Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Trong 2 ngày 27 và 28/8, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8/2013, thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 8 tháng của năm 2013 và bàn các giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2013
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2013
 

Kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng Tám và 8 tháng vừa qua, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, trong 8 tháng qua, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ.

Nhờ sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và toàn dân triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng, tình hình kinh tế-xã hội trong 8 tháng năm 2013 mặc dù còn khó khăn song đã có những chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực, đúng hướng.

Cụ thể là kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, lạm phát tiếp tục được kiềm chế; lãi suất giảm; tăng trưởng tín dụng có những chuyển biến tốt; khó khăn trong sản xuất, kinh doanh từng bước được tháo gỡ; sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục có những bước cải thiện; sản xuất nông nghiệp tuy chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ nhưng vẫn được duy trì tương đối ổn định; lĩnh vực dịch vụ phát triển khá; xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra; tỷ lệ nhập siêu thấp; giải ngân vốn ODA đạt khá, vốn FDI đăng ký và thực hiện cao hơn cùng kỳ…

Bên cạnh đó, các chính sách về an sinh và phúc lợi xã hội tiếp tục được bảo đảm, tạo việc làm cho trên 990.000 người, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, nền kinh tế phục hồi chậm và vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại; dư nợ tín dụng tăng chậm; lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao và doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn vay; hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn..

Trên cơ sở phân tích những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế còn tồn tại, dự báo tình hình,... ý kiến của nhiều thành viên Chính phủ đề xuất, thời gian tới tiếp tục dành ưu tiên cho thực hiện mục tiêu kép là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát đi đôi với việc thúc đẩy đà phục hồi kinh tế, duy trì tăng trưởng hợp lý. Đồng thời triển khai quyết liệt hơn nữa tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; đảm bảo phúc lợi và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân.

Tập trung giải phóng mặt bằng, giải ngân các công trình trọng điểm

Tại phiên họp, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền; Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng và một số thành viên Chính phủ... đề xuất cần tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với tình hình lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; thực hiện tốt các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; tích cực triển khai các chương trình phát triển thị trường trong và ngoài nước; triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động; quan tâm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giải quyết khó khăn về nhà ở cho các đối tượng xã hội...

Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình, chỉ đạo sát sao các biện pháp phòng chống thiên tai, dịch bệnh; khắc phục và hạn chế tối đa hậu quả do thiên tai gây ra; chỉ đạo chuẩn bị tốt nguồn cung thực phẩm cho những tháng cuối năm; đồng thời tập trung quan tâm nhân rộng các mô hình sản xuất hàng hóa chất lượng cao, hiệu quả gắn với chuỗi giá trị kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ.

Liên quan đến hoạt động đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa hoạt động đầu tư công, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, gây thất thoát, lãng phí; đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thực hiện các dự án đầu tư; tăng cường các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển; đặc biệt phải hết sức chú trọng đến cải cách thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định, việc cải cách thể chế có ý nghĩa hết sức quan trọng, nếu không quan tâm cải cách về thể chế sẽ không tạo ra được động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển.

Nhấn mạnh những kết quả tích cực trong hoạt động xuất khẩu thời gian qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị tiếp tục tập trung mạnh vào chỉ đạo phát triển thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là phát triển các thị trường xuất khẩu đối với sản phẩm hàng hóa chủ lực, có lợi thế của Việt Nam.

Khẳng định những bước đi đúng hướng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh bên cạnh những kết quả đạt được, cần phải thẳng thắn nhìn nhận và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong nội tại của nền kinh tế; đề nghị tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đi đôi với duy trì đà phục hồi của nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất kinh doanh, ứng dụng mạnh khoa học kỹ thuật vào sản xuất...

Ngoài ra, đề xuất cần chỉ đạo quyết liệt hơn công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt những dự án quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lớn về kinh tế-xã hội; phấn đấu từng bước lấy lại đà tăng trưởng cao của ngành công nghiệp; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao nâng cao năng suất, chất lượng của các sản phẩn hàng hóa nông nghiệp; triển khai thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới... là những vấn đề lớn được nhiều thành viên Chính phủ đề cập tại phiên họp.

Kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng Támd và 8 tháng qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, các lĩnh vực; song những kết quả đạt được có mặt còn chưa vững chắc, có mặt còn chậm, có mặt còn giảm.

Nhấn mạnh nhiệm vụ đặt ra cho những tháng cuối năm 2013 và thời gian tới là hết sức nặng nề và còn nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương tiếp tục kiên định, không được chủ quan, lơ là mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý, khoảng 5,3-5,4%.

Với tinh thần chung như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ tiền tệ, tài khóa, thị trường giá cả để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong kiểm soát, điều hành giá cả, tránh tác động tiêu cực do điều hành giá cả đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo thực hiện cho được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 7%; kiểm soát chặt chẽ tỷ giá; tiếp tục rà soát, điều hành lãi suất phù hợp với chiều hướng giảm của lạm phát. Đồng thời chỉ đạo quyết liệt các biện pháp tăng cường quản lý thu chi ngân sách Nhà nước; không thay đổi tổng mức dự toán thu, chi; giữ bội chi ngân sách 4,8% như đã được thông qua.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công và giải ngân vốn đầu tư; khẩn trương triển khai, giải ngân nguồn vốn ứng trước cho các công trình cấp bách, cần thiết và nguồn vốn đối ứng ODA.

Về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, xử lý nợ xấu; thực hiện tốt công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Nêu rõ xuất khẩu là một điểm sáng của nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh cần đặc biệt quan tâm dành nguồn lực đầu tư phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư; đồng thời, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, cải tiến phương pháp tổ chức, quản lý sản xuất nông nghiệp để phát triển theo chiều sâu.

Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý cho phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh; ứng dụng mạnh khoa học kỹ thuật và sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Bên cạnh đó, các ngành, các cấp cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Quan tâm phát triển y tế, giáo dục, đặc biệt đối với các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý cần tiếp tục tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm chủ quyền quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chỉ đạo thực hiện tốt hoạt động hội nhập quốc tế nhằm góp phần tăng cường nguồn lực, bảo đảm lợi ích quốc gia.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã nghe và thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2013 và dự kiến kế hoạch phát triển năm 2014; kết quả thực hiện phát triển kinh tế-xã hội từ năm 2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến hết năm 2015; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về kinh tế-xã hội, trọng tâm là thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; Đề án sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia; Báo cáo lệ phí trước bạ ôtô...

Theo TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ