Nông dân Gia Lai phát rầu vì sầu riêng rụng trắng gốc

GD&TĐ - Nhiều ngày qua, nông dân Gia Lai đứng ngồi không yên khi sầu riêng liên tục rụng quả non trắng gốc.

Sầu riêng non rụng trắng gốc.
Sầu riêng non rụng trắng gốc.

Dân khóc bên gốc sầu riêng

“Tỉnh Gia Lai có khoảng 4.200ha sầu riêng, tập trung chủ yếu tại các huyện Chư Păh, Ia Grai, Chư Sê. Sầu riêng là một trong những loại trái cây đặc sản nên quy trình trồng và chăm sóc rất khó. Do đó, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai khuyến cáo người dân không nên ồ ạt tăng diện tích khi chưa nắm vững kỹ thuật nhằm tránh nguy cơ gặp rủi ro, giảm giá do cung vượt cầu”.

Với 50 cây sầu riêng, năm 2022 gia đình ông Phạm Văn Khoa (thôn 4, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) thu được khoảng 7 tấn quả, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Thế nhưng, năm nay sầu riêng rụng gần hết quả non.

“Tôi không biết tại sao sầu riêng đậu quả được một thời gian rồi rụng. Có những quả rụng khi được khoảng 1kg. Gia đình đã đầu tư hơn 40 triệu đồng, chưa tính công chăm sóc. Tôi hy vọng thời tiết ổn định để sầu riêng phát triển giúp gia đình thu đủ vốn”, ông Khoa nói.

Cũng giống như ông Khoa, nhiều ngày nay, gia đình anh Nguyễn Thế Anh (thôn 6, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) mất ăn, mất ngủ vì sầu riêng non rụng trắng gốc.

Theo anh Thế Anh, với hơn 1,5ha sầu riêng mỗi năm anh sử dụng khoảng 70% phân hữu cơ và 30% phân hóa học.

Gia đình anh Thế Anh cũng chú ý phun thuốc phòng bệnh và thường xuyên tưới nước cho cây vào mùa nắng nóng. Năm nay, gia đình cũng áp dụng biện pháp tương tự, tuy nhiên sầu rụng liên tục.

“Những năm trước quả non cũng rụng nhưng không nhiều như bây giờ. Có những cây già, to nhưng chỉ còn khoảng 5 - 6 quả. Mỗi ngày ra thăm vườn, nhìn thấy quả rụng không ngừng gia đình rất xót xa. Nếu quả cứ rụng thế này sẽ phải chịu lỗ”, anh Thế Anh tâm sự.

Có kinh nghiệm nhiều năm trồng sầu riêng với thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm, nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Lan (thôn 3, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) vẫn không tìm được nguyên nhân sầu non liên tục rụng.

Khi thấy sầu non rụng, gia đình đã cố gắng tìm hiểu, “cứu chữa” nhưng bất thành. Sầu rụng ngày một nhiều, hiện số lượng quả trên cây chỉ còn khoảng 1/3 so với những năm trước.

“Gia đình tôi đã đầu tư khoảng 180 triệu đồng cho 150 cây sầu riêng. Tuy nhiên, với tình trạng quả non rụng nhiều thế này thì chắc thu không đủ tiền bỏ ra, chưa nói đến công chăm sóc”, bà Lan buồn rầu nói.

Tìm giải pháp giúp người dân

Người dân Gia Lai lo thất thu vì sầu riêng non rụng liên tục.

Người dân Gia Lai lo thất thu vì sầu riêng non rụng liên tục.

Ông Võ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Păh, cho biết, toàn huyện có 753ha sầu riêng, trong đó có hơn 160ha đang trong thời kỳ thu hoạch.

Theo ông Tấn, hoa và quả sầu riêng rụng do ảnh hưởng bởi thời tiết.

Do đó, đơn vị khuyến cáo bà con sử dụng phân bón trung vi lượng cho cây. Còn nếu gặp mưa nhiều cần sử dụng một số biện pháp phòng trừ nấm bệnh để giúp cây nhanh phục hồi.

Còn huyện Ia Grai có hơn 600ha sầu riêng, trong đó 450ha đang cho thu hoạch.

Theo ông Phan Đình Thắm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ia Grai, thời tiết thất thường, mưa kèm gió lớn khiến nhiều vườn cây bị sốc nhiệt, rụng quả.

Hiện, Phòng NN&PTNT huyện đã cử cán bộ xuống các xã, thị trấn để thống kê số diện tích sầu riêng bị hại do thời tiết.

“Bên cạnh đó, chúng tôi tìm hiểu sâu về những biện pháp khắc phục nhằm hướng dẫn cho người dân nâng cao hiệu quả canh tác”, ông Thắm nói.

Tương tự, huyện Chư Sê, Gia Lai cũng có 500ha sầu riêng, trong đó khoảng 300ha trong thời kỳ đậu trái.

Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho hay, qua nắm bắt sơ bộ, năng suất sầu riêng năm nay giảm so với năm trước và không tránh khỏi nguy cơ mất mùa.

“Trước tình hình trên, chúng tôi phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn người dân tập trung chăm sóc vườn sầu riêng cho đến khi thu hoạch”, ông Hợp thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.