Trong bất định, càng phải giữ ổn định vĩ mô

GD&TĐ - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo đó, Chính phủ phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công; phát triển văn hóa hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở;...

Đáng chú ý, trong số 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành, Chính phủ nhấn mạnh “kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”.

Nhìn lại những năm qua có thể thấy Chính phủ đã luôn nhất quán quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và kiên trì điều hành nền kinh tế theo định hướng này. Nhờ đó, các chỉ số vĩ mô đều khá “đẹp”.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 chỉ 3,15%, giảm mạnh so với giai đoạn 2011 - 2015 (7,65%). Lạm phát cơ bản bình quân giai đoạn này là 1,81%, giảm mạnh so với giai đoạn 2011 - 2015 là 6,31%.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng được xử lý, kiểm soát ở mức dưới 3% và liên tục giảm qua mỗi năm. Nợ công so với GDP giảm mạnh và nằm trong ngưỡng kiểm soát.

Chính nền tảng ổn định dày công bao năm mới có được đã hỗ trợ nước ta vượt qua bão Covid-19 năm 2020 và đạt được mức tăng trưởng cao thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Tuy vậy nền tảng này đang bị lung lay! CPI bình quân năm 2021 tuy chỉ tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016 song ở trong nước, giá nhiều mặt hàng, nhất là nguyên vật liệu như thép, dầu đang duy trì đà tăng mạnh; còn ở bên ngoài, các nước đang tích cực triển khai các gói kích thích kinh tế khổng lồ.

Hai yếu tố này cùng với diễn biến từ Chương trình phục hồi kinh tế, độ trễ cung tiền, giá bất động sản, chứng khoán… chắc chắn sẽ gia tăng sức ép lên lạm phát.

Nợ xấu cũng là mối lo rất lớn! Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ nợ xấu (tính cả nợ tiềm ẩn, nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng - VAMC, nợ có khả năng chuyển xấu) tăng lên 3,79%.

Nếu tính cả các khoản nợ được cơ cấu lại, giãn hoãn nợ theo Thông tư 01 (Thông tư 03 và Thông tư 14 sửa đổi), nợ xấu có thể lên tới 8,2%, tăng vọt so với cuối năm 2020 là 5,08%. Thậm chí tỷ lệ này có thể cao hơn trong thời gian tới nếu dịch bệnh vẫn còn phức tạp

Bên cạnh đó, sự “thăng hoa” của thị trường chứng khoán, giá bất động sản tăng bất thường là những chỉ dấu cho thấy hưởng lợi chính từ chính sách tiền tệ mở rộng dường như không phải là lĩnh vực sản xuất. Bong bóng tài sản luôn để lại những hậu quả lớn cho nền kinh tế.

Lạm phát và nợ xấu ngân hàng là hai trong số những hậu quả trầm trọng mà bong bóng đầu cơ bất động sản để lại trong giai đoạn 2007 - 2008. Không chỉ gây bất ổn kinh tế vĩ mô, làm chậm quá trình hồi phục của nền kinh tế, bong bóng tài sản còn làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.

Nhìn vào những rủi ro hiện hữu có thể hiểu vì sao “tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” và “kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô” được Chính phủ xác định là mục tiêu hàng đầu trong năm 2022.

Càng trong bối cảnh bất định, càng phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để tăng sức chống chịu cho nền kinh tế và khi dịch qua đi, chúng ta mới có thể nhanh chóng phục hồi, phát triển bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ