Trồng rau má nhập cho doanh nghiệp, nông dân Thanh Hoá ‘dài cổ’ chờ tiền

GD&TĐ - Còng lưng trồng rau má nhập cho doanh nghiệp thế nhưng hơn nửa năm qua, người nông dân điêu đứng khi không được doanh nghiệp trả tiền.

Nông dân còng lưng làm hàng tấn rau má nhập cho doanh nghiệp nhưng lại có nguy cơ bị 'bùng'. (Ảnh: NT).
Nông dân còng lưng làm hàng tấn rau má nhập cho doanh nghiệp nhưng lại có nguy cơ bị 'bùng'. (Ảnh: NT).

Nông dân "dài cổ" chờ trả nợ

Theo phản ánh của 14 hộ dân ở làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hoá), Công ty CP Tập đoàn Ngọc Xanh xứ Thanh (Công ty Ngọc Xanh) ký hợp đồng bao tiêu đầu ra sản phẩm rau má cho bà con, thế nhưng từ tháng 1/2022 đến tháng 8/2022, công ty nợ bà con số tiền hơn 180 triệu đồng nhưng chưa trả.

Theo hợp đồng, Công ty Ngọc Xanh sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm cây rau má của cánh đồng bãi, làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng.

Sản phẩm rau má theo hợp đồng phải đạt tiêu chuẩn VIETGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam). Giá thu mua sản phẩm rau má là 12.000 đồng/kg, cây giống là 14.000 đồng/kg. Trong hợp đồng đầu tiên (từ tháng 8/2021 đến tháng 2/2022), phía công ty trả tiền đầy đủ.

Ông Lương Trọng Tuấn (trú tại làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng), cho biết, kết thúc hợp đồng, Công ty Ngọc Xanh đề nghị ông ký tiếp, tuy nhiên ông không đồng ý. Dù không ký hợp đồng với công ty, nhưng từ tháng 2 đến tháng 8/2022, khi công ty có nhu cầu, gia đình ông vẫn nhập rau cho công ty. Tuy nhiên, sau khi nhận rau, Công ty Ngọc Xanh chưa thanh toán tiền.

Công ty hẹn với bà con nhưng không thực hiện. (Ảnh: NT).
Công ty hẹn với bà con nhưng không thực hiện. (Ảnh: NT).

“Trong khoảng thời gian 6 tháng, gia đình tôi nhập nhiều đợt rau cho công ty, hiện công ty đang nợ gia đình tôi 20 triệu đồng", ông Tuấn bức xúc nói.

“Người dân chúng tôi trồng rau má cung ứng cho công ty đảm bảo theo yêu cầu, nhưng không hiểu sao từ cuối năm 2022 tới nay không nhận được tiền. Hiện số rau má trồng được chúng tôi phải tự tìm nơi tiêu thụ, bán cho thương lái. Bà con nhiều lần hỏi người đại diện thì được nói công ty đang gặp khó khăn, chẳng biết khi nào mới nhận được tiền”, một nông dân khác chia sẻ.

Theo ông Lê Văn Thanh, Giám đốc chi nhánh làng cổ Đông Sơn, ông không chỉ là người đứng ra thu gom rau má của người dân nhập cho công ty mà còn là người đại diện cho công ty tại làng cổ Đông Sơn. Thế nhưng, kể từ ngày nợ tiền của dân, ông Thanh nhiều lần liên lạc không nhận được phản hồi, thậm chí không được thông báo họp.

Cũng theo ông Thanh, ban đầu Công ty Ngọc Xanh định “bùng” tiền của dân vì cho rằng rau má nhập không đảm bảo chất lượng và làm đơn kiện, thế nhưng khi công an vào cuộc thì công ty này đã nhận sai nên đã ra văn bản cam kết trả tiền cho dân.

Được biết, sau nhiều lần người dân trồng rau má có ý kiến, tháng 4/2023, đại diện người dân đã ra làm việc với Công ty Ngọc Xanh, phía công ty này có viết giấy hẹn sẽ trả tiền cho người dân chậm nhất là ngày 10/7/2023. Trường hợp nguồn tiền có sớm, sẽ thanh toán trước. Tuy nhiên, đến nay bà con trồng rau má vẫn chưa nhận được tiền.

“Hứa là vậy nhưng tới giờ người dân trồng rau má trong làng cổ Đông Sơn vẫn chưa nhận được tiền”, ông Thanh bức xúc.

Khi nào nông dân đòi được nợ?

Liên quan đến sự việc trên, ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Trưởng phòng hành chính pháp chế (Công ty Ngọc Xanh) - thừa nhận việc công ty nợ tiền 180.200.000 đồng tiền rau má của bà con ở làng cổ Đông Sơn.

Người dân điêu đứng khi bị nợ tiền trong một thời gian dài. (Ảnh: NT).
Người dân điêu đứng khi bị nợ tiền trong một thời gian dài. (Ảnh: NT).

“Thời gian đầu đơn vị hợp đồng rất rõ ràng, thanh toán sòng phẳng với bà con, tuy nhiên sau khi kết thúc hợp đồng, đơn vị có mời bà con để thực hiện ký hợp đồng lâu dài thì bà con không đồng ý.

Mặc dù không tiếp tục ký hợp đồng nhưng phía công ty vẫn thu mua rau má của bà con. Nếu như giai đoạn đầu bà con trồng rau má chất lượng sản phẩm rất tốt, đúng kỹ thuật thì sang giai đoạn sau, việc bà con không ký hợp đồng, sản xuất không đúng kỹ thuật, dẫn đến số lượng giống rau má sau khi nhập không đảm bảo”, ông Vinh thông tin.

Đại diện Công ty Ngọc Xanh cho biết, công ty làm ăn gặp nhiều khó khăn, trong khi 3 lần nhập giống từ làng cổ Đông Sơn cung cấp cho vùng nguyên liệu tại huyện Vĩnh Lộc đều bị chết. Hiện, vùng nguyên liệu này cũng đang nợ tiền giống của công ty và đây cũng chính là khoản mà công ty nợ lại của bà con làng cổ.

Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Ngọc Xanh cũng khẳng định sẽ thực hiện việc chi trả cho bà con sau khi công ty kiện toàn lại bộ máy và đi vào hoạt động ổn định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.