Thầy giáo Trần Hà Thanh – Phó hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Nguyễn Văn Trỗi (huyện Chư Prông, Gia Lai) cho hay, năm học 2020-2021 trường có 67 học sinh lớp 1 được làm quen với chương trình SGK mới.
Theo thầy Thanh, ban đầu khi mới làm quen, tiếp xúc với chương trình mới, giáo viên và học sinh còn nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, chương trình mới giáo viên có thể linh hoạt, thay đổi phương pháp dạy nên học sinh dễ dàng tiếp thu. Với đặc thù địa phương nhiều học sinh dân tộc thiểu số, do đó giáo viên chủ động thay đổi ngữ liệu phù hợp trong một số bài học để đảm bảo nội dung kiến thức cơ bản cho học sinh.
Thầy Thanh cho hay, so với chương trình cũ thì phương pháp dạy, nội dung SGK mới có nhiều điểm hay, nổi trội hơn. Qua đó, SGK lớp 1 mới có nhiều màu sắc và các giáo viên có thể linh hoạt trong quá trình giảng dạy.
“Ngay từ những ngày đầu triển khai chương trình nhà trường đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, tâm lý cho giáo viên, học sinh. Trải qua một kì học, cơ bản các em học sinh đã bắt nhịp được với chương trình mới và nắm chắc kiến thức, biết đọc, biết viết.”, thầy Thanh nói.
Tương tự, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng - Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng (huyện Đắk Hà, Kon Tum) cho biết, đối với chương trình SGK mới các em học sinh lớp 1 tiếp thu khá tốt.
Theo cô Hằng, năm học này nhà trường có 4 lớp 1 với 120 em học sinh. Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên áp dụng chương trình SGK lớp 1 mới, do đó thầy và trò còn một số bỡ ngỡ. Tuy nhiên, giáo viên trong trường đã cố gắng thay đổi phương pháp giảng dạy để phù hợp với các em học sinh. Các em học sinh đã tiếp cận tốt với chương trình mới và vô cùng thích thú. Kết thúc kì thi học kì 1, thành tích của các em khá cao, tương đương với kết quả của những năm trước.
Cũng theo cô Hằng, kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong học kỳ đầu tiên thực hiện chương trình mới đã cho thấy những hướng đi tích cực của ngành giáo dục trong định hướng đổi mới căn bản.
Cô Lê Thị Thanh Xuân – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, khi triển khai chương trình SGK mới địa phương đã bám sát các văn bản của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó, ngành giáo dục bố trí, sắp xếp đội ngũ, tập huấn cho cán bộ, giáo viên. Ngoài ra, chuẩn bị và sắp xếp lại mạng lưới cơ sở vật chất, ưu tiên cho các em học sinh lớp 1. Do đó, trong quá trình triển khai chương trình SGK hạn chế bỡ ngỡ, khó khăn.
Theo cô Xuân trong quá trình giảng dạy, cơ bản các trường, giáo viên đã sáng tạo để phù hợp với các em học sinh vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. SGK mới giúp các em học sinh thích thú, hào hứng hơn trong quá trình học tập.
Phó giám đốc Sở cho hay, trong học kì II ngành giáo dục sẽ tiếp tục duy trì, phát huy những kết quả đã đạt được. Bên cạnh đó, khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải. Qua đó, tạo tiền đề để đội ngũ nhà giáo, cơ sở giáo dục tự tin cho chương trình SGK lớp 2 và 6 từ tập huấn đến chọn sách, chuẩn bị CSVC…