Trọng tâm vẫn là mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Trọng tâm vẫn là mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

(GD&TĐ) - Hôm nay (26/5) tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã tiến hành phiên họp thường kỳ tháng 5/2013; trao đổi về tình hình kinh tế - xã hội đất nước tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2013, bàn các hướng đi trong thời gian tới cũng như một số vấn đề trọng tâm khác của đất nước.

Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 5/2013, thông tin sơ bộ về một số nội dung được dư luận xã hội quan tâm diễn ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Ghi nhận những chuyển biến tích cực

Phát biểu chủ trì họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết tại phiên họp  Chính phủ, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ thống nhất đánh giá: Trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung và tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, và các Nghị quyết của Chính phủ; đồng thời tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch đề ra.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, ngày 26/5/2013. Ảnh: VGP/
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, ngày 26/5/2013. Ảnh: Nhật Bắc

Trong tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định: Thành lập Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam nhằm xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế; một số chính sách về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng đến 2020; chỉ thị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước; qui định về phát triển ứng dụng và quản lý phát triển thương mại điện tử; qui định về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục; qui chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; đánh giá kết quả 4 tháng thực hiện triển khai Đề án Phòng ngừa, ngăn chặn, vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép; chỉ đạo các giải pháp tiêu thụ lúa gạo; quy định nâng mức hỗ trợ lên 100% mệnh giá mua bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo...  

Kinh tế - xã hội trong 5 tháng đầu năm 2013 tiếp tục có những chuyển biến đúng hướng và đạt nhiều kết quả. Nổi bật là: Lạm phát được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2013 giảm nhẹ 0,06% so với tháng trước (là tháng thứ 2 có mức tăng CPI âm trong vòng 5 tháng đầu năm). So với tháng 12/2012, CPI tháng 5/2013 tăng 2,35%, là mức tăng thấp nhất trong 4 năm qua… Cùng với đó, bảo đảm an sinh xã hội vẫn được tăng cường trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tuy nhiên, số người chết vì tai nạn giao thông tăng.

Kết quả kinh tế - xã hội vẫn chưa được như mong muôn

Về định hướng điều hành trong thời gian tới, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: Chính phủ kiên định mục tiêu lớn đã đề ra đầu năm. Theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp, những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội thực tế chưa được như mong muốn, nhiều chính sách chậm đi vào cuộc sống, một số lĩnh vực còn gặp quá nhiều khó khăn...

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không chủ quan, lơ là trong thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, coi đây là tiền đề có ý nghĩa quyết định cho việc thực hiện các mục tiêu khác. Thủ tướng chỉ đạo song song với việc thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, phải thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng, song phải là tăng trưởng bền vững; không vì tăng trưởng trước mắt mà đẩy lạm phát cao trở lại và làm ảnh hưởng tới tái cơ cấu nền kinh tế.

Với tinh thần như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát, kiên định các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra từ đầu năm (từ mục tiêu tổng quát cho tới các giải pháp chủ yếu), khắc phục cho được những mặt còn hạn chế; cố gắng đưa nhanh chủ trương, chính sách vào cuộc sống nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu trên các lĩnh vực.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không chủ quan trong thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, coi đây là tiền đề có ý nghĩa quyết định cho việc thực hiện các mục tiêu khác. Ảnh: VGP
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không chủ quan trong thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, coi đây là tiền đề có ý nghĩa quyết định cho việc thực hiện các mục tiêu khác. Ảnh: Nhật Bắc

Theo đó, cần tiếp tục giữ ổn định về giá cả; kiểm soát chặt chẽ mức lãi suất huy động, cho vay; hướng tăng trưởng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, có đầu ra, có thị trường như nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, những ngành nghề sử dụng nhiều lao động, có sức lan tỏa lớn, tác động mạnh tới sự phát triển KT-XH của đất nước.

Gắn tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh với thực hiện hiệu quả tái cơ cấu kinh tế cũng là một yêu cầu trọng tâm được Thủ tướng đặt ra. Trong đó, chú trọng việc hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bởi đây là trụ cột của nền kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay để phát triển sản xuất; tiếp tục thực hiện sâu rộng chính sách tạm mua dự trữ cũng như thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ khác đối với người nông dân, tránh những thiệt hại kinh tế xảy ra…

Không để tái diễn sự cố như đã xảy ra với đường dây 500kV

Bên cạnh việc cung cấp các thông tin trọng tâm của phiên họp Chính phủ, tại buổi họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng đã làm rõ nhiều vấn đề nổi cộm được các nhà báo đặt ra như: nguy cơ thiểu phát của nền kinh tế; giải pháp nâng tổng cầu; khả năng phát hành thêm trái phiếu đầu tư; kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông; vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; một số vấn đề liên quan đến quan điểm của Chính phủ về những nội dung kiến nghị sửa đổi Hiến pháp mà Chính phủ chuẩn bị trình lên Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 đang diễn ra…

Bộ trưởng Vũ Đức Đam trao đổi với báo chí tại buổi họp báo
Bộ trưởng Vũ Đức Đam trao đổi với báo chí tại buổi họp báo

Một nội dung rất “nóng” vừa xảy ra là sự cố mất điện ở hơn 20 tỉnh, thành phía Nam do sự cố ở Bình Dương cũng được một số cơ quan thông tấn đặt ra đối với người phát ngôn Chính phủ và các cơ quan hữu quan. Về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, đây là một sự cố lớn chưa từng có nên Thủ tướng Chính phủ đã nghe ý kiến của Bộ Công Thương, yêu cầu Bộ Công Thương xem xét một cách rất nghiêm túc tất cả mọi mặt để làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm.

“Chúng ta đã có Luật để bảo đảm an toàn các công trình, trong đó có các công trình điện, đặc biệt có công trình hành lang lưới điện cao áp. Trường hợp này quy định đã có rồi, vậy thì trách nhiệm của ngành, cấp liên quan tới việc thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hành lang này đã nghiêm túc chưa.

Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo ngành điện xem xét nghiêm túc”, ông Đam nhấn mạnh. Đồng thời, người phát ngôn của Chính phủ cũng nêu rõ Chính phủ yêu cầu ngành điện xem xét lại toàn diện các vấn đề để đảm bảo không xảy ra các sự cố lặp lại như vậy và các sự cố có tính nghiêm trọng tương tự.

Tham gia trả lời họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cũng thừa nhận: “Qua sự cố vừa rồi, điều đầu tiên chúng tôi có thể thấy được là tính dễ tổn thương của đường dây truyền tải 500kV. Sự cố tương tự không chỉ duy nhất xảy ra ở nước ta mà cũng đã xảy ra ở một số nước phát triển hơn nước ta rất nhiều”.

Ông Quang cho biết thêm, ngay sau sự cố xảy ra, Bộ Công Thương cùng Tập đoàn Điện lực Việ Nam đã có báo cáo sơ bộ lên Chính phủ. Đồng thời Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện nguyên nhân, tình trạng, cách khắc phục để đưa ra những biện pháp trong thời gian tới như thế nào. Theo Thứ trưởng Quang, Bộ Công thương sẽ hoàn thành báo cáo này để để trình lên Chính phủ trong thời gian sớm nhất có thể.

Khánh Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.