Nhiều dân tộc thiểu số sống phân tán ở núi cao, triển khai dạy học sẽ có nhiều khó khăn, nhưng các thầy cô giáo vẫn khẳng định sẽ nỗ lực dạy - học tốt.
Do đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn cho 100% giáo viên dạy lớp 1 và cán bộ quản lý cấp tiểu học bài bản nên ngày từ những ngày đầu bước vào thực dạy, các nhà trường và GV đã cùng HS tiếp cận sách giáo khoa và chương trình mới thuận lợi.
Quyết tâm lớn
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, cho biết: Quan điểm chỉ đạo của Sở là bước vào dạy học tất cả giáo viên phải nắm chắc phương pháp sử dụng sách giáo khoa, thiết bị dạy học và các tài liệu bổ trợ, phục vụ tốt nhất cho việc đổi mới chương trình. Đến nay triển khai dạy – học thực, GV đã bước đầu triển khai phương pháp dạy học tích cực, kiểm tra đánh giá học sinh; kỹ năng tổ chức các hoạt động học tập, phát triển năng lực học sinh; hướng dẫn sử dụng học liệu điện tử trong quá trình giảng dạy.
Với đặc thù vùng cao, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn nên Yên Bái càng quyết tâm chuẩn bị tâm thế tốt nhất để thực hiện CTSGK mới cho HS lớp 1. Các nhà trường đã lựa chọn ra những bộ sách, theo môn học phát triển năng lực của học sinh. Giờ đây, vấn đề đặt ra là việc thay sách sẽ được các cơ sở GD triển khai như thế nào nhất là ở địa bàn các xã vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, khi hệ thống cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ đổi mới còn thiếu chưa đồng bộ nhận thức của học sinh và phụ huynh còn hạn chế cùng với nỗi lo về giá sách cao.
Thực hiện CTSGK mới, HS vùng cao, vùng dân tộc, có nơi với gần 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông, nhận thức còn hạn chế, bên cạnh đó nhiều trường còn thiếu thốn về trang thiết bị nên sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng dạy - học. Thêm nữa, HS tiểu học ở vùng dân tộc nhiều em còn chưa sõi tiếng Việt. Do vậy việc triển khai cũng không tránh khỏi những vấn đề nảy sinh với nhiều khó khăn hơn. Những khó khăn này càng đòi hỏi các thầy cô giáo tham gia dạy CTSGK mới phải nỗ lực nhiều hơn để đảm trách dạy tốt các nội dung học tập.
Tất cả vì HS thân yêu
Ở Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở xã Xà Hồ, huyện vùng cao Trạm |Tấu, có 885 học sinh trong đó có 686 học sinh được hưởng chế độ bán trú. Cho dù nhiều năm qua được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhưng đến nay nhà trường vẫn còn thiếu một phòng học và trên mười phòng ở. Các trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu nhất là máy chiếu để phục vụ cho công tác giảng dạy theo CTSGK mới. Tuy nhiên, các thầy cô đều thể hiện quyết tâm cao, sẽ sáng tạo và linh hoạt hơn trong việc triển khai dạy học hiệu quả.
Năm học 2020 – 2021, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải khối tiểu học 8.718 học sinh. Nhà giáo Nguyễn Văn Tuấn - Phó Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: Là huyện vùng cao nhiều khó khăn, địa bàn rộng nhưng với quyết tâm để học sinh lớp 1 tiếp cận tốt nhất với CTSGK mới. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành giáo dục và đào tạo, UBND huyện Mù Cang Chải, các nhà trường đã lên kế hoạch chi tiết cho việc triển khai CTSGK mới, lựa chọn những GV giỏi nhất để dạy lớp 1 chương trình mới.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Dế Xu Phình, cô giáo Nguyễn Thuỳ Nhung – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Dế Xu Phình cho biết: có 39 cán bộ, giáo viên với 549 học sinh, trong đó khối tiểu học 329 em, khối THCS 220 em. Địa bản rộng, thôn xa nhất cách trường khoảng 11 km, chuẩn bị cho năm học mới các cô đến vận động HS ra lớp, sau khai giảng thì các thầy cô lại cùng chụm đầu vào bàn việc dạy học sao cho hiệu quả. Nhất là đối với học sinh lớp 1, các em mới bước vào học.
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS La Pán Tẩn cho biết: Khối tiểu học năm nay có 19 lớp với 648 học sinh trong đó đa phần là người Mông. Hơn ai hết, các thầy, cô giáo được giao dạy học cho các em hiểu rằng, đối với huyện vùng cao như Mù Cang Chải, nhất là HS người Mông các thôn, bản xa xôi, việc HS đi học đã là tốt rồi, để nâng cao chất lượng dạy học lại càng khó hơn. Với CTSGK mới cho HS lớp 1, các thầy cô phải nỗ lực nhiều hơn, sáng tạo nhiều hơn.
Có thể nói nghiêm túc, tích cực và tinh thần trách nhiệm cao là điều ghi nhận chung của những thầy cô giáo tham gia thực hiện dạy CTSGK đầu tiên cho khối lớp 1. Các thầy cô đều tự nhận thấy đây là nhiệm vụ cấp thiết và cần phải được thực hiện hiệu quả. Với tâm thế tốt, họ đã và sẽ đồng hành cùng với nhà trường phụ huynh và học sinh để cho chương trình đổi mới sách giáo khoa hiệu quả, bổ ích, thiết thực trong từng giờ lên lớp với HS.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường, Sở GD&ĐT đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa CTGDPT mới trên địa bàn tỉnh phù hợp với HS, với những đặc điểm địa hình dân cư. Chúng tôi cũng đồng thời yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc nghiên cứu lựa chọn sách đảm bảo tinh thần minh bạch khách quan và đúng quy định.
Các nhà trường cũng chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất về đội ngũ giáo viên. Đảm bảo hoạt động dạy học phải phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo trong thiết kế bài giảng và truyền đạt tri thức cho học sinh theo đúng tinh thần đổi mới. Dẫu còn nhiều gian khó phía trước, mong rằng các thầy cô với tình yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cao sẽ vượt qua thách thức hoàn thành tốt nhiệm vụ trồng người của mình. - Nhà giáo Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái.