(GD&TĐ) - Đấy là dịp từ TP Hồ Chí Minh ông nhận lời mời về tham gia chương trình truyền hình trực tiếp của chúng tôi tại Tam Kỳ (Quảng Nam). Thực tình tôi cũng khá bất ngờ khi được Vũ Hạnh kiến diện. Nhà văn xứ Quảng nổi danh này xem ra trẻ hơn nhiều so với tuổi tác, giọng nói vẫn âm vang, phong thái vẫn hừng hực chất lửa mỗi khi đề cập đến những vấn đề thời sự nổi cộm. Có lẽ bất cứ ai một lần tiếp kiến ông đều dễ dàng nhận ra cái khí chất kẻ sĩ xứ Quảng mà ông dù xa quê đã nửa thế kỷ vẫn không phai nhạt.
Nhà văn Vũ Hạnh |
Để giải tỏa những tò mò của mình về truyện ngắn nổi tiếng Bút máu, tôi đề nghị nhà văn kể về hoàn cảnh ra đời của Bút máu. Nhà văn Vũ Hạnh thuật lại rằng: Cuối năm 1956, ông lập mưu thoát ra khỏi nhà lao Hội An, vào Sài Gòn hoạt động. Xin giải thích thêm thế này, trong nhà lao Hội An ông có người bạn tù tên là Võ Hạnh. Vốn là bạn học ở Chánh Thanh, Thăng Bình từ trước năm 1945, nhưng hai người không thân nhau lắm. Thời 9 năm chống Pháp, các ông biết nhau nhưng không cùng công tác. Sau hiệp định Giơnevơ, Võ Hạnh đổi vùng lên Lâm Đồng hoạt động, bị địch bắt đưa về nhà lao Thăng Bình, họ lại gặp nhau. Tấm gương kiên trung của Võ Hạnh làm cho Vũ Hạnh - lúc này vẫn mang tên khai sinh là Nguyễn Đức Dũng ngưỡng mộ. Trước khi trốn khỏi lao Hội An, Nguyễn Đức Dũng xin Võ Hạnh cho phép lấy danh tính của ông làm bút danh. Căn nguyên bút danh Vũ Hạnh là như vậy. Vào Sài Gòn, Vũ Hạnh bắt đầu viết văn và đã cho ra đời truyện ngắn Bút máu. Mục tiêu của truyện ngắn này là nhằm tấn công vào đám bồi bút của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm bấy giờ, nhắc nhở rằng không phải chỉ có súng gươm mà coi chừng ngòi bút bất lương của họ cũng dính máu như thường. Đồng thời Vũ Hạnh cũng xem đó cũng là tuyên ngôn cho nghiệp cầm bút của mình, rằng ông có thể viết dở, viết kém nhưng không bao giờ viết những gì sai trái, điều mà ông đã tâm niệm khi xin mượn tên người tù cộng sản Võ Hạnh làm bút danh.
Bút máu ra đời khi tình hình miền Nam ngày càng chìm đắm trong bầu không khí ngột ngạt. Chính quyền Ngô Đình Diệm trong cơn say máu đã tàn sát không ghê tay những người cộng sản và người dân yêu nước. Trong bối cảnh đó, Bút máu mượn chuyện xưa để chửi đám bồi bút Sài Gòn, qua đó cũng khéo léo lên án sự giả dối, tàn bạo của chế độ nhà Ngô. Truyện ngắn Bút máu đã tiếp thêm sức mạnh, tiếp thêm ý chí chiến đấu cho những người cộng sản, người yêu nước. Thậm chí những người không theo cách mạng nhưng chống Diệm cũng được hoan nghênh. Chính quyền Sài Gòn thì nghi hoặc vì sau đó báo Thống Nhất ở miền Bắc đã in lại. Một người tên là Lương Minh Đức còn gọi là Lương Mậu Được - bạn học của Vũ Hạnh thời nhỏ ở Thăng Bình, lúc này là thiếu uý an ninh quân đội ngụy đến tìm nhà văn. Vào khoảng thời gian đó Vũ Hạnh đang viết tiếp truyện ngắn Người nữ tì. Hắn cho biết ngoài Bắc đã in truyện Bút máu của ông, rồi nói với vẻ đe dọa rằng nếu ngoài nớ in tiếp truyện này (tức truyện Người nữ tì) thì an ninh không để yên cho ông đâu.
Trong chế độ gia đình trị họ Ngô ở miền Nam lúc bấy giờ thì thái độ dũng cảm của Vũ Hạnh thật đáng khâm phục nhưng chủ bút của nhà xuất bản nào dám làm “bà đỡ” cho truyện ngắn của ông cũng đáng nể lắm. Về chuyện này, Vũ Hạnh giảng giải cho tôi hiểu rằng đó là nhờ vào những lực lượng báo chí đối lập ở miền Nam lúc bấy giờ cũng như sau này, dù cũng có lúc bị thẳng tay đàn áp.Vì vậy Vũ Hạnh có chỗ dựa là tờ Bách Khoa. Chủ bút là ông Lê Huyền Châu. Vốn là người theo cách mạng nhưng do bất mãn chính sách cải cách ruộng đất của ta nên sau 1954, Lê Huyền Châu đã di cư vào Nam. Tuy vào Nam nhưng giữa ông Châu và Vũ Hạnh vẫn có sự đồng điệu. Ở Sài Gòn, sau những lần ra tù không tờ báo nào dám đăng bài của Vũ Hạnh, thậm chí các trường cũng không dám để nhà văn dạy nhưng Bách Khoa thì vẫn hối ông gửi bài cho họ, nhờ đó Vũ Hạnh mới có chỗ để mà viết, mà sống.
Trò chuyện một hồi, dường như nhập vào tâm trạng hứng khới, Vũ Hạnh kể thêm cái chuyện vô tiền khoáng hậu mà ông là tác giả. Đó là chuyện ông đánh đổ đề án Chỉ huy văn hoá của chính quyền Sài Gòn. Đầu đuôi là như thế này: Cuối năm 1963 Diệm - Nhu đổ, rồi sau vài cuộc đảo chánh nữa, cuối năm 1964 Nguyễn Khánh lên làm thủ tướng chính quyền Sài Gòn. Đỗ Mậu - một tay chân thân cận của Ngô Đình Diệm, sau tham gia lật đổ Diệm - và Phạm Đình Ái đã đưa ra đề án Chỉ huy văn hoá, nội dung đại thể là cần phải lập một viện văn hoá để nắm hết các hoạt động văn hoá trong tay, để chỉ huy văn hoá. Đây là một đề án rất phản động vì chúng muốn trói buộc văn hoá, lấy văn hoá làm công cụ nô dịch nhân dân miền Nam. Vũ Hạnh đã viết một bài dài 17 trang đăng trên tạp chí Bách khoa. Vì đang đấu tranh hợp pháp nên dĩ nhiên ông không thể nói đề án của chúng là phản động. Luận cứ chính mà Vũ Hạnh đưa ra là đề án phi thực tiễn, là ảo, là không hiểu gì tình hình thực tế nên rốt cuộc sẽ không đi đến đâu, tốt hơn hết là nên dẹp đi. Mà chúng dẹp thật. Thậm chí còn cử người đến gặp nhà văn để tham khảo ý kiến. Vũ Hạnh khôn khéo thoái thác rằng ông chỉ là người làm báo, đâu phải là người làm chính trị. Là người từng trải, đặc biệt ông đã từng 5 lần bị địch bắt giam nên Vũ Hạnh có vốn sống sâu sắc về cuộc sống chiến đấu của những người tù cách mạng trong các chốn tù ngục của Mỹ - nguỵ ở miền Nam. Ông bảo hiện thực bi tráng ấy là chất liệu quý giá cho những sáng tác của ông, kể cả trước đây cũng như hiện nay.
Tôi hỏi tác giả Bút máu rằng điều gì làm ông quan tâm nhất trong đời sống văn chương hiện nay, Vũ Hạnh bảo đấy là sự buông lỏng trong quản lý văn hoá nghệ thuật. Về chuyện này ông có một tham luận được Nhà xuất bản Văn nghệ TP Hồ Chí Minh xuất bản 2006, in chung với nhiều tác giả. Điều ông cảm thấy bức bối nhất là sự thiếu vắng hay đúng hơn là sự buông lỏng công tác lý luận phê bình đã dọn đường cho cái xấu nảy nở. Phê bình “bốc thơm” đang tung hoả mù, đang đánh bóng các giá trị nghệ thuật ảo làm cho công chúng lẫn lộn vàng thau. Và người ta đang nhân danh văn hoá để làm sống dậy những thây ma mà một thời chúng ta đã an táng. Nhưng ông bảo ông tin tình trạng tự trói tay mặc cho cái xấu hoành hành sớm muộn cũng sẽ chấm dứt.
Hơn nửa thế kỷ cầm bút, dù không nói ra nhưng qua câu chuyện tôi hiểu rằng Vũ Hạnh đang làm một cuộc tổng kết đời viết của mình. Một số anh em chí cốt cũng khuyên ông nên viết hồi ký. Suốt những năm tháng chiến đấu trên mặt trận văn hoá giữa lòng đô thị miền Nam, ông đã tả xung hữu đột như một chiến binh thực thụ. Ông bảo ngày ấy viết theo mệnh lệnh - là nói theo cái nghĩa cao cả, chân chính của từ này. Như cuốn “Người Việt cao quý” chẳng hạn. Bây giờ thư thả hơn có thể viết những cái mình thích nhưng dù gì ông vẫn viết với tâm thế của một chiến sĩ mặt trận văn hoá mà suốt mấy mươi năm nay dưới sự hiệu triệu của Đảng ông đã tự giác đi theo.
Duy Hiển