Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, cô Phạm Thị Ngọc Thảo - Trường Tiểu học 6/2 (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) còn là người giàu nhiệt huyết trong công tác thiện nguyện.
Hạnh phúc khi được sẻ chia
Gặp cô Phạm Thị Ngọc Thảo (sinh năm 1985) sau giờ tan trường, ấn tượng đầu tiên với người viết đó là một cô giáo có gương mặt đôn hậu, nụ cười thân thiện.
Kể về cái duyên đến với công tác thiện nguyện của mình, cô Thảo cho biết: “Từ nhỏ, tôi đã thích giúp đỡ người khác nhưng không đủ điều kiện. Khi tốt nghiệp ra trường trở thành giáo viên, có lương, tôi dành thời gian tham gia các nhóm thiện nguyện, trong đó có nhóm thiện nguyện Hưng Phước đến giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh.
Sau này, trưởng nhóm thiện nguyện Hưng Phước nghỉ, tôi tiếp quản công việc, tiếp tục kết nối, vận động các nhà hảo tâm nguồn lực tài chính và vật chất. Chương trình đầu tiên tôi làm là tiếp sức đến trường cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Lần đó tôi vận động được 50 bộ sách giáo khoa cùng nhiều dụng cụ học tập trao cho các em nên rất vui”, cô Thảo nhớ lại.
Những hoạt động thiện nguyện đầu tiên trong vai trò trưởng nhóm thuận lợi đã tiếp thêm động lực để cô giáo trẻ Phạm Thị Ngọc Thảo tiếp tục hành trình thực hiện ước mơ giúp đỡ nhiều người khó khăn, yếu thế trong xã hội. Năm 2018 cô Thảo mở tủ bánh mì 0 đồng nhằm giúp đỡ học sinh nghèo, người già bán vé số dạo, lượm ve chai… có bữa ăn sáng lót dạ, đủ sức khỏe học tập, làm việc mưu sinh.
“Lúc đầu vận động ít tôi chỉ phát bánh mì sữa bò 1 lần/tuần. Về sau nhiều nhà hảo tâm thấy việc làm này có ý nghĩa nên chung tay hỗ trợ mới nâng lên mở tủ bánh mì 0 đồng 2 - 3 ngày/tuần và thay bánh mì sữa bò thành bánh mì chả lụa. Không chỉ phát tại chỗ, chúng tôi còn đem bánh mì đến các bệnh viện hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Sau dịch Covid-19, công việc ở trường bận rộn hơn nên tủ bánh mì yêu thương tạm dừng sau 3 năm chia sẻ với bà con nghèo”, cô Thảo tâm sự.
Ngoài tủ bánh mì yêu thương, cô Thảo còn thực hiện chương trình “góp nhặt yêu thương” thông qua hình thức vận động quyên góp quần áo cũ tặng cho những người nghèo. Tại Cà Mau, cô Thảo là một trong những người thực hiện mô hình thiện nguyện này đầu tiên với thông điệp “ai thừa đến ủng hộ, ai thiếu đến lấy” theo tinh thần “lá lành đùm lá rách”.
Đến nay cô Thảo vẫn duy trì mô hình này tại nhà và luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ đóng góp quần áo từ mọi người. Người đã nhận sự sẻ chia, nếu có điều kiện có thể ủng hộ vào Quỹ “góp nhặt yêu thương” vài ngàn đồng hoặc nhiều hơn để tiếp tục lan tỏa tinh thần thiện nguyện “lá rách đùm lá rách hơn”. Đó là ý nghĩa của chương trình thiện nguyện mà cô Thảo hướng đến.
Yêu thương là cho đi
Không dừng lại ở những hoạt động quy mô, cô Phạm Thị Ngọc Thảo còn thường xuyên vận động hỗ trợ, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, hoàn cảnh đáng thương trong cuộc sống. Cô thường xuyên tổ chức tặng quà cho trẻ em đang học tập tại các lớp tình thương, xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ những chuyến xe 0 đồng cấp cứu, vận chuyển thi thể thân nhân những gia đình nghèo không đủ điều kiện về quê mai táng; hỗ trợ mai táng phí cho người có hoàn cảnh khó khăn…
Nguyễn Thị Ngọc Diễm - học sinh lớp 12, Trường THPT Tắc Vân (TP Cà Mau) được cô Thảo hỗ trợ chi phí học tập từ năm lớp 7 đến nay. “Em mồ côi cha mẹ đang sống cùng ông bà ngoại. Lúc mẹ em mất cũng được cô Thảo vận động hỗ trợ tiền mai táng. Thấy hoàn cảnh em khó khăn có nguy cơ bỏ học nên cô đến động viên và vận động nhà hảo tâm hỗ trợ chi phí học tập cho em, nhờ vậy em mới được học đến giờ. Em tâm niệm phải chăm ngoan, học thật tốt không phụ tấm lòng cô Thảo cũng như các nhà hảo tâm đã giúp đỡ em”, Ngọc Diễm chia sẻ.
Tại Phường 6, TP Cà Mau có nhiều khu trọ dành cho người chuyên chạy thận ở, người dân quen gọi là “xóm chạy thận”. Đa phần người sinh sống trong các “xóm chạy thận” đời sống khó khăn, phải bám trụ bệnh viện chữa bệnh, kinh tế kiệt quệ. Anh Châu Trọng Huynh (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) mới ngoài 30 tuổi nhưng đã có “thâm niên” hơn 10 năm phải chạy thận ở Bệnh viện Ða khoa tỉnh đều đặn 3 lần/tuần.
Gia cảnh khó khăn, anh cùng mẹ thuê phòng trọ gần bệnh viện để tiện điều trị. Qua cơn đau đớn, Huynh lại len lỏi khắp nơi trong thành phố bán vé số kiếm tiền. Một lần đến ngày chạy thận nhưng gia đình vẫn chưa gom được tiền, Huynh đã nhận được sự giúp đỡ từ cô Thảo.
“Lúc đó bệnh tình tôi chuyển nặng, chị Thảo đã kịp thời đến hỗ trợ tôi số tiền 3,5 triệu đồng để đi chạy thận, nhờ vậy tôi mới duy trì mạng sống đến nay. Từ đó về sau chị cũng hay tới lui, giúp đỡ, hỗ trợ tôi và người dân xóm chạy thận những nhu yếu phẩm thiết yếu, tiền trọ... Thậm chí nhiều người khi mất còn được chị vận động hỗ trợ cỗ quan tài... Người dân trong xóm chạy thận ai cũng quý mến và biết ơn chị”, Trọng Huynh chia sẻ.
Không chỉ thực hiện công tác thiện nguyện trong tỉnh, cô Phạm Thị Ngọc Thảo còn kết nối thực hiện các chuyến thiện nguyện ngoài tỉnh. Cô Thảo chia sẻ: Ở đâu cũng là người Việt Nam, người nào gặp khó khăn cần hỗ trợ trong điều kiện có thể mình sẽ giúp không phân biệt vùng miền.
“Bản thân tôi cũng chỉ là người kết nối giữa nhà hảo tâm với những người cần giúp đỡ, tuy nhiên, tiền, quà nhận được dù ít hay nhiều đều đáng quý, trân trọng, mình phải sử dụng đúng mục đích, trao đúng đối tượng đang cần. Tôi quan điểm làm từ thiện phải xuất phát từ cái tâm, trục lợi từ thiện sẽ phải “lấy 1 đền 10” nên luôn minh bạch, rõ ràng thông tin… vì thế những năm qua luôn nhận được sự tin tưởng từ nhà hảo tâm”, cô Thảo nói.
Với cô Phạm Thị Ngọc Thảo “yêu thương là cho đi - cho đi là còn mãi”. Để có thể làm tốt công việc thiện nguyện, cô Thảo luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn ở trường. Cô từng đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, tổng phụ trách Đội cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cơ sở và nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.
“Nhiều lúc công việc ở trường nhiều, cha già sức yếu cần người chăm sóc, tôi muốn gác lại hành trình thiện nguyện nhưng khi nghe và gặp những hoàn cảnh khó khăn là trái tim lại thôi thúc tôi làm việc thiện. Hoạt động thiện nguyện như đã ăn vào máu thịt tôi rồi chắc không ngưng được và tôi luôn tin rằng xã hội càng nhiều người tử tế thì sẽ càng ít người nghèo và ngày càng văn minh, phát triển hơn”, cô Phạm Thị Ngọc Thảo cho biết.