Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam phối hợp cùng UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức diễn đàn “Chỉ số thu hút đoàn làm phim và môi trường sản xuất phim tại Việt Nam - PAI”.
TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam cho biết, chỉ số PAI được thiết kế để đánh giá mức độ hấp dẫn của các địa phương đối với các đoàn làm phim (ra mắt lần đầu vào tháng 11/2023).
PAI đóng vai trò cầu nối giữa chính quyền địa phương và ngành công nghiệp điện ảnh. Bằng cách đưa ra đánh giá dựa trên chỉ số PAI, chính quyền địa phương gửi lời mời các đoàn sản xuất phim chọn địa điểm Việt Nam làm bối cảnh.
PAI được thiết kế, giúp chính quyền địa phương tìm hiểu và điều chỉnh các chính sách và hành động của mình phù hợp với nhu cầu và năng lực cụ thể của địa phương trong nỗ lực thu hút các đoàn làm phim một cách hiệu quả nhất, tạo việc làm, thúc đẩy ngành du lịch, và phát triển kinh tế địa phương.
“Dựa trên 5 thành phần chính: Tài chính, thông tin, thực địa, pháp lý và hạ tầng – chỉ số cung cấp khung phân tích rõ ràng, từ việc đánh giá các khoản trợ cấp và ưu đãi tài chính, nỗ lực quảng bá điểm đến, kết nối đoàn làm phim với các bên liên quan, tính minh bạch trong thủ tục pháp lý và chất lượng cơ sở hạ tầng. PAI đóng vai trò như một “ngôi sao dẫn đường” các nhà làm phim đến những địa điểm tiềm năng chưa được khám phá”, TS Ngô Phương Lan cho hay.
Tại diễn đàn, bảng xếp hạng PAI năm 2024 được công bố, tôn vinh top 10 địa phương có chỉ số cao nhất, gồm: Phú Yên, Quảng Ninh, TPHCM, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Tuyên Quang.
Là địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng PAI, Phú Yên nổi tiếng với bối cảnh phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Ngày xưa có một chuyện tình”. Đại diện tỉnh Phú Yên cho biết, khi đoàn làm phim tới địa phương, lãnh đạo tỉnh xác định đây là chuyện của địa phương, cho nên chỉ đạo xuyên suốt từ tỉnh tới cấp xã phải phối hợp, tạo điều kiện cho đoàn làm phim thực hiện mọi công đoạn được thuận lợi, nhanh chóng.
Ông Trinh Hoan - Giám đốc Công ty HK, đơn vị đồng sản xuất bộ phim cho rằng bối cảnh phù hợp với bộ phim rất quan trọng. Sau khi công chiếu “Ngày xưa có một chuyện tình”, ông nhiệt tình giới thiệu Phú Yên cho đoàn làm phim “Kính vạn hoa”.
Việc sản xuất phim rất cần thiết có sự hỗ trợ của các địa phương trong thực hiện cấp phép, bối cảnh quay. Ngược lại, thông qua điện ảnh, hình ảnh của các địa phương cũng được truyền thông mạnh mẽ, trở thành điểm đến du lịch được yêu thích.