Trong lễ vinh danh, thầy giáo nghẹn ngào gặp lại mẹ cha

GD&TĐ - Là một trong những thầy cô giáo được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, câu chuyện của thầy giáo Đoàn Văn Kiều - giáo viên Trường PTCS Sơn Hải (Kiên Giang) - còn lắng đọng mãi bởi lòng yêu nghề cầm phấn và giọt nước mắt cảm động khi được gặp cha mẹ sau nhiều năm xa cách.

Thầy Kiều bất ngờ khi được gặp bố mẹ trên sân khấu chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô".
Thầy Kiều bất ngờ khi được gặp bố mẹ trên sân khấu chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô".

Thầy Đoàn Văn Kiều đã có cuộc gặp gỡ đầy cảm động với bố mẹ ngay trên sân khấu. Trước đó, Ban tổ chức đã "bí mật" đón bố mẹ thầy Kiều là bác Tề và bác Sen từ Thái Bình ra Hà Nội. Phía sau sân khấu, bác Sen - mẹ thầy Kiều - hồi hộp: 6 năm không gặp,  giờ con trai tôi không biết gầy, béo thế nào?

Giây phút bố mẹ mình xuất hiện trên sân khấu, thầy Đoàn Văn Kiều chạy lên ôm chầm lấy người thân sau nhiều năm xa cách. 

Nước mắt rơi và niềm vui vỡ òa khi thầy Kiều được gặp bố mẹ mình ngay trên sân khấu của chương trình. Niềm hạnh phúc tột độ khiến những người làm cha làm mẹ, những người thầy, người cô và cả những ai được kể lại cũng xúc động nghẹn ngào...

17 năm về thăm nhà được 4 lần

Thầy Kiều sinh ra và lớn lên ở Tiền Hải (Thái Bình). Vì ước mơ của tuổi trẻ là được cống hiến cho giáo dục ở những nơi còn khó khăn nên sau khi tốt nghiệp Hóa – Sinh, thầy giáo trẻ hăm hở lên đường nhận công tác ở Kiên Giang.

Biết con trai đi công tác xa, bà Sen khóc mãi: Kiên Giang là đâu, mẹ nào có biết.? Con đi xa thế, có ai chăm con, có ai gần gũi để bầu bạn? Rồi đi ra đảo, sóng nước lênh đênh bao giờ con mới về với bố mẹ…?

Động viên mẹ nguôi ngoai, thầy giáo trẻ xách balo đi mà không dám nhìn lại sợ mẹ giữ chân. Thầy Kiều đã về nhận công tác tại Trường Phổ thông Kiên Hải (Kiên Giang) đến nay đã 17 năm.

Thế nhưng, trong suốt 17 năm ấy, thầy mới về thăm gia đình được 4 lần. Lần nào về cũng chớp nhoáng lại đi. Mỗi lần nhớ nhà, thầy Kiều chỉ gọi điện hỏi thăm.

Bố mẹ đã già, tuổi 70 cũng không dễ chống chọi với thời tiết mỗi khi trái gió trở trời. Vậy mà lần nào bố mẹ cũng nói khỏe cho con trai yên tâm công tác.

Nhiều khi mẹ bệnh nặng khỏi rồi, con mới biết tin. Nghĩ đến chữ hiếu và phận làm con, thầy Kiều không khỏi xót xa, nhưng nhìn các học trò ngoài đảo với làn da đen giòn rám nắng mà nụ cười trong veo, lòng người thầy trĩu lại!

Hiện, thầy Kiều đã có gia đình gồm một vợ và hai con nhỏ. Vợ thầy là giáo viên hiện đang công tác tại Trường Tiểu học Thuận Yên, thị xã Hà Tiên (Kiên Giang).

Hai vợ chồng với 2 đơn vị công tác ở hai huyện khác nhau, nên một tuần chỉ gặp nhau vào ngày thứ Bảy. Chủ Nhật, thầy Kiều lại ra đảo với học trò.

Hai con nhỏ nhiều lần khóc nhớ bố, nhưng thầy Kiều nói: Tương lai của các em học sinh ngoài đảo còn mông lung lắm, không có người chỉ dạy, hướng dẫn thì các em cũng sẽ nghỉ học hết  thôi.

Tự sáng chế mô hình cho trò

Sơn Hải là xã đảo thuộc quần đảo Bà Lụa cách đất liền 15 km, do đặc thù là xã đảo nên điều kiện kinh tế, đi lại còn gặp rất nhiều khó khăn. Các em học sinh chủ yếu theo cha mẹ đi làm ăn kinh tế và đi biển sớm nên đi học thất thường, hay bỏ học.

Thậm chí, có nhiều em học lực khá, giỏi nhưng nhà nghèo quá không có điều kiện học tiếp. Mỗi hoàn cảnh ấy đều khiến các thầy cô thương xót và lo lắng cho tương lai của các em.

Do đặc thù là xã đảo nên đi lại phụ thuộc chủ yếu vào tàu thuyền, đặc biệt là những ngày mưa bão gió lớn, việc đi lại của người dân gặp nhiều trở ngại.

Nhưng những khó khăn đó đã không làm nản lòng những người giáo viên yêu nghề, mến trẻ nơi đảo xa, mà trái lại càng tiếp thêm nghị lực, nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn, yêu nghề, quyết tâm gắn bó với nghề.

Thương các em học sinh chịu nhiều thiệt thòi, thầy Kiều đã không ngừng cố gắng làm thêm nhiều thiết bị đồ dùng dạy học để phục vụ công tác giảng dạy của mình.

Những mô hình về động vật, hệ thần kinh, các lớp xương sống. Đó là những sáng kiến kinh nghiệm thiết thực nhất góp phần tiết kiệm chi phí cho nhà trường.

Nhưng điều quan trọng nhất chính là niềm vui, ánh mắt rạng ngời của các em học sinh khi được quan sát thấy những mô hình đồ dùng tự làm của giáo viên.

Thành tích đặc biệt của thầy trò ngoài đảo nghèo

Không dừng lại ở việc làm thiết bị đồ dùng dạy học , thầy Kiều còn hướng dẫn các em tham gia tập thể thao nâng cao sức khỏe cũng như tham dự các kỳ hội khỏe Phù Đổng hàng năm. Qua đó, thầy Kiều đã gặt hái được những thành công, đã có nhiều em đạt thành tích cao trong các kỳ hội khỏe cấp huyện, tỉnh.

Đặc biệt hơn, thầy giáo và học trò xã đảo đã đạt giải Nhì cấp huyện, giải Nhất cấp tỉnh, giải Ba cấp quốc gia về nghiên cứu khoa học môn Sinh học. Đó là động lực để nuôi dưỡng những mầm xanh ngoài đảo tiếp tục phấn đấu khẳng định bản thân mình.

Thầy Kiều còn cùng với đồng nghiệp trong trường đi vận động các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ra lớp, phát động các phong trào quyên góp sách vở, quần áo còn sử dụng được hỗ trợ cho các em khó khăn hơn hay tổ chức phụ đạo bồi dưỡng cho các em học sinh yếu, ôn luyện các em học sinh giỏi của nhà trường.

Tính đến thời điểm này xã đảo Sơn Hải đã có 4 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, một em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh thuộc bộ môn Sinh học do thầy Kiều trực tiếp giảng dạy, một học sinh đạt giải nhì cấp huyện, giải nhất cấp tỉnh, giải ba cấp quốc gia cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học do Bộ Giáo dục phát động…

Tất cả những điều đó đã tạo nên niềm vui, tinh thần phấn khởi, nhiệt tình hơn trong công tác và đặc biệt hơn nó góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của xã đảo Sơn Hải và toàn ngành Giáo dục.

Thầy Đoàn Văn Kiều là giáo viên được tuyên dương trong Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô". Chương trình do Trung Ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD&ĐT phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

Tối 12/11, 42 thầy cô giáo tiêu biểu (trong đó có 5 thầy cô giáo không đến dự được) đã được tuyên dương tại sân khấu Nhà hát Chèo Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ