(GD&TĐ)-Sáng nay (25/7), Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức lễ khánh thành phòng trưng bày “Óc Eo – Phù Nam” với sự tham gia phối hợp của Bảo tàng tổng hợp Vũng Tàu và Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.
Với khoảng hơn 100 cổ vật quý, hiện vật được trưng bày lần này được chia thành 3 nhóm: Đồ gốm; Đồ trang sức và những hiện vật bằng kim loại và nhóm tượng thờ Phật giáo và Hindu.
Đáng chú ý là nhóm hiện vật đồ trang sức Óc Eo gồm nhiều loại hình như vòng, nhẫn, bông tai, dây chuyền, hạt chuỗi… được chế tác từ các loại chất liệu quý như vàng, đá ngọc, mã não, thạch anh, thuỷ tinh… với nhiều màu sắc, kích cỡ, hình dáng khác nhau; các lá vàng dập nổi, chạm khắc tạo hình hoa văn trang trí và chữ Phạn cổ. Ngoài ra còn có những con dấu, mặt nhẫn khắc hình người, động vật và các loại tiền vàng, bạc, hợp kim thiếc…
Văn hóa Óc Eo là một trong những nền văn hóa cổ, hình thành và phát triển trên cơ tầng bản địa trong khoảng 10 thế kỷ đầu công nguyên ở khu vực đồng bằng Nam bộ. Được phát hiện lần đầu tiên ở Óc Eo, Ba Thê (An Giang), sau đó được mở rộng ra phạm vi các tỉnh miền nam như: Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ,…
Cũng trong buổi sáng nay, Bảo tàng lịch sử quốc gia cũng tổ chức lễ tiếp nhận một số tài liệu, hiện vật quý do một số tổ chức, cá nhân hiến tặng.
Hình ảnh một số cổ vật trang sức Óc Eo:
Hải Bình