Đa dạng hoạt động giúp nông dân Quảng Ninh giảm nghèo

GD&TĐ - Hội Nông dân (HND) tỉnh Quảng Ninh thông qua các phong trào thi đua, các hoạt động nhằm giúp các hội viên làm giàu, vượt khó khăn.

Người dân thị xã Đông Triều chăm sóc hoa. Ảnh: Minh Cương
Người dân thị xã Đông Triều chăm sóc hoa. Ảnh: Minh Cương

Thành lập mô hình hợp tác xã liên kết

Tính đến đầu năm 2023, Quảng Ninh có hơn 99.000 hội viên HND ở 63.915 hộ dân vùng nông thôn. Hội đã vận động các hội viên tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Hiện có 61.937/63.915 hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Bên cạnh đó, các cấp HND trên địa bàn tỉnh còn xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

Cụ thể, HND tỉnh tiến hành khảo sát, đánh giá chất lượng hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể, liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại 7 địa phương. Phối hợp, vận động xây dựng, thành lập mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất kinh doanh nông sản an toàn theo chuỗi. Từ năm 2022 đến nay, hội đã hướng dẫn, vận động thành lập mới 20 hợp tác xã, 19 tổ hợp tác.

Hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân phát triển các mô hình kinh tế tại các địa phương cũng được đẩy mạnh, như: HND huyện Bình Liêu vận động nhân dân trồng 130ha dong riềng. Phối hợp với Công ty cổ phần thông Quảng Ninh cung ứng trên 80.000 cây thông cho trên 40 hội viên, hộ nông dân trồng trên diện tích 50ha. HND thị xã Đông Triều cung ứng được trên 200 tấn phân bón trả chậm các loại cho hội viên với tổng số tiền trên 2,1 tỷ đồng.

Hỗ trợ nông dân vay vốn

HND các cấp còn tích cực hoạt động tư vấn, hỗ trợ hộ nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Tính đến hết tháng 10/2022, tổng nguồn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh là 73,431 tỷ đồng. Qua đó, đến hết năm 2022, dư nợ cho hội viên HND vay đạt 70,792 tỷ đồng với 1.034 hộ vay qua 194 dự án.

Nguồn vốn đã được các cấp hội thẩm định cho vay đúng đối tượng, đầu tư sử dụng đúng mục đích, bám sát quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của tỉnh. Các hộ nông dân được vay vốn chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và trồng cây công nghiệp. Các dự án vay vốn đều phải là mô hình liên kết, gắn với thành lập các chi, tổ HND nghề nghiệp, các câu lạc bộ nông dân theo ngành nghề.

Mô hình trồng cam kết hợp du lịch trải nghiệm tại huyện Vân Đồn. Ảnh: Minh Cương

Mô hình trồng cam kết hợp du lịch trải nghiệm tại huyện Vân Đồn. Ảnh: Minh Cương

Để tạo điều kiện cho hội viên vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, HND của cả 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đều ký kết hợp đồng ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội cùng cấp. Phối hợp với các ngân hàng khác hỗ trợ bà con vay vốn. Qua đó, đến hết tháng 10/2022, tổng dư nợ cho vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội ủy thác qua tổ chức HND toàn tỉnh đạt 1.258,168 tỷ đồng cho 22.443 hộ vay, thông qua 679 tổ vay vốn; tổng dư nợ của ngân hàng NN&PTNT cho vay qua tổ vay vốn do HND quản lý tính là 640,917 tỷ đồng cho 4.889 hộ vay...

Cùng với hoạt động hỗ trợ giúp hội viên vay vốn, các cấp HND trên địa bàn tỉnh còn đẩy mạnh hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp. Từ năm 2022 đến nay, HND tỉnh đã tổ chức 13 hội nghị tuyên truyền công nghệ số, công nghệ thông tin về sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản cho 520 hội viên nông dân là chủ cơ sở kinh doanh, sản xuất, trang trại, gia trại. Tổ chức 18 hội nghị tại 13 huyện, thị xã, thành phố, tuyên truyền công nghệ số, công nghệ thông tin, tập huấn hướng dẫn tạo tài khoản, xây dựng các video quảng bá giới thiệu sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.

Hội cũng phối hợp tổ chức hoạt động kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart cho 53 nhà cung cấp với 108 sản phẩm OCOP. HND các địa phương đã cung cấp thông tin của 9.598/48.920 hộ sản xuất nông nghiệp để cập nhật lên sàn giao dịch...

Ông Vũ Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến (xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên) cho biết, nhờ HND và chính quyền địa phương hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm mà sản phẩm trứng vịt biển của đơn vị tiêu thụ rất tốt, nhờ đó thu nhập của bà con hội viên cũng ổn định.

Hoạt động của HND các cấp đã góp phần giúp hội viên giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Đến cuối năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành mục tiêu giảm nghèo theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đã đề ra.

Toàn tỉnh chỉ còn 258 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,067%), trong đó các địa phương: Hạ Long, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô không còn hộ nghèo. Tại hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017-2022, có 1 hộ hội viên HND của tỉnh vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 4 hộ được nhận bằng khen Ban Chấp hành Trung ương HND Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ