Triệu Voi ký sự

Triệu Voi ký sự

Kỳ 1:Gặp gỡ Viêng Chăn

1-Sau khi nhận  được giấy mời chính thức của Hội Nhà văn Lào, đoàn nữ nhà văn Việt Nam gồm 7 nhà văn, nhà  thơ đã có mặt tại Viêng Chăn. Đó là các nhà văn, nhà thơ : Bùi Kim Anh, Hoàng Việt Hằng, Nguyễn Thị Mai, Tôn Phương Lan, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Chu Thị Thơm, và Chu Thị Linh Quang. Sau lộ trình gần 700 km từ Hà Nội, đoàn đến bến xe Viêng Chăn. Giữa cái nắng nóng như thiêu như đốt, nhà văn Thi Đa Chăn ( người đã đến Việt Nam đầu tháng 1/2010  khi chị cùng đoàn Nhà văn Lào sang dự Hội nghị quốc tế giới thiệu tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Mỹ Đình) đã cùng các nhà văn khác mang hoa ra tận nơi đón đoàn. Các nhà văn Lào đã chờ mong phút giây này đã lâu. Chị Thi Đa Chăn cho biết, mặc dù hai nước giao lưu, giúp đỡ nhau về nhiều lĩnh vực, nhưng đây là lần đầu tiên  Hội Nhà văn Lào chính thức mời đoàn nữ Nhà văn Việt Nam  sang tham quan và làm việc tại Lào. Lào hiện có hơn 100 hội viên Hội Nhà văn nhưng chí có 14 nữ. Khi chúng tôi đến, 14 nữ nhà văn và đại diện cho Hội Nhà văn gồm Ban chấp hành và Báo Văn nghệ Lào cùng đến tham dự . Cuộc gặp gỡ diễn ra thân mật tại nhà riêng nhà văn Thi Đa Chăn. Khuôn viên nhà chị rộng, cả vườn và nơi để xe diện tích hơn 5000m2,dưới lùm cây xanh.Ở Viêng Chăn, cấp trưởng phòng trở lên là được cấp xe . Xe rẻ, chỉ với 15-20.000 USD là bạn có thể sở hữu một chiếc xe loại tốt, mà ở Việt Nam, giá gấp 2-3 lần như thế. Vì thế, đường phố tràn ngập xe ô tô con tư nhân, sang trọng và bóng lộn.

Lễ buộc chỉ cổ tay chúc phúc cho các nhà văn Việt Nam
Lễ buộc chỉ cổ tay chúc phúc cho các nhà văn Việt Nam

2-Như bất kỳ một thông lệ nào khi có khách quý đến, các bạn Lào thường tổ chức  cuộc gặp gỡ thân tình với nghi thức tâm linh mang đậm chất văn hóa dân tộc. Ngay tối hôm ấy, hơn  30 nhà văn Lào, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã cùng họp mặt liên hoan đón tiếp đoàn nhà văn Việt Nam tại nhà chị Thi Đa Chăn. Bố chị Thi Đa Chăn, tuổi gần 90, nước da bánh mật, vẻ quắc thước đã làm lễ chúc phúc, buộc chỉ cổ tay cho các nhà văn nữ.  Đây là nghi lễ văn hóa tâm linh mà bạn Lào rất tin và trân trọng.  Và họ chỉ làm đối với người mà họ yêu quý. Lần đầu tiên tôi chứng kiến nghi lễ này tại nước bạn. Trên chiếc mâm có 3 tầng được xếp lên nhau, tầng dưới cùng là bày trứng gà đã luộc chín , gạo và muối, bim bim, chuối chín, bánh kẹo, ruợu, xôi nếp đồ trong giỏ...tầng trên, bày tết hoa theo kiểu hình tháp, tầng trên cùng cũng tết hoa. Tất cả từ trên xuống dưới, hoa cúc đan chen từng vệt bên cạnh những sợi chỉ trắng được đính thả xuống tận mâm. Thầy cúng ( bố chị Thi Đa Chăn) đã làm nghi lễ cúng cho cả đoàn và những người khách quý. Tôi không nghe rõ ông nói những câu gì bằng tiếng Lào, nhưng nhìn ông chăm chú mải miết với những câu thần chú đuổi tà ma và cầu mong phước lành đến cho bạn bè chúng tôi rất xúc động. Một người dịch cho chúng tôi hay, ông chúc chúng tôi sống đến 120 tuổi. Ông cầu chúng tôi hạnh phúc. Bàn tay ông răn reo, sau mỗi câu chúc lại nghiêng sát chiếc đĩa làm phù phép, bên trên có những nhánh cà rốt chẻ thành hình que. Sau mỗi câu chúc, tất cả mọi người lại tung lên những hạt gạo được đặt ở đĩa trên mâm.

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai và nhà văn Thi Đa Chăn cùng múa điệu Lăm Vông
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai và nhà văn Thi Đa Chăn cùng múa điệu Lăm Vông

Sau 30 phút, nghi lễ kết thúc, tất cả mọi người rút những sợi chỉ được đính trên ngọn cúc ở tầng cao nhất để buộc chỉ cổ tay cho nhau chúc phúc. Trong buổi lễ chúc phúc buộc chỉ cổ tay, ai có nhiều chỉ buộc nhất là người ấy sẽ nhiều may mắn. Chị Thi Đa Chăn và các bạn Lào căn dặn, sau 3 ngày mới được tháo ra, nếu không sẽ không còn linh nghiệm. Và phải nhớ là tháo từng nút thắt chứ không được cắt. Chúng tôi đã mang những sợi chỉ chúc phúc buộc ở cổ tay ấy về Việt Nam, bởi đó còn là sợi dây tình cảm vô hình khăng khít bởi tấm lòng bạn bè, bởi lời nguyện chúc mà không phải nơi nào cũng có được. Trong buổi gặp mặt và hát múa điệu múa Lăm Vông, các bạn nhà văn Lào đã khiến chúng tôi sửng sốt bởi tài năng và tri thức của mình. Điều kỳ lạ là hầu hết các nhà văn Lào đều thông thạo một ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Cá biệt có người biết đến 2-3 ngoại ngữ như nhà văn có bút danh Ôthong Khăn Mi Sư. Anh là người chơi đàn ghi ta rất hay, biết tiếng Pháp, Đức, Anh. Anh sáng tác thơ rồi phổ nhạc. Bài hát của anh kể về một bông hoa bên vệ đường, bị bụi bám đầy và không ai để ý, nhưng sẽ có một ngày-bông hoa sẽ hạnh phúc bởi sự chú ý của một khách không vô tình. Nhà thơ như một bông hoa, chịu nhiều gió bụi. Nhưng vẻ đẹp của nó chỉ dành cho người phát hiện, yêu thương...Tôi lắng nghe giai điệu bài ca, và chợt nhận ra nỗi niềm người nghệ sĩ...Phảng phất buồn và có điều gì đó, rưng rưng...

Mỗi nhà văn nơi đây đều là một nghệ sĩ đích thực. Chăn Tha Phon vừa viết truyện lịch sử, vừa chơi ghi ta cực hay. Anh còn là một giáo viên dạy tiếng Anh cho người Lào. May Chăn –người phụ nữ đoạt giải văn học Sông Mê Công, cũng là nghệ sĩ, khi chị múa Lăm Vông tha thướt tình cảm cùng các bạn văn.

Hàng tạp phẩm được bày bán trên sông Mê Công
Hàng tạp phẩm được bày bán trên sông Mê Công

3-Điều bất ngờ hơn là Tổng lãnh sự Đại sứ quán toàn quyền Việt Nam tại Lào –T.S Tạ Minh Châu cũng là nhà thơ-Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Trong tối giao lưu với các nhà văn nữ, hầu hết cán bộ Sứ quán của ta tại Lào đã tham dự đầy đủ cùng bà con Việt Kiều và những doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trên đất Lào. Cuộc gặp mặt diễn ra hết sức cảm động, những bài ca, bài thơ đều hướng về đất nước, quê hương với nỗi niềm cần được xẻ chia. Vị Đại sứ cho biết hàng năm có hơn 200 đoàn khách Việt Nam sang Viêng Chăn. Tuy bận rộn, nhưng hễ được báo tin, thế nào anh cũng thu xếp để gặp gỡ và đón tiếp bạn bè, quan khách ở Việt Nam sang.

Thế mới biết, nơi đất khách quê người, dẫu làm việc gì đi chăng nữa, nhưng hình bóng và tấm lòng quê hương luôn là nỗi niềm trông đợi và khát khao của biết bao bà con ở xa Tổ quốc. Chị Hiền, người Việt Nam, GV trường ĐH Quốc gia Lào, kết hôn với anh chồng là tiến sĩ ( trước làm NCS ở VN) cũng giảng dạy tại trường nghe tin có đoàn nữ nhà văn ở Việt Nam sang, cũng chạy đến mừng tủi và thăm hỏi. Chị có con gái 5 tuổi. Cháu bé khôi ngô và như lời chị nói, chị đang dạy cho cháu biết tiếng Việt để khỏi quên quê hương xứ sở...

Trong khuôn viên trường ĐH Ngôn ngữ Viêng Chăn
Trong khuôn viên trường ĐH Ngôn ngữ Viêng Chăn

Chúng tôi đến ĐH Ngôn ngữ Viêng Chăn, thấy nơi đây là điểm xuất phát lý tưởng cho ai yêu đất nước Triệu Voi và chọn đất nước này làm nơi ngụ cư vĩnh viễn. GS-TS Bua Ly Pa Pha Phăn, Chủ nhiệm Khoa tiếng Lào và Báo chí ( tiền thân là khoa Ngữ văn của ĐH Viêng Chăn), cho biết khoa có 34 CB, GV. Trong đó có 15 nữ. Số CB, GV có trình độ thạc sĩ là 11, TS :2. Khoa có 351 SV, thì số SV Việt Nam đang theo học tại trường là 137. Nhiều sinh viên các nước khác cũng theo học tại đây. SV Việt Nam rất chăm chỉ, cần mẫn và có tính tự lập rất cao. PGS-TS Bun Nho Phôm Ma Bút, Phó hiệu trưởng nhà trường cho rằng việc đào tạo liên kết giữa ĐH Ngôn ngữ Viêng Chăn và ĐH QG ở Việt Nam rất có hiệu quả và cần thiết cho đào tạo cán bộ trẻ cho hai bên. Bằng chứng là nhiều SV Việt Nam đã ở lại Lào để giúp đất nước này xây dựng và phát triển trong sự tự nguyện.

Đền thờ Trần Hưng Đạo ở Viêng Chăn
Đền thờ Trần Hưng Đạo ở Viêng Chăn

Đến Viêng Chăn, gặp gỡ các bạn Lào và gặp gỡ bà con kiều bào, chúng tôi mới hiểu lý do tại sao đất nước này lại níu giữ lòng người giỏi đến thế. Nếu không có một quá trình gắn bó trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nếu không ở bên nhau trong lúc cam go nhất và chia ngọt xẻ bùi với những gian nan thiếu thốn sau chiến tranh, thì mối thâm tình gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc rất khó được tồn tại vững bền như ngày hôm nay.

Hiếu khách, tin cậy và gần gũi gắn bó-đó là tất cả những gì mà người dân Lào đã làm được để níu chân du khách khi tới vùng đất bình yên này.

(Còn nữa)

Chu Thị Thơm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ