Cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên ngành Điện tử

GD&TĐ - Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến lao động trong các ngành sản xuất của nền kinh tế.

Sinh viên ngành Điện tử đang có nhiều cơ hội việc làm thông qua cơ chế phối hợp nhà trường và doanh nghiệp.
Sinh viên ngành Điện tử đang có nhiều cơ hội việc làm thông qua cơ chế phối hợp nhà trường và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với những lợi thế có được từ trước, người lao động và học sinh, sinh viên ngành Điện tử được xem là đang có những cơ hội việc làm tốt, đặc biệt đối với lao động kỹ thuật cao.

Bài toán nhân lực và sự dịch chuyển thu nhập

Đây là những thông tin đáng chú ý tại Tọa đàm khoa học “Các giải pháp đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức mới đây.

Ngành Điện tử tại Việt Nam có tiềm năng rất lớn với sự tăng trưởng mạnh về số lượng, chất lượng. Việc ứng dụng các thành quả công nghệ tiên tiến nhất, lợi nhuận cao, cạnh tranh mạnh mẽ, đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành khác như: Tư vấn, thiết kế, thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, ngành Điện tử Việt Nam đang tập trung sản xuất các thiết bị truyền thông, điện thoại, máy tính, màn hình OLED...

Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam - cho biết: Từ năm 2010, lao động trong ngành mới chỉ đạt con số trăm nghìn, nhưng đến nay đã tăng gấp 10 lần với khoảng 1,3 triệu lao động, trong đó tỷ lệ lao động nữ cao. Đa số làm việc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Samsung, Intel… Thu nhập của công nhân ngành Điện tử tại Việt Nam bình quân tương đương 217 USD/tháng, công nhân kỹ thuật là 436 USD/tháng, mức thu nhập này đang tiếp tục chuyển dịch tới những “nấc thang” cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong khi đó, theo VN Economy, tác động của dịch Covid-19 đã khiến ngành Điện tử trở nên thiếu hụt lao động trầm trọng, đặc biệt khu vực phía Nam, nhiều nơi có tỷ lệ thiếu hụt tới trên 30%. Đến nay, tỷ lệ người lao động quay trở lại sản xuất mới chỉ được khoảng 60 - 70%… Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang có lợi thế với hàng loạt các hiệp định thương mại đã được ký kết và các doanh nghiệp lớn vẫn đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam…

Xu hướng chuyển dịch này dẫn tới sự cần thiết phải thay đổi trong đào tạo nguồn nhân lực. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, lao động ngành Điện tử tại Việt Nam đào tạo vẫn chưa theo kịp nhu cầu của doanh nghiệp, hầu hết lao động được tuyển dụng đều phải đào tạo lại từ ít nhất 1 tuần cho lao động giản đơn, từ 3 - 6 tháng ở các vị trí vận hành máy móc hoặc các trình độ cao hơn… 

Đưa học sinh, sinh viên đến doanh nghiệp

Các chuyên gia cho rằng, sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường để quá trình đào tạo thích ứng với thị trường lao động chính là giải pháp phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Các trường cần đẩy mạnh quá trình đưa học sinh, sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp.

Đi vào doanh nghiệp các em được tiếp cận với kỹ năng, nội quy tại doanh nghiệp, tạo sự hứng thú trau dồi kiến thức, kỹ năng thực tế sản xuất tại doanh nghiệp cho các em. Về phía doanh nghiệp cũng được hưởng lợi khi họ có thể tuyển chọn ngay cho mình những ứng viên có đủ khả năng thích ứng với công việc, chủ động được việc lập kế hoạch dài hơi cho nguồn nhân lực. Đưa ra ý kiến điều chỉnh nội dung đào tạo cho phù hợp với yêu cầu sản xuất…

Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhằm giúp các doanh nghiệp bảo đảm lao động trong tình hình có thể thiếu hụt lao động qua đào tạo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng phương án sẵn sàng hỗ trợ lao động cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.

Ông Vũ Xuân Hùng – Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - cho biết: Tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước có khoảng 500.000 học sinh, sinh viên trình độ trung cấp, cao đẳng đang học năm học thứ 1, 2, đã có kỹ năng nghề cơ bản và khoảng 500.000 học sinh, sinh viên học năm học cuối là năm thứ 2 và 3 đã thành thạo nghề nghiệp.

Các nhóm ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo có thể huy động học sinh, sinh viên tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khi cần thiết bao gồm: Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông; Kỹ thuật cơ khí và cơ kỹ thuật; Kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông…

Trong bối cảnh hiện nay, khi doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động nghiêm trọng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc đẩy mạnh hoạt động đưa học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập tại doanh nghiệp để người học vừa được học, vừa được lao động, sản xuất là một chủ trương sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn và cũng chính là giải pháp để tăng cường gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp, vừa góp phần duy trì hoạt động đào tạo của các nhà trường, vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ