp hội nghị và tham quan) thì sẽ có cơ hội lọt qua cửa tuyển dụng của các doanh nghiệp. Chỉ số cảm xúc tốt cũng là một lợi thế khi ứng tuyển vào các doanh nghiệp trong ngành du lịch, dịch vụ.  

TS Nguyễn Duy Phương - Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho biết: "Gắn kết với địa phương, doanh nghiệp, nhà tuyển dụng trở thành hoạt động thường xuyên của khoa. Tuần lễ Doanh nghiệp lần này với các hoạt động như tọa đàm, ký kết hợp tác, chia sẻ của địa phương, doanh nghiệp, nhà tuyển dụng; ra mắt Câu lạc bộ Du lịch, Cuộc thi Sinh viên với nghề hướng dẫn viên du lịch... như những điểm thúc đấy mạnh mẽ hơn nữa sự kết nối giữa khoa và các đối tác". 

Khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên có ngành Việt Nam học chuyên ngành Văn hóa Du lịch, đào tạo cả chương trình đại trà và chương trình chất lượng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.