Trợ lực nghiên cứu khoa học trong sinh viên

GD&TĐ - “Đề tài của nhóm được giải thưởng cao, bên cạnh niềm đam mê, nỗ lực nghiên cứu của nhóm, còn có sự hỗ trợ của thầy cô nhà trường. Thế nhưng, để nghiên cứu đi vào cuộc sống cần có nhiều yếu tố, trong đó có nguồn kinh phí, đơn vị tài trợ ý tưởng…”. 

Nhóm sinh viên giới thiệu thiết bị Hệ thống cảm biến không dây phục vụ sản xuất nấm.
Nhóm sinh viên giới thiệu thiết bị Hệ thống cảm biến không dây phục vụ sản xuất nấm.

Đó là lời tâm tình của nhóm 3 sinh viên Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT), có đề tài đạt giải Ba tại Vòng thi chung kết Cuộc thi “TI MCU DESIGN CONTEST 2015” (Cuộc thi Thiết kế Ứng dụng với vi điều khiển Texas Instruments Ti Mcu Design Contest 2015) khu vực miền Nam.

Sáng tạo từ thực tiễn

Cuộc thi “TI MCU DESIGN CONTEST 2015” do Texas Instruments Việt Nam phối hợp cùng các Trường ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, ĐH Bách Khoa Hà Nội tổ chức ở 3 khu vực trên cả nước. Tại vòng thi chung kết của cuộc thi khu vực miền Nam đầu tháng 10/2015 vừa qua, trong 15 đội thi của các trường ĐH khu vực miền Nam, Trường ĐHCT có 2 đội đạt giải Ba và giải Trình bày tốt nhất.

Trong đó giải Ba thuộc về đề tài “Dùng sóng siêu âm để giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng khác lên nông sản sau thu hoạch” của nhóm 3 sinh viên (thuộc Khoa Công nghệ) thực hiện gồm: Huỳnh Minh Trí (Cà Mau), sinh viên ngành Kỹ thuật máy tính K38; Trần Hữu Nghi (Trà Vinh), sinh viên ngành Kỹ thuật điện tử truyền thông K38 và Lê Tấn Mỹ (Đồng Tháp), sinh viên ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa K38.

Xuất thân “rặt” nhà nông nên 3 bạn Trí, Nghi, Mỹ có chung ý tưởng: Bằng cách nào để các loại nông sản do nông dân trồng vừa đạt năng suất cao, vừa đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm. Vấn đề đặt ra là cần phải có giải pháp công nghệ cao để loại bỏ các dư lượng chất hóa học còn tồn đọng trong nông sản sau khi thu hoạch. Từ ý tưởng này, 3 bạn hợp tác thực hiện đề tài nghiên cứu liên quan việc làm sạch nông sản bằng công nghệ cao. Theo bạn Mỹ, có nhiều phương pháp làm sạch bằng công nghệ cao đã và đang áp dụng vào đời sống; trong đó có công nghệ làm sạch bằng sóng siêu âm (như: vệ sinh các chi tiết máy, bảo quản nông sản sau khi thu hoạch giúp giữ độ tươi của nông sản được lâu hơn, vệ sinh các dụng cụ y tế…) mà không ô nhiễm môi trường.

Với những ưu điểm này, nhóm nghiên cứu thiết kế mô hình ứng dụng sóng siêu âm có khả năng làm sạch các chất hữu cơ, làm giảm hàm lượng chất hóa học còn tồn đọng trong các loại nông sản sau thu hoạch, góp phần giảm thiểu ngộ độc, bảo vệ sức khỏe người sử dụng, chống lại một số bệnh ung thư nguy hiểm khác. Mô hình hệ thống thực hiện được các tính năng như: Bộ phát phát sóng siêu âm có thể điều chỉnh tần số từ 20Khz đến 40Khz dùng vi điều khiển MSP430G2553; bộ khuếch đại tín hiệu và điều khiển công suất loa siêu âm 100W/28Khz và bộ hiển thị chế độ làm việc của hệ thống bằng LCD.

Bạn Nghi nói: “Đề tài này giải quyết 2 vấn đề là làm sạch rau củ quả và chi phí bảo quản thấp hơn, bảo vệ môi trường. Kết quả thực nghiệm trên hệ thống thiết kế này có xác nhận của trung tâm kiểm định - Phòng thí nghiệm chuyên sâu Trường ĐHCT”.

Tương tự, với mục đích giúp nông dân tiết kiệm công sức, chi phí trồng nấm, nhóm sinh viên ngành Kỹ thuật điện tử và truyền thông K38 (thuộc Khoa Công nghệ) gồm: Lê Thị Tuyết Nhi, Nguyễn Tấn Tài, Nguyễn Thị Chúc Ngân thực hiện đề tài “Hệ thống cảm biến không dây phục vụ sản xuất nấm”, đạt giải Trình bày tốt nhất tại vòng chung kết cuộc thi. Bạn Chúc Ngân cho biết: “ĐBSCL chuyên sản xuất nông nghiệp (chủ lực cây lúa) nên lượng rơm rất nhiều, nông dân tận dụng để trồng nấm.

Tuy nhiên, việc trồng nấm truyền thống, nông dân phải thăm đồng thường xuyên để theo dõi độ ẩm và nhiệt độ môi trường xung quanh khu vực trồng nấm. Đề tài này nhằm thiết kế hệ thống giám sát nhiệt độ và ẩm độ môi trường phục vụ trồng nấm, với độ chính xác cao và chi phí thấp”.

Theo đó, hệ thống sử dụng các cảm biến để đo nhiệt độ và ẩm độ của môi trường nơi trồng nấm, các thông tin này sẽ gởi về bộ điều khiển trung tâm thông qua kết nối không dây. Người sử dụng có thể xem thông tin về các thông số môi trường trên màn hiển thị LCD của bộ điều khiển trung tâm hoặc thông qua tin nhắn SMS trên điện thoại di động. “Người trồng nấm không nhất thiết thăm đồng mà có thể nhìn vào các thông số trên màn hình LCD để theo dõi quá trình nấm phát triển, thu hoạch hiệu quả. Hiệu quả thiết kế này được kiểm chứng qua việc sử dụng thử nghiệm hệ thống tại cơ sở trồng nấm ở ĐBSCL”, bạn Tuyết Nhi giải thích thêm.

Cần trợ lực

Các năm qua, lãnh đạo Trường ĐHCT quan tâm hoạt động NCKH nói chung, NCKH trong sinh viên nói riêng, ý thức sinh viên về NCKH ngày càng nâng lên… Vì thế, nhiều đề tài của sinh viên được đầu tư khá kỹ, đạt giải cao ở hội thi các cấp.

Bạn Trí nói: “Ngành học chúng tôi chuyên về kỹ thuật nên muốn thực hiện tốt đề tài phải cố gắng tìm hiểu thêm lĩnh vực nông nghiệp, hỏi thêm thầy cô. Đồng thời sắp xếp thời gian học tập, tranh thủ thời gian rảnh rỗi để nhóm thực hiện đề tài”. Còn theo bạn Chúc Ngân, quá trình thực hiện đề tài, không nhớ bao nhiêu lần, mẫu thí nghiệm bị lỗi phải bỏ, nhóm tự xuất tiền làm lại. Bởi ham thích nghiên cứu, cộng với thầy cô hỗ trợ, động viên tinh thần nên chúng tôi cố gắng thực hiện tốt đề tài”.

Có thể nói, NCKH trong sinh viên có vai trò quan trọng trong hoạt động đào tạo của trường ĐH, vì thông qua NCKH sẽ giúp sinh viên ứng dụng lý thuyết vào thực tế, giúp nhớ kiến thức lâu hơn. Quan trọng hơn, khi tham gia NCKH, nhiều sinh viên học được rất nhiều kỹ năng “mềm”, như: cách làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kế hoạch học tập khoa học...

Qua đề tài thực hiện là cơ sở để sinh viên phát triển thành tiểu luận, luận văn tốt nghiệp ra trường. Thầy Trần Hữu Danh, Phó Trưởng bộ môn Điện tử - Viễn thông, Khoa Công nghệ, Trường ĐHCT, cho biết: “Đa phần thầy cô đưa ra ý tưởng và sinh viên thực hiện thành công đề tài NCKH. Hai sản phẩm đạt giải tại cuộc thi này là ví dụ”. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của sinh viên nói riêng, giảng viên nói chung trong NCKH là hạn chế kinh phí thực hiện, thủ tục thanh quyết toán; việc phối hợp giữa các nhà khoa học mỗi khoa trong trường để công nhận mẫu thí nghiệm đạt chuẩn “chưa gặp nhau” nên sức thuyết phục của đề tài chưa cao…

Như đề tài “Dùng sóng siêu âm để giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng khác lên nông sản sau thu hoạch”, chỉ dừng lại ở giải Ba khu vực phía Nam, vì kết quả kiểm nghiệm mẫu chưa được kiểm định chất lượng của đơn vị liên quan (lĩnh vực nông nghiệp).

Vì vậy, nhiều sinh viên, cán bộ, giảng viên cho rằng, cần có trợ lực nhiều hơn nữa từ nhiều phía, trong đó có vấn đề kinh phí để thực hiện NCKH. Thầy Trần Hữu Danh đề xuất: Nên chăng khoán kinh phí đề tài để người thực hiện chủ động, tạo hành lang pháp lý dễ dàng khi thanh, quyết toán… nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác NCKH trong sinh viên nói riêng, nhà trường nói chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ