Trường đại học chuyển giao công nghệ nuôi trồng tảo thành sản phẩm OCOP

GD&TĐ - Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng đã chuyển giao giống, kỹ thuật nuôi trồng tảo xoắn Spirulina góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Nuôi trồng, chăm sóc tảo xoắn tại HTX Nông nghiệp công nghệ cao Vạn Tường. Ảnh: HTX cung cấp.
Nuôi trồng, chăm sóc tảo xoắn tại HTX Nông nghiệp công nghệ cao Vạn Tường. Ảnh: HTX cung cấp.

Nghiên cứu để chuyển giao

Kết quả nghiên cứu của dự án “Phát triển mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao và tạo sản phẩm giá trị gia tăng từ sinh khối tảo xoắn Spirulina tại Đà Nẵng” đã được TS Trịnh Đăng Mậu và cộng sự là các sinh viên, cựu sinh viên của Khoa Sinh – Môi trường, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng đã được chuyển giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Vạn Tường (Quảng Ngãi).

TS Trịnh Đăng Mậu, Phó trưởng khoa Sinh - Môi trường cho biết: “Nhu cầu thực tế và thị trường tiêu thị sản phẩm tảo xoắn rất rộng. Tuy nhiên, nguồn giống không có sự ổn định, công nghệ sản xuất và chế biến còn đơn giản. Nhiều cơ sở nuôi cấy tảo xoắn thường sử dụng bể nuôi cố định. Vì vậy, chi phí đầu tư, vận hành khá cao, trong khi tốc độ sinh trưởng lại hạn chế”.

Theo TS Trịnh Đăng Mậu, khâu đầu tiên và cũng là khâu quan trọng chính là nghiên cứu, ứng dụng sinh học phân tử để chọn lọc và thuần hóa giống. Nhờ đó, giống tảo có thể thích nghi tốt, giúp kiểm soát và chủ động trong sản xuất giống.

TS Trịnh Đăng Mậu.jpg
TS Trịnh Đăng Mậu (thứ 3, từ trái sang), đồng tác giả của dự án “Phát triển mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao và tạo sản phẩm giá trị gia tăng từ sinh khối tảo xoắn Spirulina tại Đà Nẵng” được chuyển giao công nghệ cho HTX Nông nghiệp công nghệ cao Vạn Tường.

Giống tảo xoắn Spirulina đang nuôi trồng tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Vạn Tường được nhóm nghiên cứu phân tích, chọn lọc từ 40 giống tảo xoắn khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tảo xoắn Spirulina là một loại vi khuẩn có dạng xoắn màu xanh lục, kích thước 0,25-1mm. Đây là giống tảo cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết như đường, đạm, axit béo, vitamin, giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, tốt cho hệ tim mạch, thần kinh, chống lão hóa và tránh nguy cơ gây bệnh ung thư.

Anh Đỗ Biên Nhất, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Vạn Tường (Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho biết, đây là mô hình liên kết đầu tiên giữa HTX với các nhà khoa học ngoài tỉnh. Thông qua sự liên kết này, HTX từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo đảm hoạt động nuôi trồng, phát triển sản phẩm từ tảo.

Hướng tới phát triển nông nghiệp sạch và bền vững

Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng tiến hành chuyển giao công nghệ nuôi trồng tảo xoắn Spirulina cho HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Vạn Tường từ năm 2020. TS Trịnh Đăng Mậu cho biết, hàng năm, nhà trường vẫn hỗ trợ thường xuyên về giống và các kỹ thuật khi HTX gặp vấn đề và có nhu cầu.

HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Vạn Tường khai thác nguồn nước tự nhiên từ khu vực có nhiều đá ong tại thôn An Lộc, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi để hình thành khu nuôi trồng rộng hơn 70.000m3. Tảo xoắn Spirulina phát triển mạnh trong môi trường nước có nhiệt độ 35-40 độ C, sau 25 ngày cho thu hoạch lứa đầu tiên và 10 ngày sau thu hoạch số tảo còn lại. Ngoài ra, quy trình nuôi trồng sử dụng phương pháp lọc nước tái chế, số nước thải ra cung cấp cho các trang trại nuôi cá hoặc vườn thủy sinh…

“Nhờ mạnh dạn liên kết với nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng nuôi trồng, sản xuất tảo xoắn, HTX Vạn Tường tạo việc làm cho 20 thanh niên địa phương, thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng. Từ đó, nâng cao chất lượng lao động thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức nuôi cấy, chăm sóc tảo cũng như sử dụng máy móc, công nghệ tiên tiến trong thu hoạch, chế biến sản phẩm”, anh Nhất cho hay.

Năm 2022, sản phẩm tảo xoắn của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Vạn Tường trở thành sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ngãi. Thu nhập từ tảo xoắn tăng lên khoảng 30-40%. Nhiều sản phẩm luôn trong tình trạng cháy hàng như sữa chua tảo, bánh quy tảo, viên nhộng, trà tảo, cốm tảo....

Nhận thấy đây là mô hình mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi cũng đã tổ chức Hội nghị nhân rộng mô hình tảo xoắn cấy mô công nghệ cao tại HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Vạn Tường.

Dự án Phát triển mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao và tạo sản phẩm có giá trị gia tăng từ sinh khối Tảo xoắn Spirulia” đã được chọn ươm tạo tại khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Khởi đầu từ những công trình nghiên cứu và ứng dụng được thực hiện bài bản, khoa học tại Phòng Nghiên cứu Công nghệ Vi tảo của Trường ĐH Sư phạm. ĐH Đà Nẵng, nhóm AlgeaVi, với sự hỗ trợ và đồng hành của TS Trịnh Đăng Mậu và cựu SV Lê Văn Kiêm, đã đạt được những thành quả ban đầu trong hành trình sáng tạo – khởi nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thuê máy photocopy màu HCM Cho thuê vps usa giá rẻ White Screen khóa cửa vân tay vinlockDịch vụ vps hosting​ chất lượng caodịch vụ in catalogue TpHCM Chọn mẫu Máy in 3D công nghiệp Mua đồng hồ Audemars Piguet iPhone 16 pro max lợi ích của dịch vụ colocation VNPT