Theo số liệu thống kê, năm 2015, ở Trung Quốc có 12 triệu cặp vợ chồng đăng ký kết hôn, giảm hẳn so với năm trước đó. Đây là năm thứ 2 liên tiếp chứng kiến sự sụt giảm về số lượng người đăng ký kết hôn ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Trong khi đó, số lượng các vụ ly hôn lại tăng lên đến 3,8 triệu trường hợp, con số lớn gấp đôi so với cách đây một thập kỷ.
Vậy tại sao ngày càng có nhiều thanh niên Trung Quốc không mặn mà với chuyện kết hôn? Chúng ta hãy cùng thử tìm hiểu xem những lý do nào đã dẫn đến tình trạng số lượng người theo chủ nghĩa độc thân ở đất nước này ngày càng gia tăng nhanh chóng đến vậy.
Ai cũng biết, kết hôn là một trong những việc trọng đại nhất của đời người, vì vậy, khi đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân, bất kỳ người nào cũng cần phải suy xét thật cẩn thận, thấu đáo. Rất nhiều người không chịu kết hôn, kỳ thực không phải vì họ không coi trọng hôn nhân, mà do họ quá đề cao việc gắn kết cuộc đời với một người nào đó nên luôn sống trong tâm trạng hoang mang, lưỡng lự.
Khi xã hội ngày càng phát triển, học vấn trung bình của người dân cũng ngày một tăng cao, thậm chí có thể nói là hơn hẳn trình độ của các thế hệ đi trước. Chính vì vậy, con người đương nhiên sẽ suy nghĩ kỳ càng hơn trước những sự việc quan trọng của cuộc đời mình, ví dụ như khi chọn cho mình một nửa hoàn hảo hoặc đối tượng để chung sống trong tương lai.
Mặc dù vẫn còn khoảng cách về thu nhập giữa nam giới và nữ giới ở Trung Quốc, thế nhưng, xét về mặt học vấn, tính đến năm 2014, phụ nữ đã chiếm quá nửa số sinh viên Đại học tại quốc gia này, so với con số 46% cách đó một thập kỷ. Ở các khóa học sau Đại học, số lượng học viên nữ cũng chiếm tới gần 50%.
Tuy nhiên, việc học cao hiểu rộng đôi khi lại khiến cho người ta không muốn bó buộc mình trong một khuôn khổ nhất định, đặc biệt là đối với phụ nữ ở một đất nước vẫn còn mang nặng những tư tưởng phong kiến như Trung Quốc.
Rất nhiều người phụ nữ chia sẻ, họ không định giống như mẹ mình, đến "tuổi cập kê" là vội vàng theo chồng bỏ cuộc chơi, sau đó là gồng mình sống trong chuỗi ngày làm mẹ hiền vợ đảm. Họ cho rằng bản thân mình cũng chẳng hề thua kém cánh đàn ông, vậy tại sao lại phải từ bỏ sự nghiệp để sống trong vòng luẩn quẩn cơm-áo-gạo-tiền?
Chính vì vậy, nhiều cô gái Trung Quốc có học thức cao đều đang tìm kiếm con đường sự nghiệp của riêng mình và họ mong muốn có thể độc lập về tài chính, thay vì cứ phải cắm cúi đi tìm một tấm chồng-chưa-chắc-đã-vừa-ý. Có thể nói, những cô gái này đang thách thức truyền thống hàng ngàn năm ở Trung Quốc, khi việc hôn nhân của con cái thường do bố mẹ sắp đặt, hoặc chí ít là có sự can thiệp và thúc đẩy của các bậc phụ huynh.
Bên cạnh những người vẫn luôn nung nấu ý định sẽ kết hôn trong tương lai, một số cô gái Trung Quốc hiện đại lại cho rằng, hôn nhân giờ đã chẳng còn quan trọng và cũng chẳng phải là "một phần tất yếu của cuộc sống" nữa rồi. Thay vào đó, họ rất chú trọng đến việc tạo ra một cuộc sống thoải mái, vô lo vô nghĩ cho bản thân mình.
Bỏ qua những kỳ vọng của bố mẹ hay việc tìm kiếm một chỗ dựa tài chính vững chắc, ngày nay có nhiều cô gái chỉ đơn thuần mưu cầu "tình yêu đích thực".
Một bộ phận không nhỏ phụ nữ Trung Quốc thậm chí còn mạnh dạn tuyên bố rằng, họ sẽ không kết hôn chỉ vì tất cả mọi người xung quanh mình đều đã kết hôn, và cũng sẽ không sinh con chỉ vì đó là nghĩa vụ phải làm hay là vì xã hội muốn họ làm thế.
Ngoài ra, có một bộ phận các cô gái hiện nay không hề có ý định kết hôn nhưng lại muốn sinh con. Trong xã hội vẫn còn mang nặng tư tưởng phong kiến ở Trung Quốc, việc này quả là nằm ngoài sức chịu đựng của các bậc phụ huynh. Đa phần mọi người vẫn cho rằng việc không kết hôn mà có con vẫn là điều cấm kị ở Trung Quốc.
Nhiều người tâm sự, họ không biết phải mở lời như thế nào về ý tưởng làm bà mẹ đơn thân của mình và cũng không dám chắc bản thân cũng như người thân trong gia đình có thể vượt qua được những lời đàm tiếu của dư luận xã hội.
Đối với nam giới Trung Quốc, khi tỷ lệ mất cân bằng giới tính ngày càng trầm trọng, việc kiếm được một người vợ như ý quả là khó hơn cả lên trời. Đa phần đàn ông ở quốc gia này đều phải đau đầu vì chi phí cưới vợ quá tốn kém, khiến cho nhiều người phải lựa chọn một cách khác, ví dụ như nung nấu ý nghĩ "hãy cứ yêu thôi, đừng đòi cưới".
Một số người khác tự ti bản thân không thể trở thành trụ cột vững chãi cho một gia đình, không thể làm một người chồng tốt, cũng chẳng thể lo toan cho đứa trẻ trong tương lai sẽ gọi mình là "bố" nên lại nhụt chí khi đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân.
Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp đã nhắm mắt đưa chân theo sự sắp đặt của bố mẹ, để rồi rơi vào cuộc hôn nhân chẳng lấy gì làm hạnh phúc với một người mà mình không hề có tình cảm. Và tất nhiên, kết cục của họ chỉ có thể là tan vỡ.
Có một thực tế không thể phủ nhận là ngày càng có nhiều cặp đôi dắt nhau ra tòa ly hôn. Chính bọn họ càng góp phần thúc đẩy số lượng người độc thân ở Trung Quốc có thêm quyết tâm "ở vậy". Bởi khi đã nhìn thấy cuộc sống hôn nhân đầy chông gai, đau khổ trước mắt thì làm gì còn ai mặn mà nổi với một cái đám cưới tốn mất bạc tỷ cơ chứ?
Giới truyền thông chính thống ở Trung Quốc vẫn luôn không ngừng đề cao vai trò của hôn nhân, đồng thời không quên thúc ép các cô gái đừng nên chỉ chăm chăm tìm kiếm người đàn ông hoàn hảo mà hãy lựa chọn người phù hợp với mình. Tuy nhiên, tình trạng nhân khẩu học của Trung Quốc và cả xã hội đang biến đổi làm cho việc tuyên truyền này ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Có lẽ, còn rất nhiều lý do khác khiến cho giới trẻ Trung Quốc chẳng mấy nhiệt tình với chuyện hôn nhân đại sự. Họ chỉ đơn thuần là muốn tận hưởng một cuộc sống độc lập và thoải mái. Từ đó, họ đã vô tình tạo nên một thế hệ độc thân mới ở đất nước mà mình đang sống. Và tất nhiên, sự tự do thái quá của giới trẻ đôi khi sẽ trở thành vấn đề đau đầu của các nhà chức trách.